Dẹp loạn 'cát tặc' trên sông Hồng

Chính quyền các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép khu vực giáp ranh.

Lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tàu cát trong đêm trên sông Hồng.

Lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tàu cát trong đêm trên sông Hồng.

Cùng với lực lượng chức năng “đột kích” bắt quả tang, chính quyền các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép khu vực giáp ranh.

Đột kích bắt “cát tặc”

Chiều 28/5, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an thông tin, đơn vị vừa chủ trì, phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ, Công an TP Hà Nội, Cảng Vụ khu vực II, Thanh tra Giao thông và các lực lượng có liên quan đồng loạt kiểm tra xử lý các bến tập kết vật liệu xây dựng không phép, phương tiện thủy neo đậu, tổ chức bốc xếp hàng hóa trong luồng, hành lang bảo vệ luồng không đúng quy định.

Kết quả bước đầu, đoàn liên ngành đã phát hiện và xử lý 12 trường hợp vi phạm, trong đó có 3 trường hợp không thực hiện đúng quy định về neo đậu phương tiện, 8 trường hợp thuyền trưởng không bố trí thuyền viên trông coi phương tiện khi phương tiện neo đậu, 1 trường hợp chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn.

Đồng thời, tổ công tác cũng tổ chức kiểm tra đối với một doanh nghiệp và các đơn vị tham gia hoạt động khai thác, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, hạn chế đến mức thấp nhất tác động môi trường.

Theo Cục CSGT, việc kiểm soát đồng loạt là nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác cát trên đường thủy nội địa. Quá trình kiểm tra không chỉ bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát sỏi trái phép mà còn kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

Đơn cử, khoảng 9 giờ ngày 23/5, Công an TP Việt Trì (Phú Thọ) phối hợp với các lực lượng chức năng đồng loạt tiến hành kiểm tra và xử lý triệt để theo quy định của pháp luật đối với các bến thủy nội địa trên địa bàn thuộc khu vực sông Hồng đoạn từ cầu Văn Lang đến cầu Việt Trì.

Kết quả, lực lượng chức năng xác định, bến thủy nội địa của doanh nghiệp tư nhân B.S, do ông N.V.B làm giám đốc có hành vi tổ chức cho phương tiện vào neo đậu, xếp, dỡ hàng hóa tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, khu neo đậu theo quy định.

Đây là doanh nghiệp từng bị Công an TP Việt Trì kiểm tra vào tháng 2/2024 và báo cáo UBND TP Việt Trì ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa với số tiền 55 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay doanh nghiệp này vẫn tiếp tục vi phạm.

Trước đó (20/5), Cục CSGT cho biết, Thủy đoàn I chủ trì cùng các lực lượng chức năng, Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành đột kích bắt giữ 4 tàu “cát tặc” trên sông Hồng, thu giữ 1.100m3 cát.

Trong 4 tàu cát trên, đáng chú ý là tàu NĐ-3593 nhận cát từ tàu hút không gắn biển số, những người trên tàu khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, đã khóa trái cửa, tăng ga di chuyển, không chấp hành theo yêu cầu của lực lượng kiểm tra. Khi tàu cát di chuyển đến bờ trái sông Hồng (xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, Hưng Yên) thì người điều khiển phương tiện mới cho tàu dừng lại và hút cát trong khoang bơm ra ngoài để hủy chứng cứ.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 900m3 cát không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Vụ việc đang được Công an huyện Văn Giang tiếp nhận, thụ lý giải quyết.

Cục CSGT cho biết, thời gian tới tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện, tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này.

Tàu khai thác cát khu vực ngã 3 sông Hồng, sông Đà giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ và TP Hà Nội.

Tàu khai thác cát khu vực ngã 3 sông Hồng, sông Đà giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ và TP Hà Nội.

Nguy cơ “hà bá” nuốt nhà dân

Cũng tình trạng khai thác cát trên sông Hồng, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, thời gian qua, tại khu vực địa bàn tỉnh Phú Thọ giáp ranh với huyện Ba Vì tương ứng từ K0+900 đến K2+200 đê Hữu Hồng thuộc địa bàn các xã: Thái Hòa, Phong Vân tình trạng khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng diễn ra công khai, tấp nập, hàng chục tàu hút cát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm; các tàu thuyền chờ vào lấy cát neo đậu đặc kín quanh khu vực tàu hút đang hoạt động.

Đây là vị trí ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Đà và sông Hồng, tình trạng hút cát đã làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy làm sạt trượt chân kè và làm nứt đường đỉnh kè, tường rào, tường nhà và công trình dân sinh bị ảnh hưởng.

Việc khai thác khoáng sản (cát) thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ giáp ranh địa giới hành chính của huyện Ba Vì (TP Hà Nội), tuy nhiên huyện Ba Vì không được cung cấp tài liệu hồ sơ cấp phép về hoạt động khai thác (nếu có) để phối hợp quản lý, giám sát. Do vậy, chính quyền địa phương và nhân dân trong khu vực rất hoang mang lo lắng.

Vì vậy, UBND TP Hà Nội đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, giao các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của UBND Hà Nội trên cơ sở quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.

Lực lượng CSGT đường thủy kiểm tra tàu cát trên sông (địa phận tỉnh Phú Thọ).

Lực lượng CSGT đường thủy kiểm tra tàu cát trên sông (địa phận tỉnh Phú Thọ).

Trong đó, UBND TP Hà Nội đề nghị tỉnh Phú Thọ cung cấp các tài liệu về việc cấp phép hoạt động khai thác cát tại khu vực giáp ranh cho UBND TP Hà Nội và thực hiện các biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, ngăn chặn xử lý dứt điểm các vi phạm về khai thác cát trái phép (nếu có).

Hà Nội cũng đề nghị Phú Thọ giao Sở TN&MT nghiên cứu, rà soát quy định về yêu cầu đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

Liên quan tới sự việc hút cát thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ khu vực giáp ranh huyện Ba Vì (TP Hà Nội) làm nứt tường nhà dân, trước đó (ngày 17/5), UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Công an thành phố, các sở, ngành phối hợp với UBND huyện Ba Vì tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm hành vi khai thác cát, khoáng sản trái phép, vi phạm pháp luật đê điều, đất đai theo quy định.

Theo đó, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở GTVT, Công an TP Hà Nội và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát báo cáo đề xuất của UBND huyện Ba Vì thống nhất phương án xử lý dứt điểm đối với các vi phạm tại địa phương; báo cáo thành phố kết quả thực hiện trong tháng 5/2024.

UBND TP Hà Nội yêu cầu huyện Ba Vì thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản theo quy định và chỉ đạo của UBND thành phố để tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dep-loan-cat-tac-tren-song-hong-post685259.html