'Sáp nhập tỉnh thành'...là từ khóa 'hot' nhất trong Quý 1/2025
Báo cáo xu hướng tìm kiếm Quý I/202 của Cốc Cốc vừa phát hành, hé lộ bức tranh đa sắc về mối quan tâm của người dùng Việt Nam trong ba tháng đầu năm. Lượng tìm kiếm kỷ lục đổ dồn vào các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, trong khi văn hóa truyền thống vẫn giữ vững vị thế….. Cụ thể, các chính sách cải cách hành chính, nhất là việc sáp nhập tỉnh thành và tinh gọn bộ máy nhà nước được công chúng đặc biệt chú ý. Trong đó, từ khóa 'sáp nhập tỉnh thành' tăng tới 439%.

Theo đại diện Cốc Cốc, trong Quý I/2025, công chúng đặc biệt chú ý đến các chính sách cải cách hành chính, nhất là việc sáp nhập tỉnh thành và tinh gọn bộ máy nhà nước. Dữ liệu tìm kiếm ghi nhận mức tăng 162% đối với các từ khóa liên quan đến “sát nhập bộ”, “giảm bộ”, “tinh gọn bộ máy”, trong khi “sáp nhập tỉnh thành” tăng vọt 439%. Điều này phản ánh sự quan tâm sâu sắc của người dân đối với các quyết sách lớn của nhà nước.

"Sáp nhập tỉnh thành" là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong Quý 1/2025.
Bên cạnh đó, giao thông cũng là chủ đề nóng với lượng tìm kiếm “phạt nguội” tăng 170,3% sau khi ứng dụng VNeTraffic của Bộ Công an chính thức đi vào hoạt động. Đồng thời, mức độ quan tâm về các quy định mới trong Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 cũng gia tăng mạnh mẽ, thể hiện sự chủ động của người dân trong việc cập nhật thông tin pháp lý. Cùng với đó, mối lo ngại về tình trạng lừa đảo xuyên biên giới tiếp tục gia tăng trong quý đầu năm.
Lượng tìm kiếm từ khóa “lừa đảo Campuchia” tăng tới 378%, xuất phát từ hàng loạt vụ việc liên quan đến dụ dỗ lao động bất hợp pháp. Nhiều nạn nhân bị lừa sang Campuchia với hứa hẹn việc nhẹ, lương cao nhưng thực chất lại bị ép tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao nhận thức cộng đồng và siết chặt quản lý lao động xuất cảnh. Người dân cần đặc biệt cảnh giác trước những lời mời gọi hấp dẫn từ nước ngoài để tránh trở thành nạn nhân của các đường dây lừa đảo.

Lượng tìm kiếm từ khóa “lừa đảo Campuchia” tăng tới 378%.
Theo Cốc Cốc, Quý I/2025 chứng kiến sự lan tỏa mạnh mẽ của làn sóng tôn vinh cổ phục Việt. Sự kiện “Tết Việt - Tết phố 2025” tại Hà Nội thu hút hơn 400 bạn trẻ diễu hành trong trang phục truyền thống, trong khi TP Hồ Chí Minh ghi dấu ấn với “Bách hoa bộ hành” lần thứ V vào ngày 8/3. Đặc biệt, concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” ngày 22/3/2025 tại TP Thủ Đức xác lập kỷ lục Guinness thế giới với hơn 5.000 khán giả diện áo dài, áo ngũ thân, áo tứ thân và trang phục dân tộc. Xu hướng này cũng phản ánh rõ nét qua lượng tìm kiếm tăng mạnh của các từ khóa “cổ phục” (7%), “bách hoa bộ hành” (106%) và “áo tấc” (37%), khẳng định niềm tự hào của giới trẻ trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Ca khúc “Bắc Bling” ghi dấu ấn mạnh mẽ khi kết hợp các nghệ sĩ trẻ với những tên tuổi gạo cội, tạo nên sức hút đặc biệt. Lượng tìm kiếm liên quan đến “Hòa Minzy”, “Bắc Bling”, “Xuân Hinh” và “Tuấn Cry” tăng đến 600%. Bên cạnh đó, nghệ sĩ Ca nương Kiều Anh cũng thu hút sự chú ý sau màn trình diễn “Cô Đôi Thượng Ngàn” tại chương trình “Chị Đẹp Đạp Gió 2024”. Màn trình diễn này không chỉ khiến lượng tìm kiếm “ca nương Kiều Anh” tăng 49,4% mà còn khởi động trào lưu tái hiện hình tượng Cô Đôi Thượng Ngàn trên TikTok.
Quý I/2025 chứng kiến nhiều bê bối liên quan đến quảng cáo sai sự thật và thiếu minh bạch trong hoạt động từ thiện. Ngày 20/3/2025, cơ quan chức năng xử phạt hành vi quảng cáo sai sự thật đối với sản phẩm “kẹo rau củ Kera”, kéo theo lượng tìm kiếm về “Hằng Du Mục” tăng 270% và “Nguyễn Thúc Thùy Tiên” tăng 27%.
Trong khi đó, TikToker Phạm Thoại đối mặt với nghi vấn thiếu minh bạch trong việc quản lý quỹ quyên góp cho bệnh nhi bé Bắp, khiến lượng tìm kiếm “Phạm Thoại” tăng 153% và “mẹ bé Bắp” tăng đến 13.100%.

Giao thông cũng là chủ đề nóng với lượng tìm kiếm “phạt nguội” tăng 170,3%.
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tiếp tục thu hút sự chú ý, đặc biệt là các công cụ AI chat. Bên cạnh ChatGPT, “DeepSeek” và “Grok” vươn lên như hai đối thủ đáng gờm với mức tăng trưởng tìm kiếm lần lượt đạt 274.686% và 9.080%.
Một số chủ đề còn lại được đề cập trong báo cáo gồm thể thao, xe cộ, tài chính, bất động sản, du lịch, thương mại điện tử cũng có những mức tăng về lượt tìm kiếm.