Đèo Chẹn xưa và nay
Nằm trên tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí chi viện cho bộ đội tại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, nên đèo Chẹn từng là điểm máy bay thực dân Pháp đánh phá ác liệt. Để góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' đã có rất nhiều người dân địa phương nơi đây xung phong tham gia dân công hỏa tuyến để mở đường, sửa đường, lấp hố bom. Ghi dấu địa danh lịch sử, năm 2020, đèo Chẹn được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Những tháng năm mở đường
Đèo Chẹn dài 11 km thuộc quốc lộ 37, kết nối bản Chẹn, xã Mường Khoa (Bắc Yên) đến tiểu khu Hồi Hương, xã Cò Nòi (Mai Sơn), đỉnh đèo thuộc địa phận bản Đèo Chẹn, xã Hua Nhàn (Bắc Yên) có độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Theo lời kể của người dân bản Chẹn, trước đây đèo Chẹn chỉ là tuyến độc đạo được người dân mở để đi lên rừng kiếm củi, hái măng, hái rau rừng phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Do nhu cầu đi lại, giao lưu và vận chuyển hàng hóa từ xã Mường Khoa đến xã Cò Nòi và xã Chiềng Đông (Yên Châu), nên từ chân đèo, người dân đã mở thêm đường về phía sông Đà để thuận tiện cho việc giao lưu, buôn bán hàng hóa với các vùng bên kia sông. Theo thời gian, tuyến đường này dần trở thành tuyến đường chính kết nối người dân hai bên bờ sông Đà chảy qua địa phận huyện Bắc Yên ngày nay.
Trong thời kỳ chiến tranh chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đèo Chẹn thuộc đường số 13 (nay là quốc lộ 37) giao với đường số 41 (nay là quốc lộ 6) tại ngã ba Cò Nòi, là trọng điểm đánh phá của giặc Pháp. Để đường ra tiền tuyến được thông suốt, rất nhiều người dân địa phương đã tham gia mở đường, sửa đường, lấp hố bom ngay sau khi quân địch đánh phá. Một trong những người đó là cụ Lò Thị Sồn, bản Chẹn, xã Mường Khoa. Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe đã suy giảm, nhưng trí nhớ về những ngày mở đường đèo Chẹn vẫn còn nguyên vẹn.
Cụ Lò Thị Sồn kể: Đầu năm 1953, mỗi hộ dân xã Mường Khoa có 1-2 người tham gia mở đường trên đèo. Năm đó, thanh niên chúng tôi hăng hái lắm, ai ai cũng muốn góp công góp sức để những chuyến xe ra tiền tuyến được thuận lợi hơn. Tháng 3 năm đó, những thanh niên tham gia dân công tập hợp tại bản Noong Đa (nay là bản Cao Đa 1, xã Phiêng Ban) để huấn luyện những kỹ năng cần thiết khi có máy bay địch, nhằm hạn chế thương vong. Đến khoảng giữa năm, chúng tôi bắt đầu di chuyển về đèo Chẹn để thực hiện nhiệm vụ mở rộng mặt đường. Hơn 11 km đường đèo từ bản Chẹn đến đỉnh đèo được chúng tôi làm vào ban đêm để tránh máy bay giặc phát hiện và làm liên tục đến cuối năm. Còn phần từ đỉnh đèo sang Mai Sơn do đội khác phụ trách. Sau khi hoàn thành việc mở rộng mặt đường, chúng tôi chuẩn bị hành trang về gia đình. Nhưng tôi nhớ khi đó, Đội trưởng của chúng tôi là anh Thấm, người xã Chiềng Đông (Yên Châu), bảo: Mở đường đã xong, nhưng chiến dịch còn dài, giặc sẽ còn đánh phá tuyến đường này nhiều. Vì vậy, mong mọi người ở lại góp sức sửa đường để thông tuyến ra chiến trường. Thế là chúng tôi đều tự nguyện ở lại, tiếp tục công việc “vá đường” sau những trận dội bom của máy bay Pháp. Tuy vất vả, hiểm nguy, nhưng thật tự hào, vì chúng tôi đã góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ngày mới ở đèo Chẹn
Đèo Chẹn hôm nay đã đổi thay nhiều nhưng tinh thần, ý chí của bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vẫn còn vẹn nguyên trên cung đường lịch sử. Giờ đây, cung đường mới mở trên đèo Chẹn nối hai huyện Bắc Yên và Mai Sơn như dải lụa vắt ngang dãy núi, gắn kết 2 vùng đất. Giao thông đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa dễ dàng hơn đã góp phần làm cho cuộc sống của người dân trên đỉnh đèo Chẹn ngày một khởi sắc.
Thực hiện Nghị quyết số 101/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh phê duyệt đề án sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố, năm 2019, hai bản Mòn và Kéo Bó của xã Hua Nhàn trên đỉnh đèo Chẹn được sáp nhập và lấy tên Đèo Chẹn để đặt cho bản. Hiện, bản có trên 300 hộ, với trên 95% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cả bản có trên 250 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, khoảng 200 ha trồng ngô, với sản lượng đạt 1.600 tấn/năm; còn lại là trồng lúa và một số loại cây rau phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Điều mừng là, trong năm 2020, người dân trong bản đã chuyển đổi 20 ha trồng cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao, như: Xoài, nhãn, bưởi..., dự kiến năm 2022 sẽ cho thu hoạch quả. Chăn nuôi phát triển, tăng quy mô đàn với trên 400 con gia súc, gần 1.500 con gia cầm. Sản phẩm chăn nuôi đã trở thành hàng hóa.
Đời sống của người dân trong bản đã khá hơn. Cả bản chỉ còn 20% hộ nghèo; gia đình nào cũng được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các tuyến đường nội bản đã được đổ bê tông; có nhà văn hóa khang trang để hội họp và tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao...
Khi đèo Chẹn được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, UBND huyện Bắc Yên chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc xây dựng phương án quy hoạch trở thành một trong những điểm tham quan, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, tập trung rà soát và hủy nổ bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh tại khu vực đèo Chẹn. Đối với hai xã Mường Khoa và Hua Nhàn, là hai điểm đầu và cuối của di tích lịch sử, chính quyền địa phương vận động người dân giữ gìn cảnh quan môi trường của khu vực này.
Năm tháng qua đi, đèo Chẹn năm xưa giờ vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử hào hùng, tiếp tục là con đường nối liền giao thương với Sơn La và các tỉnh lân cận để người dân gắn bó, đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/deo-chen-xua-va-nay-37310