Đẹp – cuộc cạnh tranh thầm lặng
Ở nước ta, văn hóa dù đã trở thành động lực trong phát triển kinh tế, nhưng thẩm mỹ vẫn chưa trở thành mục tiêu chung. Trên địa hạt này, chúng ta còn thể hiện nhiều nhược điểm, thậm chí tụt hậu về nhận thức. Cạnh tranh tổng lực trong phạm vi quốc gia đã được dự báo từ cuối thế kỷ trước, nhưng đến thời điểm hiện tại, từ giáo dục đến văn hóa, đất nước chưa thực sự có bước đột phá xét về phương diện thẩm mỹ.
Tranh: Nguyễn Quang Thiều
Trong các kịch bản dự báo tương lai thế kỷ 21, ta thấy, cạnh tranh không ngừng mở rộng phạm vi, mức độ, thậm chí huy động đến sức mạnh tổng hợp của một quốc gia. Bởi vậy, “văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế”. Vì, văn hóa bao gồm tổng thể giá trị vật chất, tinh thần của một dân tộc. Song, làm thế nào để văn hóa trở thành mục tiêu trong phát triển nói chung đòi hỏi nhiều nỗ lực, trong đó có nâng cao sức cạnh tranh về giá trị thẩm mỹ.
Thẩm mỹ là một giá trị hiện hữu hay ẩn tàng bên trong mọi sinh hoạt. Cái đẹp thuộc phạm trù mỹ học, kết tinh cao độ ở nghệ thuật. Xét về phương diện văn hóa, cái đẹp gần gũi, gắn bó thân thiết như những vật dụng trong đời sống, từ bộ trang phục, chiếc bút chì, bộ bàn ghế, ti vi, tủ lạnh… cho đến công trình kiến trúc, tượng đài, quảng trường, tác phẩm thi ca, âm nhạc… Con người nói chung đều thích đẹp. Nói theo ngôn ngữ của nhà triết học người Đức Karl Marx: “con người sáng tạo mọi vật phẩm theo quy luật của cái đẹp”. Cái đẹp biểu hiện sinh động qua muôn vàn khía cạnh của đời sống. Dù muốn hay không, cái đẹp vẫn luôn hiện hữu, tràn ngập thiên nhiên, văn hóa, xã hội và nghệ thuật. Trên bức tranh toàn cảnh của đời sống, thẩm mỹ giống như một tiêu điểm, hội tụ những giá trị riêng – chung. Nó có sức lôi cuốn, hấp dẫn, cảm hóa con người. Cái đẹp không chỉ thể hiện qua di sản văn hóa, tác phẩm nghệ thuật… mà còn cho thấy sức sáng tạo, trí tưởng tượng, năng lực và thị hiếu thẩm mỹ ở từng cá nhân, cộng đồng. Nhờ ngôn ngữ thẩm mỹ, con người có thể làm cuộc đối thoại xuyên không gian văn hóa, thời gian lịch sử nhằm kết nối vạn vật.
Trong xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt, thẩm mỹ chứa đựng nhiều cơ hội khai thác, khám phá, phát huy... Cuộc chạy đua này tuy diễn ra âm thầm, lặng lẽ, nhưng không kém phần khốc liệt. Tiến sâu vào địa hạt thẩm mỹ, đường biên chia cắt giữa các quốc gia, văn hóa trở nên mờ nhạt. Cái đẹp thôi thúc bước chân con người vượt qua rào cản để tìm kiếm sự khác biệt. Từ thời cổ đại, hoạt động giao lưu văn hóa luôn đồng hành cùng bước chân con người. Nó tạo cơ hội cho sản phẩm văn hóa giữa các quốc gia, nền văn hóa trao đổi, ảnh hưởng lẫn nhau góp phần tạo nên bức tranh đa sắc về thẩm mỹ. Cái đẹp dễ dàng lan tỏa, truyền cảm hứng cho con người trên con đường vươn tới đích cộng cảm.
Cách đây ít lâu, khi các bộ phim Hàn Quốc phát trên truyền hình thì làn sóng mỹ phẩm, thời trang, ẩm thực, âm nhạc Hàn Quốc cũng cuốn theo. Như một hiệu ứng mang tính chất dây chuyền, xu hướng, thị hiếu xuất phát từ thẩm mỹ đến tiêu dùng, cuối cùng là văn hóa. Sau “cúm Hàn” đến làn sóng phim Nhật, đặc biệt là phim hoạt hình, cũng kéo theo hiện tượng tương tự. Nó đẩy các sản phẩm văn hóa mang thương hiệu Nhật lên cùng thị hiếu, từ đồ gia dụng, mỹ phẩm, gốm sứ, xe cộ cho đến món ăn, âm nhạc, phong trào học tiếng Nhật…
Thẩm mỹ vừa thể hiện bản sắc, vừa có khả năng vượt lên trên bản địa. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua các trào lưu, thị hiếu, xu hướng nghệ thuật. Đối với cái đẹp, con người sẵn sàng bước qua làn ranh chia cắt không gian văn hóa để đón nhận cái mới. Nếu như “nhu cầu sáng tạo mọi vật phẩm theo quy luật của cái đẹp” là thiên tính của con người thì đứng trước cái đẹp, con người đều có rung động thẩm mỹ. Bằng ngôn ngữ của cái đẹp, đối thủ cạnh tranh dễ dàng bị hạ gục nhờ tâm lý phòng vệ mất kiểm soát. Giống như vòng tay êm ái khiến khách hàng dễ dàng, sẵn sàng sa vào để trao gửi niềm tin.
Ở nước ta, văn hóa dù đã trở thành động lực trong phát triển kinh tế, nhưng thẩm mỹ vẫn chưa trở thành mục tiêu chung. Trên địa hạt này, chúng ta còn thể hiện nhiều nhược điểm, thậm chí tụt hậu về nhận thức. Cạnh tranh tổng lực trong phạm vi quốc gia đã được dự báo từ cuối thế kỷ trước, nhưng đến thời điểm hiện tại, từ giáo dục đến văn hóa, đất nước chưa thực sự có bước đột phá xét về phương diện thẩm mỹ. Nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng tụng ca cái xấu. Cái xấu phổ biến trong xã hội, từ phố phường, không gian cư trú cho đến thói quen văn hóa. Cảnh tượng nhếch nhác, luộm thuộm, bừa bãi, lộn xộn xuất hiện ở nhiều nơi. Tất cả tô đậm cho bức tranh méo mó về thẩm mỹ, xấu xí trong đời sống văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, thói quen chuộng khẩu hiệu, cờ đèn kèn trống rình rang lấn chiếm trong không gian công cộng càng khiến ngôn ngữ của cái đẹp bị thu hẹp, mất địa bàn thị hiện. Tình trạng góp phần xói mòn cảm quan, mệt mỏi thẩm mỹ. Ngay giữa trung tâm thành phố, cờ, biểu ngữ, băng rôn, khẩu hiệu, tranh ảnh cổ động… giăng mắc như tơ, thậm chí bủa vây cả những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa. Hội chứng chạy theo số lượng, căn bệnh “chặt to kho mặn”, “trâu luộc cả con”, tư duy “kỷ lục” vẫn chiếm ưu thế trong cách thể hiện văn hóa. Chẳng hạn khi tổ chức sự kiện chính trị, văn hóa, cờ, khẩu hiệu là những vật trang trí được ưu tiên hàng đầu. Chúng không chỉ dừng lại ở tính chất điểm xuyết, tạo điểm nhấn mà có xu hướng chạy theo số lượng, huy động thật nhiều, bất kể xấu hay đẹp và đặc biệt có hài hòa hay không trên tổng thể không gian, môi trường văn hóa công cộng. Nhiều khu vực quanh cơ quan, tổ chức chính trị không ngại trưng bày các biểu ngữ, băng rôn, cờ, tranh ảnh cổ động nhằm mục đích tuyên truyền thay vì sử dụng cái đẹp để cảm hóa, truyền cảm hứng. Suốt thời gian dài, chúng ta đã quá đề cao mục đích tuyên truyền mà xem nhẹ phương thức thể hiện. Nếu quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ thì đối với bất kỳ hiện tượng nào cũng cần được chuyển tải thông qua một nội dung tình cảm và hình thức đẹp. Có như vậy, tác phẩm văn hóa mới đi từ trái tim đến trái tim.
Lời kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt từng được đẩy lên thành phong trào. Tuy nhiên, con người nói chung đều thích đẹp. Cái đẹp lại có khả năng vươn tới mức độ phổ quát. Bởi vậy, người Việt sẵn sàng bỏ tiền ra mua sản phẩm ngoại nhập, du lịch nước ngoài, bắt chước các kiểu dáng, mẫu mã thời trang ngoại quốc… Tất cả đều bắt nguồn từ nhu cầu thẩm mỹ. Trong cuộc cạnh tranh thầm lặng này, không phải ai to hơn, nhiều hơn sẽ giành chiến thắng mà là ai đẹp hơn.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dep-cuoc-canh-tranh-tham-lang-a3283.html