Đẹp nao lòng những cây hoa gạo cổ thụ bung nở giữa núi rừng xứ Nghệ
Trong thời khắc giao mùa của xuân và hạ, những cây hoa gạo dọc các tuyến đường làng quê ở Nghệ An lại bung nở khoe sắc, tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp đến nao lòng.
Đẹp nao lòng những bông hoa gạo ở miền núi xứ Nghệ.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4, những cây hoa gạo (còn gọi là hoa mộc miên) trên những cánh đồng, ven sông hay sườn núi của làng quê xứ Nghệ lại khoe sắc. Những chùm hoa đỏ rực điểm trên nền xanh của cánh đồng, rừng núi tạo nên một khung cảnh đẹp lãng mạn.

Xã Tam Đỉnh (huyện Anh Sơn, Nghệ An) được xem là nơi có nhiều cây hoa gạo nhất với hàng trăm cây đang kỳ trổ bông.

Nằm bên tả ngạn sông Lam, xã Tam Đỉnh bốn bề sông núi và đồng ruộng. Những cây hoa gạo cổ thụ bung nở đỏ rực như mời gọi du khách về với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ của vùng bán sơn địa này.

Toàn xã có trên 300 cây hoa gạo. Trong đó hàng chục cây cổ thụ có tuổi đời từ 50-100 năm tuổi mọc tự nhiên trên con đường làng dẫn vào trung tâm xã.

Nhìn từ xa, hoa gạo bung nở tạo nên những vệt đỏ rực, nổi bật trước dãy núi đá vôi.

Cây gạo là họ thân gỗ, tán tròn. Vào mùa hoa, cây trút lá rồi bung nở rực rỡ khiến những con đường làng trở nên thơ mộng hơn trong nắng xuân. Khi hoa gạo nở cũng là thời điểm báo hiệu mùa xuân đã qua đi, mùa hạ đang đến gần.

Hoa gạo có 5 cánh với màu sắc đỏ thắm. Hoa bắt đầu nở từ tháng 3 và kéo dài đến tháng 4.

Khi hoa kết hạt, hạt và bụi bông trắng theo gió bay lãng đãng trắng trời để lại ươm mầm thành cây con mọc lên. Dưới nền đất, hoa gạo rụng đỏ cả một vùng rộng lớn.


Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND xã Tam Đỉnh cho biết, xã này hiện có hơn 300 cây hoa gạo, phần lớn là cây mọc tự nhiên. Trong đó có 50 cây tuổi đời từ 50 đến hơn 100 năm tuổi. Nhiều cây có thân lớn, 5-6 người ôm mới xuể.

Năm 2024, xã Tam Đỉnh tổ chức lễ hội hoa gạo lần đầu tiên nhằm giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp đất, người và loài hoa độc đáo này của địa phương. Lễ hội được tổ chức vào từ ngày 12-15/3 hàng năm, thu hút hàng ngàn du khách.

“Hiếm có nơi nào lại sở hữu cây gạo nhiều như ở xã Tam Đỉnh. Hiện chính quyền địa phương và người dân đang tiếp tục trồng thêm hàng chục cây gạo để có thể “phủ đỏ” các ngả đường, tạo thêm sức hút cho lễ hội hàng năm”, ông Quế nói.