Một tảng đá to từ trên núi rơi xuống đường sau trận mưa đêm 14/10.
Ngày 2/11, theo ghi nhận của PV, tại tuyến đường đèo Hải Vân đoạn địa phận Đà Nẵng có hàng chục điểm sạt lở sau trận mưa lũ lịch sử đêm 14/10. Đã hơn nửa tháng nhưng do khối lượng đất đá khá nhiều nên công tác khắc phục vẫn chưa hoàn thành, giao thông trên tuyến đèo nối Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng, nhiều đoạn rất nguy hiểm.
Tại tuyến đèo thuộc địa phận Đà Nẵng có đến hàng chục điểm sạt lở nặng.
Những tảng đá lớn lăn từ vách núi dựng đứng nằm chênh vênh trên đường đèo. Nếu tiếp tục có mưa lớn, nguy cơ đá tiếp tục sạt xuống đường rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua đèo.
Khối lượng đất đá đổ xuống đường sau trận mưa đêm 14/10.
Hàng trăm khối bùn, cây cối và đá tảng đổ sụt xuống mặt đường, tạo nhiều điểm nghẽn giao thông.
Đã hơn nửa tháng trôi qua, lực lượng chức năng chỉ mới cơ bản hoàn thành việc giải phóng đất đá khỏi mặt đường để cho lưu thông xe chứ chưa thể gia cố, khắc phục. Theo ghi nhận, có những đoạn phía trên núi đang hình thành dòng chảy mới, tiềm ẩn nguy cơ đá lăn.
Sạt lở ta luy dương.
Không chỉ sạt lở ta luy dương, nhiều điểm phía ta luy âm cũng bị nước lũ đánh sập, khoét sâu tạo hàm ếch ăn vào phần móng và nền đường.
Lực lượng chức năng lắp biển cảnh báo khi qua các đoạn sạt lở.
Ghi nhận của PV, tuyến đèo thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có nhiều điểm sạt lở, hệ thống lan can bằng bê tông bị cuốn phăng xuống vực sâu buộc lực lượng chức năng phải giăng dây cảnh báo người và phương tiện.
Lượng đất đá có thể đổ ập xuống nếu có cơn mưa lớn.
Khối lượng đất đá sạt từ trên núi xuống.
Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, đơn vị quản lý vận hành đoạn đường lên đèo Hải Vân cho biết, ngay sau khi xảy ra sạt lở, Công ty đã huy động lực lượng, phương tiện san gạt đất đá để thông tuyến. Tuy nhiên, các điểm sạt lở nhiều nên đến nay việc khắc phục mới chủ yếu để đảm bảo giao thông bước một. Đối với đá lớn sạt lở xuống đường đèo thì phải tính phương án xử lý khác.
Hoàng Vinh