Dệt may ảnh hưởng nặng vì Covid-19, lợi nhuận TNG giảm 34% năm 2020

Năm 2020, TNG ghi nhận 4.484 tỷ đồng doanh thu và 152 tỷ đồng lãi ròng, tương ứng giảm 3% và 34% so với cùng kỳ.

Dự phóng doanh thu, lợi nhuận gộp, lợi nhuận trước và sau thuế của TNG giai đoạn 2020-2025

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 với doanh thu giảm gần 9% xuống 955 tỷ đồng chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại Châu Âu làm cho một số đơn hàng khách đã yêu cầu giảm giá bán từ 1-2% so với giá ký ban đầu.

Ngược lại, các khoản chi phí phát sinh trong kỳ, các khoản dự phòng đều tăng trong khi các khoản chi phí đầu vào công ty vẫn phải duy trì thanh toán đúng theo quy định. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của TNG giảm tới 60% so với cùng kỳ, xuống còn 23 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2020, TNG ghi nhận 4.484 tỷ đồng doanh thu và 152 tỷ đồng lãi ròng, tương ứng giảm 3% và 34% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện 97% kế hoạch doanh thu và 66% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Không chỉ với riêng TNG, năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với toàn ngành dệt may. Báo cáo tổng kết năm 2020 của Bộ Công Thương cho biết, dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ cả phía cung và phía cầu, dệt may là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất.

Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may năm 2020 ước đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tích cực trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.

Thời điểm tháng 3/2020, do ảnh hưởng của Covid-19, loạt hệ thống bán lẻ tại châu Âu, Mỹ đóng cửa khiến những mặt hàng không thiết yếu như da giày, dệt may đều bị ảnh hưởng khiến các đối tác giãn thời gian giao hàng khiến dệt may chịu tác động kép từ dịch Covid-19.

Bộ Công Thương sau đó đã tổ chức một cuộc họp báo liên quan đến tình hình xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ và châu Âu, đại diện doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã gọi việc các đối tác dừng đơn hàng là "khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong hơn 20 năm hoạt động" của doanh nghiệp.

2021 lợi nhuận cải thiện nhưng vẫn thua xa 2019

Bước sang năm 2021, Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo giá trị xuất khẩu có thể phục hồi về mức năm 2019, đạt 39 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) giai đoạn 2015 - 2019 là 9,9%.

Theo dự báo của Euromonitor, thị trường bán lẻ hàng may mặc ở nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CARG) trong giai đoạn 2020 - 2024F ước đạt 12%/năm. Tuy nhiên, do mức độ cạnh tranh cao nên thị trường rất phân mảnh, không có thương hiệu nào vượt quá 2% thị phần trong năm 2019.

Về xuất khẩu, với EU là thị trường tiêu thụ lớn nhất, TNG được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ EVFTA. Quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của EVFTA quy định để được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu vào thị trường EU, doanh nghiệp phải sử dụng vải được sản xuất tại Việt Nam hoặc Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay TNG đang nhập khẩu 60% nguyên liệu từ các nước: Trung Quốc (50%), Đài Loan và Hồng Kông (10%).

Chứng khoán FPTS cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tiếp tục duy trì ở mức trung bình 5 năm quá khứ. Riêng năm 2020, do tác động của dịch COVID-19 gây khó khăn trong việc tiêu thụ nên TNG phải chiết khấu hàng bán cho khách hàng, giả định, tỷ suất lợi nhuận gộp trong năm 2020 sẽ giảm còn 15%.

Năm 2021, FPTS dự phóng doanh thu và lợi nhuận của TNG lần lượt đạt 4.601 tỷ đồng và 170 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng 12% so với kết quả năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn 26% so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Mặt khác, ngành dệt may nói chung và TNG nói riêng vẫn phải đối mặt với những thách thức trong năm 2021. Theo SSI Research, năm 2021 cạnh tranh từ Trung Quốc sẽ gay gắt hơn và nguồn cung vải trong nước khó có thể tăng lên đáng kể trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, một số vấn đề cần có thể là rủi ro trong năm nay là nhu cầu trên thế giới phục hồi chậm, trong khi nguồn cung Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh phục hồi nhanh hơn, làm tăng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Hà Oanh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/det-may-anh-huong-nang-vi-covid-19-loi-nhuan-tng-giam-34-nam-2020-post115301.html