'Đẹp mà không đẹp'

Đó là tựa đề của một bài đọc trong sách giáo khoa mà tôi từng được học từ thuở bé. Câu chuyện kể về cậu bé Hùng dùng than đen vẽ lên bức tường vôi trắng của nhà trường hình con ngựa đang leo núi. Thấy bác Thành đi qua, Hùng liền gọi, hỏi bác nhìn xem con ngựa của mình vẽ có đẹp không. Và câu trả lời mà cậu bé nhận được từ người bác có ngụ ý 'đẹp mà không đẹp'. Đẹp ở tranh, còn không đẹp ở chỗ bức tường đã bị Hùng vẽ bẩn.

Bài học đạo đức ngắn gọn, dễ hiểu tưởng chừng chỉ dành cho con trẻ, thế nhưng tôi nghĩ rằng, giá trị giáo dục của câu chuyện vẫn vẹn nguyên ở mọi lứa tuổi. Trên thực tế, hành động “đẹp mà không đẹp” của người lớn vẫn diễn ra thường nhật. Không khó để bắt gặp những bức tường, cột điện với nhan nhản hình vẽ, tờ rơi quảng cáo chen chúc nhau; những dòng “check-in” khắc lên thân cây xanh nơi công cộng hay những chiếc bàn học ngập tràn nét mực bút bi, bút xóa, thậm chí là dấu tích “điêu khắc” bằng thước của vài cô cậu học trò.

Mới đây thôi, trong một chuyến công tác bằng xe máy về khu vực phía Đông tỉnh, suýt chút nữa thì mặt tôi hứng trọn cái vỏ chai nước suối được vứt ra từ một chiếc ô tô hạng sang. Chưa kể hàng loạt vỏ bánh, kẹo kèm theo bay vương vãi xuống đường. Tâm trạng hào hứng đi làm trong buổi sớm mùa thu của tôi bị phá vỡ ngay tắp lự. Nhìn thoáng qua, người vừa thực hiện hành động ấy là một cô gái khá trẻ, ăn mặc cũng rất sang trọng. Đáng nói, người này còn ngồi cùng với 1 đứa trẻ độ chừng 3-4 tuổi. Tôi tự hỏi, liệu rằng cô gái có kịp suy nghĩ việc làm của mình sẽ vô tình tạo cho con trẻ một hành vi không tốt, khi mà người lớn vốn là tấm gương để chúng soi rọi mỗi ngày?

Tại nhiều trường học, không ít bàn ghế bị học sinh vẽ bẩn. Ảnh: Mộc Trà

Tại nhiều trường học, không ít bàn ghế bị học sinh vẽ bẩn. Ảnh: Mộc Trà

Cũng trên cung đường ấy, tôi lại tiếp tục chứng kiến hình ảnh 2 thanh niên đi xe máy “tiếp sức” cho nhau. Theo đó, 1 người vừa điều khiển xe vừa dùng chân đẩy cho chiếc xe còn lại di chuyển trên đường. Nếu xét về văn hóa ứng xử, việc làm của chàng trai được xem là 1 hành động đẹp vì biết giúp đỡ người khác lúc khó khăn. Thế nhưng, nó lại không đẹp ở chỗ hành vi này khá nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đặc biệt, Luật Giao thông đường bộ nước ta còn nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện kéo, đẩy xe khác, vật khác hay mang, vác và chở vật cồng kềnh... Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ cũng quy định mức xử phạt hành chính 400-600 ngàn đồng đối với hành vi này). Vậy nên hành động trên của nam thanh niên rõ ràng còn vi phạm pháp luật.

Ở một góc nhìn khác, tôi có cô bạn thân đang sống tại một con hẻm nhỏ ở nội thành Pleiku. Mỗi lần sang chơi, tôi đều thấy khu vực trước cổng nhà bạn nhơm nhớp nước bẩn; có cả cơm thừa, canh cặn chảy tràn lan và bốc mùi hôi thối. Hỏi ra thì bạn thở dài ngán ngẩm: “Từ nhà hàng xóm đó. Không riêng mình mà nhiều người cũng góp ý rồi, được 1-2 hôm lại vẫn đâu vào đấy. Họ chỉ biết sạch nhà họ, còn xung quanh thì mặc kệ. Từ rác đến thức ăn thừa, họ đều vứt hết ra đường. Nói riết, họ quay sang phẫn nộ với mình, cứ như là lỗi do mình”. Nghe bạn than vãn, tôi cũng chỉ biết bày tỏ sự đồng cảm. Quả thật, hành động tích cực chỉ xuất hiện khi nhận thức của họ có sự thay đổi, nếu không, “con sâu” ấy vẫn sẽ tiếp tục “làm rầu nồi canh”, gây bức xúc cho nhiều người.

Rõ ràng, 1 tác phẩm nghệ thuật hay mở rộng ra là 1 hành động có đẹp đến đâu nhưng nếu đặt không đúng chỗ và đúng lúc thì sẽ trở nên không đẹp, thiếu văn minh, thậm chí còn vi phạm pháp luật. Vì thế, trước khi quyết định làm một việc gì đó, mỗi chúng ta cần đặt việc mình sẽ làm vào nhiều ngữ cảnh khác nhau để kỹ lưỡng suy xét, tránh tạo nên hình ảnh “đẹp mà không đẹp” trong mắt cộng đồng.

MỘC TRÀ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1625/202111/dep-ma-khong-dep-5755815/