Dẹp nạn dán tờ rơi, tiểu bậy: Cách nào?

Có đủ biện pháp và chế tài xử lý hành vi dán tờ rơi cũng như xả rác, phóng uế bừa bãi nơi công cộng. Điều quan trọng là cần thực hiện đồng bộ với quyết tâm đủ lớn.

Ngày 23-3, đại diện Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) phối hợp cùng Công an phường Bình Trưng Tây phát hiện hai thanh niên dán tờ rơi cho vay tín dụng đen trên cột điện, tường nhà người dân... và đã đưa hai thanh niên này đi khắc phục hậu quả là... gỡ các tờ rơi đã dán.

“Hình phạt” này gợi nhớ vào năm 2003, khi UBND TP.HCM triển khai việc xử phạt về vệ sinh môi trường, trong đó có chuyện tiểu bậy.

Lúc đó, tôi có dịp “tháp tùng” một đoàn công tác, bắt quả tang một người đàn ông tiểu bậy ở nơi công cộng. Đoàn đã linh hoạt yêu cầu người này vào nhà người dân mượn thau, xin nước giội rửa nơi mình vừa phóng uế kèm những lời nhắc nhở.

Cách xử lý này vào thời điểm đó được xem là sáng tạo và được biểu dương, đề nghị nhân rộng tại hội nghị tổng kết việc triển khai quyết định trên. Thực tế chứng minh phường nào quyết liệt yêu cầu người vi phạm khắc phục hậu quả, phường đó tạo chuyển biến rõ rệt.

Nhiều năm qua, những câu chuyện như trên vẫn nóng hổi tính thời sự vì tình trạng dán tờ rơi, xả rác, phóng uế ở nơi công cộng vẫn là bài toán nan giải, nỗi nhức nhối của dư luận. Nghịch lý ở chỗ chế tài, xử phạt những hành vi này được quy định rất rõ trong Nghị định 144/2021 (mức phạt 1-2 triệu đồng cho các hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh... sai quy định). Trường hợp tổ chức vi phạm sẽ chịu phạt gấp đôi, tức bị phạt tiền 2-4 triệu đồng. Đồng thời có biện pháp chế tài bổ sung là khắc phục hậu quả.

Một số quốc gia phát triển đã đẩy mạnh áp dụng hình thức này trong công tác bảo vệ môi trường, mỹ quan nơi công cộng và đạt được những kết quả rõ rệt.

Vấn đề còn lại là con người, phương tiện và sự quyết tâm đủ lớn để từng bước đẩy lùi, hướng tới xóa bỏ vấn nạn dán tờ rơi ở nơi công cộng và những hành vi tương tự như xả rác, phóng uế bừa bãi.

Cách đây 20 năm, việc xử lý vi phạm hành chính chủ yếu dựa vào con người thì ngày nay hệ thống camera an ninh hoàn toàn có thể hỗ trợ. Một số địa phương tại TP.HCM đã mạnh dạn thí điểm sử dụng camera để phạt nguội vi phạm hành chính, huy động quần chúng tham gia bắt quả tang, chụp ảnh, quay clip người vi phạm. Đây là những mô hình hiệu quả cần được nhân rộng với sự đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân.

Mặt khác, trong vấn đề này, việc cấm và xử lý sai phạm cần gắn với giải pháp đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đẩy mạnh xây dựng những điểm dán quảng cáo tập trung và miễn phí tại các địa phương có thể xem như một giải pháp dựa trên nguyên tắc này.

PHẠM CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dep-nan-dan-to-roi-tieu-bay-cach-nao-post725382.html