Dẹp cà phê đường tàu: Cần đánh giá đầy đủ và nhân văn

Câu chuyện về phố café đường tàu Trần Phú, Hà Nội, lại thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội khi lần thứ 2 cơ quan chức năng dựng rào chắn khách du lịch và hạn chế hoạt động của các hộ kinh doanh café giải khát tại khu vực. Một lần nữa, vấn đề an toàn được các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra cho 1 quyết định hành chính của mình.

Đây là hàng rào và biển báo ‘Khu vực nguy hiểm’ vừa được các lực lượng chức năng dựng lên. Phía đằng sau hàng rào chắn này, lũ trẻ con vẫn đang vô tư nô đùa, chạy nhảy trên đường tàu, và người lớn tuổi thì thảnh thơi ngồi đọc báo, trò chuyện.

Ông LÊ TUẤN ANH, Chắn 5 Trần Phú, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội: "Bố mẹ tôi đều làm trong ngành đường sắt, nhà tôi ở đây xây từ năm 1959, các cụ vẫn kể hồi mới về đây, cỏ còn mọc đầy, các cụ còn phải đi cắt cỏ. Nhà tôi là ngôi nhà đầu tiên ở khu này"

Theo quy định, các hộ dân ở đây đang sinh sống trên hành lang an toàn đường sắt, và đó cũng là lý do mà họ phải dừng kinh doanh. Người dân mong muốn Nhà nước quan tâm, thực thi đúng Luật đường sắt, giải tỏa, di dời họ đến chỗ ở mới để cuộc sống được ổn định.

Ông NGUYỄN VĂN LONG, Chắn 5 Trần Phú, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội: "Các hộ dân ở đây luôn ủng hộ chính sách của Nhà nước, để đảm bảo hành lang an toàn đường sắt, các hộ dân chúng tôi rất mong muốn giải tỏa để chúng tôi di dời chỗ khác, ổn định cuộc sống"

Thừa nhận sự bất cập khi người dân sinh sống hợp pháp tại khu vực dọc đường tàu, nhưng quận Hoàn Kiếm cho biết để di dời người dân ở đâykhông thể ngày một ngày hai.

Ông NGUYỄN ANH QUÂN – Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: "Việc di dời đảm bảo hành lang an toàn đường sắt cần nguồn kinh phí, cần quỹ thời gian và chủ trương lớn bởi cái này không chỉ trên địa bàn Hoàn Kiếm, mà chạy dọc cả tuyến đường sắt, và nó có tồn tại từ những năm 60 như vậy thì tôi nghĩ nó không phải ngày một ngày hai là có thể thực hiện được"

Dự án Đường sắt nội đô tuyến số 1 Yên Viên, Ngọc hồi, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2004, gần 20 năm nay vẫn liên tục trễ hẹn. Và dự án này bao trùm lên toàn bộ khu vực ‘phố café đường tàu’.

Ông NGUYỄN VĂN LONG, Chắn 5 Trần Phú, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội: "Khu tập thể đường sắt này đã có từ những năm 1960, từ trước khi Luật đường sắt ra đời. Khi có café đường tàu, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường rất là tốt, chức trước đây thì toàn bông kim tiêm, nhiều tệ nạn xã hội… rất bẩn thỉu, nhếch nhác. Cuộc sống của chúng tôi như thế này mà không được kinh doanh buôn bán thì mấy hôm nữa không biết như thế nào?"

Hiếm có một khu dân cư nào như phố đường tàu Trần Phú, nơi có rất nhiều hộ gia đình sinh sống trong ngôi nhà hợp pháp của mình, nhưng Quy định về hành lang an toàn trong Luật đã “vô tình” đưa toàn bộ khu dân cư này trở thành những người “vi phạm pháp luật” vì xâm phạm hành lang an toàn đường sắt.

Thực hiện : Kiều Minh Anh khoa

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dep-ca-phe-duong-tau-can-danh-gia-day-du-va-nhan-van