Đẹp cũng phải đúng chỗ

Áo dài truyền thống đẹp và ý nghĩa thế nào, hầu như người Việt nào cũng rõ và từ áo dài, người ta nói chuyện di sản, chuyện văn hóa ngàn đời của đất nước cũng đã nhiều. Nhưng cái đẹp, muốn phát huy được cũng cần phải đặt đúng chỗ.

Mỗi dịp lễ tết, không hẹn mà gặp, chị em áo dài xúng xính, bởi áo dài không chỉ đẹp mà còn là lựa chọn an toàn để viếng thăm, chúc tết người lớn. Nhưng nam giới lại ít có dịp diện áo dài hơn nữ. Thỉnh thoảng áo dài nam xuất hiện trong lễ hỏi, lễ cưới hay dễ thấy nhất là các vị chức sắc, chức việc trong đình chùa diện áo dài mỗi dịp cúng bái. Mới đây, một đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến về chuyện lễ phục khi nữ giới mặc áo dài còn nam giới thì comple. Đại biểu này đề nghị Bộ VH-TT-DL báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để xây dựng dần Luật nghi lễ, nghi thức, quốc phục, quốc hoa. Mục đích là để nam giới và nữ giới đều mặc áo ngũ thân truyền thống, kế thừa truyền thống của ông cha vì những trang phục này rất đẹp và kín đáo.

Câu chuyện mặc áo dài để góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong nhịp sống hiện đại là cần thiết nhưng phải cân nhắc nhiều yếu tố. Không ít hội nhóm do các bạn trẻ hiện nay lập ra trên mạng xã hội để bàn luận về những dáng áo dài xưa, chia sẻ câu chuyện văn hóa của tiền nhân và cùng nhau mặc áo dài ngũ thân để chụp hình hay tổ chức các buổi giao lưu ngoại khóa để lan tỏa nét đẹp truyền thống. Hiệu quả mang lại rất tốt, bởi các hội nhóm này thu hút vài chục ngàn tài khoản người trẻ tham gia; nhưng để áo dài trở thành trang phục thường ngày có lẽ phải “cân đo” lại, nhất là với nam giới.

Nam công chức ngành văn hóa ở Huế từng mặc áo dài đến công sở. Ở một cuộc thi marathon, hình ảnh vài vận động viên mặc áo dài chạy bộ mồ hôi nhễ nhại, chiếc áo nhàu nhĩ từng tốn nhiều “công sức” tranh luận của hai luồng ý kiến trên mạng xã hội. Rõ ràng, áo dài đẹp nhưng trang phục này không thích hợp để diện hàng ngày dù là môi trường công sở, nhân viên văn phòng không phải di chuyển nhiều bên ngoài, thậm chí là công chức trong lĩnh vực văn hóa. Bởi hơn hết, văn phòng, công sở là nơi để làm việc, cần ưu tiên những trang phục lịch sự, gọn nhẹ.

Giữ giá trị văn hóa truyền thống trong nhịp sống hiện đại không nhất thiết lúc nào cũng phải thể hiện ra mồn một như diện áo dài ngồi công sở với nam giới, hay hô hào khắp nơi. Quan trọng hơn hết trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chính là việc để giá trị truyền thống đó hài hòa và phù hợp với nhịp sống ngày nay. Hơn hết, để người trẻ biết yêu văn hóa dân tộc, phải giáo dục và định hướng họ để tình yêu đó thấm vào tiềm thức, chứ không phải bằng hình thức bên ngoài.

THANH DƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dep-cung-phai-dung-cho-722794.html