Đèo Cả chi 800 tỷ đồng đầu tư thiết bị thi công dự án giao thông
Năm 2023, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, bổ sung thêm 400 đầu máy phục vụ triển khai thi công các dự án lớn.
Tập đoàn Đèo Cả vừa tổ chức buổi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý, vận hành và bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị cho cán bộ quản lý. Tham gia chương trình có PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Ông Khương Văn Cương, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, giai đoạn 2023 - 2025, Đèo Cả thực hiện khối lượng công việc thi công xây lắp rất lớn.
“Để đáp ứng yêu cầu công việc, Đèo Cả đã và đang đầu tư nhiều máy móc thiết bị. Trong đó, năm 2022, Tập đoàn đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để mua sắm hơn 500 thiết bị và năm 2023 sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 800 tỷ đồng để bổ sung thêm 400 đầu máy”, ông Khương nói và khẳng định, với sự đầu tư quy mô đó, những lớp đào tạo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng, nâng cao chuyên môn, tay nghề của các cán bộ, lái xe, lái máy trực tiếp của doanh nghiệp, phát huy hiệu quả công việc.
“Đèo Cả có hàng ngàn đầu máy, đòi hỏi công tác quản lý thiết bị cần được nâng cao, cách thức vận hành phải khoa học. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo kiến thức cho người lao động, tăng cường công tác tuyển dụng, tổ chức đào tạo thường xuyên, định kỳ và có các hình thức khen thưởng nóng cho những nhân sự lái xe lái máy mang lại hiệu quả công việc tốt”, ông Cương nói.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm giảng dạy về lĩnh vực cơ khí, điện tử ô tô, là thành viên của Hiệp hội Sửa chữa ô tô Úc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư ô tô TP.HCM, trong khuôn khổ của buổi chia sẻ, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng đã chỉ ra những nhân tố chính gây hư hỏng máy móc thiết bị.
Từ những trường hợp cụ thể, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng đã hướng dẫn các phương pháp quản lý máy móc thiết bị hiệu quả, hạn chế hư hỏng, giảm chi phí sửa chữa và tối ưu công suất hoạt động của máy.
“Hiện nay, phần lớn các máy móc thiết bị được sản xuất phục vụ cho các nước phát triển, điều kiện về khí hậu, môi trường làm việc khác nhiều so với Việt Nam. Khi máy móc thiết bị được nhập về cần xem xét điều kiện vận hành thực tế và điều chỉnh lại thời gian bảo hành, bảo dưỡng, sử dụng loại nhiên liệu phù hợp để tăng tuổi thọ sử dụng của thiết bị”, PGS. TS. Dũng khuyến cáo.