Dệt lại ước mơ từ xưởng may không tiếng người

Ở Hà Nội, có một xưởng may đặc biệt không hề có một tiếng người khi nhân lực chính đều là người điếc bẩm sinh. Nhưng từ đây, nhiều giấc mơ đã được 'vá lại', nâng đỡ đến bến bờ hạnh phúc…

XƯỞNG MAY KHÔNG BÁN... LÒNG THƯƠNG

Phạm Việt Hoài là CEO của xưởng may có tên KymViet. Một ngày cuối năm, anh ngồi xe lăn, châm xì gà, bập một hơi sâu, nhả khói rồi thủng thẳng kể về “cơ ngơi” của mình.

Hoài bảo, do một tai nạn khi mới lên 7 tuổi, anh mất đi khả năng đi lại. 11 năm sau, khi vừa thành niên, anh đã bắt đầu cùng bạn bè đầu tư, kinh doanh. Công việc thuận lợi, có tiền tỷ trong tay, Hoài chợt nghĩ: Những người khuyết tật khác thì sao? Họ có cơ hội như mình không? Trăn trở mãi, tháng 12/2013, KymViet ra đời với mục tiêu “kiếm tiền, làm giàu là phụ, quan trọng là làm được điều gì đó ý nghĩa cho cộng đồng người khuyết tật”.

KymViet bán sản phẩm tốt, chứ không bán lòng thương. CEO Phạm Việt Hoài cười ha hả khẳng định suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi.

KymViet bán sản phẩm tốt, chứ không bán lòng thương. CEO Phạm Việt Hoài cười ha hả khẳng định suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi.

“Đơn giản là thế. Nhưng chúng tôi phải đi lên bằng nội lực chứ không ‘bán’ lòng thương. Vì vậy, KymViet ngay từ đầu là Công ty cổ phần chứ không phải doanh nghiệp xã hội để kêu gọi từ thiện. Chúng tôi làm ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn về mẫu mã, màu sắc và chất lượng để thị trường chấp nhận chứ không dựa vào sự thương cảm”, CEO bập bập điếu xì gà, thẳng thắn nói.

Hoài “chiết tự”, "Kym" trong từ "kim khâu" được viết cách điệu để tạo điểm nhấn, còn "Việt" trong tên đất Việt. Hoặc cũng có thể hiểu, ở đây, những người khuyết tật sẽ dùng kim may để vá lại đời mình.

KymViet hướng tới sản xuất các con thú nhồi bông chất lượng cao. Toàn bộ nguyên liệu sản xuất đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chú trọng với tiêu chí bảo đảm an toàn sức khỏe, ưu tiên sử dụng các nguyên liệu tự nhiên thuần Việt như: Cát biển Nhật Lệ (Quảng Bình), quế (Quảng Nam, Yên Bái), hồi (Lạng Sơn), để sản phẩm có mùi thơm dễ chịu.

Xưởng may của KymViet đặc biệt khi không có một tiếng người.

Xưởng may của KymViet đặc biệt khi không có một tiếng người.

Giai đoạn hai năm đầu khởi nghiệp đầy khó khăn. Sản phẩm làm ra nhiều khi không bán được, doanh số cả năm 2015 chỉ hơn 200 triệu đồng. Các nhà sáng lập đã phải thay phiên nhau mang hàng đi... hội chợ.

“Chúng tôi đi chào hàng, nhiều nơi tưởng bọn tôi đến tiếp thị, xin tiền. Tôi nói thẳng, chúng tôi không bán nước mắt mà bán chất lượng. Nếu anh thấy sản phẩm tốt thì cùng hợp tác”, Hoài ha hả cười nhớ lại.

Bước ngoặt đến vào giữa năm 2015. KymViet được một tập đoàn lớn về may mặc của Nhật Bản đầu tư về cả vốn và nhân sự. Chỉ một năm sau, doanh thu của công ty tăng gấp 8 lần. Và, xưởng được chuyển về khoảng đất rộng chừng 400m2 chúng tôi đang đứng hiện tại.

KymViet có một xưởng may không một tiếng người. Bởi tất cả công nhân đều là người điếc. Nhưng tại đây, mọi người luôn muốn bình đẳng và được đối xử như những người bình thường khác. Họ thoăn thoắt cắt, may từng chi tiết. Khi cần, họ sẽ giao tiếp bằng kí hiệu riêng của cộng đồng mình.

HẠNH PHÚC CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐIẾC TỰ TIN

Nguyễn Phúc Tuấn (22 tuổi) và Đậu Thùy Dung (21 tuổi) là hai người điếc. Trước khi biết nhau, Dung đã làm việc tại KymViet.

“Tôi biết Tuấn qua Facebook. Cả hai kết nối, nói chuyện và cảm mến nhau. Lúc này, Tuấn ngỏ ý muốn ra Hà Nội cho gần gũi. Sau khi hỏi ý kiến anh Hoài, Tôi liền rủ Tuấn về đây cùng làm”, Dung ra hiệu bằng tay cho chúng tôi biết.

Ngày đầu, Dung đã bắt xe buýt ra tận Mỹ Đình đón bạn. Rồi cô dẫn anh về xưởng may, xin cho Tuấn vào làm. Mất 3 tháng làm quen, sau cùng, chàng trai điếc người Hà Tĩnh cũng có thể ngồi máy may thành thạo.

Vốn có tình cảm từ trước, nay làm chung xưởng, chung đường về, hai số phận nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Họ yêu nhau theo cách bình thường nhất, cũng đi cafe sau giờ làm, hoặc lượn vòng quanh các siêu thị để mua sắm.

Dung và Tuấn mặc đồ đôi, nói chuyện với chúng tôi về tình yêu của mình ở xưởng may KymViet.

Dung và Tuấn mặc đồ đôi, nói chuyện với chúng tôi về tình yêu của mình ở xưởng may KymViet.

Ngồi trước mặt chúng tôi, cả Dung và Tuấn đều rạng ngời. Họ liên tục… nói chuyện với nhau bằng… ký hiệu.

- Dung. Anh vừa làm xong con ngựa bông. Đây là con đầu tiên anh làm được. Anh sẽ mang về quê tặng mọi người.

- Còn em, sẽ mang con dê, cũng là tuổi em về làm kỷ niệm. Mỗi năm mang về một con, chả mấy mà đủ hết linh vật nhỉ.

Người phiên dịch liên tục truyền đạt lại cuộc hội thoại ấy khiến chúng tôi thấy ấm lòng. Càng vui hơn khi biết, Tết này, Tuấn sẽ sang thưa chuyện và hỏi cưới Dung, như một cái kết viên mãn cho mối tình của 2 người điếc trong xưởng may hạnh phúc.

Tết này, họ sẽ cưới nhau...

Tết này, họ sẽ cưới nhau...

Nguyễn Thị Thùy Trang, 49 tuổi, đã có 8 năm thâm niên làm cho KymViet. Cô kể, ngày còn trẻ, do bị điếc bẩm sinh, cô gặp rất nhiều khó khăn khi đi xin việc. Sau đó, Trang lấy chồng-một người cùng cảnh ngộ khác. Họ sinh con, ở nhà, làm vài việc có tính thời vụ, không cố định.

Khi con lớn, Trang rất muốn đi làm để tự nuôi gia đình. “Tôi được một người bạn cũng là người điếc giới thiệu về đây. Vậy là cả hai vợ chồng cùng về, học nghề, rồi cắt, rồi nhồi bông, rồi khâu. Lúc đầu vụng về lắm. Nhưng sản phẩm đầu tiên cũng được hoàn thành. Lúc đó tôi nhận ra, Kymviet là nơi cho tôi làm việc, gắn bó và có cuộc sống tốt hơn”, Trang ra hiệu để người phiên dịch truyền đạt.

Sau 8 năm, hai vợ chồng cô đã… thành công nuôi 2 con ăn học nên người. “Cháu lớn đã tốt nghiệp đại học và theo nghề kiến trúc. Cháu nhỏ đang chuẩn bị thi”. Gia đình Trang cũng tiết kiệm được gần 100 triệu đồng.

"8 năm, nhà tôi đã tiết kiệm được 100 triệu đồng rồi đấy", Thùy Trang khoe.

"8 năm, nhà tôi đã tiết kiệm được 100 triệu đồng rồi đấy", Thùy Trang khoe.

Quan trọng hơn, Trang bảo: Cô cảm thấy tự tin vì có thể sống tốt bằng bàn tay, sự cần cù của mình, bằng các sản phẩm đẹp, chất lượng chứ không phải nhờ lòng thương hại của bất kỳ ai.

“Nhìn xem, chúng tôi đã từng mẫu Sao la để đồng hành cùng SEA Games 31 ở Việt Nam; chúng tôi cũng làm một chú rồng nhồi bông để tặng cho Công nương Nhật Bản Kiko trong chuyến thăm tại Việt Nam. Còn rất nhiều sản phẩm khác nữa”, Trang cười ra hiệu.

Đến nay, nhờ chất lượng và “hàm lượng nhân văn”, các sản phẩm của KymViet được rất nhiều giải thưởng, bằng khen và đó chính là sự ghi nhận từ các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội. CEO Phạm Việt Hoài chia sẻ, sự nhìn nhận của cộng đồng và các cơ quan ban ngành chính là thành công nhất của KymViet.

Sản phẩm thay lời nói. Xưởng may hạnh phúc của KymViet đã trở thành điểm tựa cho những người khuyết tật.

Sản phẩm thay lời nói. Xưởng may hạnh phúc của KymViet đã trở thành điểm tựa cho những người khuyết tật.

Tết này, Tuấn và Dung sẽ làm lễ ăn hỏi ở Tương Dương, Nghệ An, quê cô dâu tương lai. Tại Hà Đông, Hà Nội, Thủy Trang cũng đã gói bánh chưng, đồng thời chuẩn bị hơn chục chú rồng nhồi bông do chính tay hai vợ chồng cô làm để mừng năm mới họ hàng.

Những cuộc đời đang được “may lại” lành lặn theo cách thức giản đơn như thế đấy.

Hãy gọi chúng tôi là người điếc

Những "công nhân" tại xưởng may KymViet bảo: "Các anh hãy gọi chúng tôi là người ĐIẾC. Chúng tôi không phải khiếm thính."

Giải thích rõ hơn, Thùy Trang cho biết: Điếc dùng để chỉ những trường hợp bị mất thính lực hoàn toàn ở 1 hoặc cả 2 tai. Cộng đồng Người Điếc có nền văn hóa riêng và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau.

Trong khi đó, Khiếm thính dùng để chỉ người nghe kém, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và cả ngôn ngữ nói (có thể có sự hỗ trợ của máy trợ thính). Đối với họ, được gọi là “Người Điếc”, không hề mang ý xúc phạm hay tổn thương. Trái lại, đó là một sự tôn trọng dành cho cộng đồng Người Điếc nói chung.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/det-lai-uoc-mo-tu-xuong-may-khong-tieng-nguoi-post795785.html