Dẹp loạn vỉa hè khó thế sao?

Câu chuyện vỉa hè lại nóng lên khi TP.HCM dự kiến sử dụng làm điểm giữ xe, kinh doanh có thu phí sau khi chừa tối thiểu 1,5m cho người đi bộ.

Trong khi đó, Hà Nội cũng vừa yêu cầu các đơn vị liên quan kiên quyết xóa bỏ tình trạng hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”. Kế hoạch này sẽ được thực hiện đồng loạt từ ngày 1/3 tới.

Vỉa hè khu vực gần cổng Trường Đại học GTVT (Hà Nội) bị chiếm dụng trở thành nơi bán đồ ăn. Ảnh: Tạ Hải

Vỉa hè khu vực gần cổng Trường Đại học GTVT (Hà Nội) bị chiếm dụng trở thành nơi bán đồ ăn. Ảnh: Tạ Hải

Câu chuyện dẹp vỉa hè không mới, nhưng vì sao dư luận vẫn rất quan tâm? Bởi dù không mới, nhưng công việc tưởng chừng như đơn giản này lại trở thành vấn nạn khiến chính quyền hai thành phố lớn đau đầu, người dân bức xúc mãi vẫn chưa giải quyết được.

Tại TP.HCM, vào năm 2019, câu chuyện dẹp vỉa hè được dư luận dõi theo từng ly từng tí, khi một vị phó chủ tịch quận thân chinh xử lý.

Nhưng sau vài tháng ra quân, sau những ầm ĩ trên báo chí và mạng xã hội, mọi thứ vẫn như cũ. Vỉa hè vẫn bị lấn chiếm để buôn bán, kinh doanh, còn vị phó chủ tịch quận kia cũng đã nghỉ việc từ lâu.

Tại Hà Nội, cuộc chiến giành lại vỉa hè cũng hết sức gian nan. Từ tháng 2/2017, Hà Nội thực hiện chiến dịch lập lại trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ trong khoảng nửa năm, đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, sau đó nhiều địa bàn không duy trì được, người đi bộ tiếp tục bị đẩy xuống lòng đường và không biết đến khi nào vấn nạn này mới chấm dứt.

Cần phải khẳng định, vỉa hè là phần đường dành riêng cho người đi bộ và là nơi lắp đặt những thiết bị bổ trợ như nhà chờ xe buýt, trụ cứu hỏa, cột đèn... chứ không phải là nơi kinh doanh dịch vụ, trông giữ xe, là “lãnh địa” riêng của cá nhân, tổ chức nào đó.

Câu hỏi được đặt ra là bao giờ vỉa hè mới thuộc về người đi bộ như mục đích sử dụng của nó? Ai là những người chịu trách nhiệm vấn đề này? Vì sao dẹp mãi nhưng không được? Cần gì để giải quyết triệt để?

Tại nhiều nơi, chúng ta vẫn thấy lực lượng chức năng tuần tra, xử lý vi phạm liên quan đến vỉa hè, thậm chí ngày nào cũng đủ 2 ca sáng, chiều.

Nhưng họ đi khỏi thì sao? Mọi chuyện đâu vẫn vào đó, y như chuyện bắt cóc bỏ đĩa. Vậy thì gốc vấn đề nằm ở chỗ nào?

Vỉa hè ở phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) bị các cửa hàng buôn bán quần áo lấn chiếm, người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Ảnh: Tạ Hải

Vỉa hè ở phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) bị các cửa hàng buôn bán quần áo lấn chiếm, người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Ảnh: Tạ Hải

Có thể khẳng định, đó chính là hệ quả của sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan.

Nếu không có chuyện “nhắm mắt làm ngơ” của địa phương, tôi tin không cá nhân nào dám ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè.

Còn nếu quyết liệt thực hiện, thường xuyên kiểm tra, giám sát và truy đến tận cùng vấn đề thì chắc chắn vỉa hè sẽ trở về với chức năng vốn có của nó.

Và để làm được, cần giao trách nhiệm cụ thể, gắn trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu địa phương.

Nếu như có quy định chủ tịch phường nơi nào để vỉa hè bị tái lấn chiếm sẽ bị cách chức, khi đó liệu có ai dám bao che, chống lưng, làm ngơ nữa hay không?

Ở đây cũng cần nói đến vai trò của việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng, tuân thủ các quy định của pháp luật. Cuộc chiến này nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân thì cũng rất khó đạt hiệu quả.

Và có một điều nữa là cũng không nên đến mức quá cực đoan, cứng nhắc. Đối với những vỉa hè rộng rãi, cũng có thể nghiên cứu theo hướng, sau khi đã chừa lại 1,5m dành cho người đi bộ thì cho phép buôn bán, kinh doanh có thu phí.

Nguồn thu sẽ được sử dụng vào việc tái đầu tư hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị. Tất nhiên, đây là mục tiêu thứ yếu, còn mục tiêu hàng đầu vẫn phải là đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

TS. Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dep-loan-via-he-kho-the-sao-d582728.html