Đeo khẩu trang vải thay khẩu trang y tế
1. Đeo khẩu trang y tế, rửa tay bằng nước sát khuẩn là một trong số các biện pháp phòng tránh lây bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra. Nhiều người dân trong tỉnh ùn ùn đến tiệm thuốc, cửa hàng… mua 2 sản phẩm này. Trước tình hình nhu cầu tăng cao đột biến, một số ít cửa tiệm nâng giá bán khẩu trang tăng vọt gấp nhiều lần so với giá bán thông thường. Bên cạnh đó, thì nhiều nhà thuốc vẫn giữ nguyên giá cũ 35.000 - 60.000 đồng/hộp (50 cái) tùy thuộc loại khẩu trang y tế dày hay mỏng (ít lớp hay nhiều lớp), có than hoạt tính hay không... Bởi nhu cầu tăng cao, nguồn cung hạn chế, trong vòng 2 - 3 ngày, nhiều cửa hàng không còn khẩu trang y tế, nước sát khuẩn để bán cho người dân. Nhiều chủ nhà thuốc cho biết: 'Dù đã đặt hàng với các công ty tại thành phố Hồ Chí Minh chuyên cung cấp sản phẩm khẩu trang y tế, nhưng đến nay, chúng tôi chỉ nhận được lời hứa, chứ chưa thấy hàng đến. Không riêng gì tại Bình Thuận, mà nhiều tỉnh, thành khác cũng rơi vào tình trạng khan hiếm loại sản phẩm này'. Một số quầy thuốc không bán nguyên 1 hộp (50 cái) cho khách hàng, mà chỉ bán lẻ 1.000 đồng/cái. Đó là giá bán lẻ bình thường (không tăng), tương ứng 50.000 đồng/hộp. Mỗi người chỉ mua được 3 cái/3.000 đồng, nhưng cũng không 'cầm cự' được lâu.
Đeo khẩu trang vải thay khẩu tra
2. Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống nhiễm virus corona (1/2), Bộ Công Thương cho biết, cả nước có 40 nhà máy sản xuất khẩu trang y tế. Trong đó, 38 đơn vị sản xuất loại khẩu trang 3 lớp; với năng suất hơn 1,2 triệu cái/ngày; 2 đơn vị sản xuất khẩu trang N95, năng suất 32.000 cái/ngày. Tuy nhiên, thời điểm nhu cầu tăng cao ngay vào dịp Tết Cổ truyền, các nhà máy sản xuất đều nghỉ tết, càng làm cho tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế “nóng” hơn. Ngay khi vừa kết thúc tết, công nhân trở lại làm việc và gia tăng sản xuất. Năng suất đạt khoảng 3 triệu cái khẩu trang y tế mỗi ngày. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang đối mặt tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới. Để tháo gỡ khó khăn, Bộ Công Thương hiện đang liên hệ tìm nguồn nguyên liệu tại các thị trường khác. Và góp phần giải quyết phần khan hiếm khẩu trang, kịp đáp ứng nhu cầu thị trường, một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia sản xuất khẩu trang vải.
3. Song trong bối cảnh trên, nhiều quầy thuốc, nhà thuốc trong cả nước nói chung và tại Bình Thuận nói riêng, đến nay, không còn khẩu trang để bán. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân đeo khẩu trang trong những trường hợp cần thiết, cần đeo đúng cách để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng; không cần sử dụng khẩu trang y tế trong mọi trường hợp. Với người khỏe mạnh không có các triệu chứng bệnh đường hô hấp, chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến nơi tập trung đông người, trên phương tiện giao thông công cộng… Nếu đeo khẩu trang y tế khi không cần thiết, thì sẽ gây lãng phí và tạo cho người sử dụng cảm giác yên tâm “ảo”. Các biện pháp bảo vệ quan trọng mà người dân phải áp dụng thường xuyên, ngoài đeo khẩu trang, là rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng; vệ sinh môi trường xung quanh trên các bề mặt tiếp xúc…
Tham khảo vài điểm bán khẩu trang vải tại TP. Phan Thiết, giá khẩu trang vải 10.000 - 15.000 đồng/cái tùy theo màu sắc, kích thước lớn hay nhỏ. Một người bán các sản phẩm chống nắng gần chợ Phan Thiết cho biết: “Đọc báo trên mạng, cách đây vài ngày, Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng khẩu trang vải khi đến nơi đông người, nơi công cộng… thay cho khẩu trang y tế, nhưng nhiều người vẫn chưa quan tâm đến mặt hàng này nhiều. Mỗi ngày, sản phẩm bán ra tăng không đáng kể”. Để bảo vệ bản thân, cộng đồng cũng như tránh lãng phí trong tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế, khẩu trang vải sẽ được lựa chọn. Mỗi người có thể mang theo 2 - 3 khẩu trang vải để thay mới nhiều lần trong ngày. Sau khi giặt sạch và phơi khô dưới ánh nắng, khẩu trang có thể sử dụng lại.