Dệt may chịu áp lực lớn từ khối FDI
Ngành dệt may Việt Nam đang ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn. Năm 2019, mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD khó đạt được khi dự ước cả năm chỉ khoảng 39 tỷ USD, thêm vào đó là những khó khăn về lao động, nguyên liệu nguồn gốc, xuất xứ...
Ngay cả nếu đạt con số lớn về xuất khẩu thì dệt may Việt Nam cũng đang phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện tại, khối FDI chiếm từ 60-70% tỉ trọng xuất khẩu ngành dệt may, do đó đòi hỏi phải có chiến lược căn cơ, bền vững hơn cho ngành và đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại ngay từ các doanh nghiệp trong nước.
* Quá phụ thuộc FDI
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa công bố, trong vòng 30 năm, kể từ năm 1989 đến nay, số vốn đầu tư FDI được thu hút vào ngành dệt may đạt 19,285 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc có lượng vốn đăng ký lên tới 4,798 tỷ USD cùng 464 dự án; Đài Loan (Trung Quốc) gần 3 tỷ USD, 132 dự án; Hong Kong 2,395 tỷ USD và 147 dự án; Trung Quốc 2,116 tỷ USD với 197 dự án và Bristish Virgin Islands 70 dự án, vốn đầu tư đạt 1,607 tỷ USD. Đó là những quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào dệt may Việt Nam.
Báo cáo của Vitas cũng cho thấy, tính đến tháng 10-2029, các địa phương thu hút được nhiều vốn FDI vào dệt may nhất gồm: Đồng Nai 149 dự án với tổng số vốn 4,84 tỷ USD; Bình Dương 202 dự án, tổng vốn 2,39 tỷ USD; Tây Ninh 56 dự án, tổng vốn 1,9 tỷ USD; Long An 212 dự án tổng số vốn 1,01 tỷ USD...
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, ngành dệt may có được năng lực sản xuất như hiện nay là nhờ vào nguồn vốn FDI. Các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... đã giúp ngành dệt may hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù việc thu hút đầu tư từ khối FDI đã góp phần phát triển ngành dệt may của Việt Nam nhưng vô hình trung lại khiến DN trong nước ngày càng lệ thuộc.
Nguyên nhân là với nguồn vốn mạnh, dự án đầu tư lớn, lại có quan hệ bạn hàng rộng lớn trên quốc tế nên DN FDI có nhiều lợi thế hơn DN nội.
Bên cạnh đó, đa phần dự án FDI đầu tư vào dệt may thời gian qua đều nhắm tới phân khúc may, cạnh tranh trực tiếp với các DN trong nước. Điều này làm cho các DN Việt Nam rất ít có cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị, tạo ra sự liên kết bền vững.
Đó là chưa kể, trước đây các nhà đầu tư ngoại tìm đến Việt Nam ở lĩnh vực dệt may chỉ thuần túy gia công, nhưng nay họ đã đa dạng hóa nguồn vốn, từ đầu tư trực tiếp đến gián tiếp thông qua việc thâu tóm, mua lại cổ phần của DN trong nước làm cho thị phần vốn DN nội ngày càng thu hẹp lại. Ngoài cạnh tranh trực tiếp về đơn hàng, các DN FDI còn cạnh tranh lao động với các DN trong nước. Họ có tiềm lực lớn, sẵn sàng bỏ ra một mức chi phí cao hơn để chi trả và tạo ra thách thức cho DN Việt Nam.
Những vấn đề nêu trên dẫn tới một thực tế là, ngành dệt may hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào khối DN FDI. Năm 2018, khối này chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu của ngành dệt may của cả nước. Chính vì vậy bên cạnh sự nỗ lực của nhà đầu tư trong nước, cũng cần có sự định hình lại cơ cấu ngành từ Nhà nước và chính quyền các địa phương.
* “Cơ cấu” lại chuỗi giá trị sản xuất
Với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, các chuyên gia cho rằng đây là một trong những thời cơ để ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững, tuy nhiên phải gắn liền với việc cơ cấu lại ngành sản xuất.
Theo ông Vũ Đức Giang, hiện nay dệt may Việt Nam đang yếu ở khâu dệt nhuộm, hầu hết các DN đều quan tâm vào lĩnh vực đo và may, do đó trong thu hút đầu tư cần phải tính toán vấn đề này. Quan trọng nhất trong việc thu hút đầu tư ngành dệt nhuộm là việc xử lý vấn đề môi trường, có thể xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt về dệt nhuộm để hút vốn FDI, tránh tình trạng nhà đầu tư nản lòng vì đi đâu cũng bị từ chối do lo sợ ô nhiễm môi trường.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký kiêm đại diện Vitas tại TP.Hồ Chí Minh nhận định ở khu vực miền Nam, từ lâu, các địa phương ở Đông Nam bộ, trong đó đi đầu là TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai rồi đến các địa phương khác đã e dè hơn với lĩnh vực dệt nhuộm và không khuyến khích thu hút đầu tư. Điều này cũng gây khó khăn cho nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) cho rằng hiện nay, công nghệ của ngành dệt nhuộm đã tiên tiến hơn rất nhiều so với trước đây. “Tôi có trao đổi với nhiều DN trong ngành dệt may và thấy rằng công nghệ đã thay đổi rất nhiều, chúng ta phải phá bỏ định kiến khi cho rằng cứ dệt nhuộm là ô nhiễm môi trường. Điều quan trọng là gạn lọc DN có đủ uy tín và cơ chế kiểm soát nó” - bà Trang nhận định.
Tại Đồng Nai, là địa phương thu hút lớn nhất dự án FDI với 4,84 tỷ USD vào dệt may, tỉnh cũng rất thận trọng. Từ năm 2016 đến nay, Đồng Nai đã và đang quy hoạch lại ngành dệt may theo hướng nâng chất thu hút đầu tư, hạn chế lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường, đồng thời chuyển hướng thu hút về các vùng xa trung tâm để tận dụng lợi thế nhân công cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương.
Đối với DN, các đơn vị lớn trong ngành may mặc nội địa Đồng Nai cũng đang nỗ lực nâng cao năng lực từng ngày. Đơn cử tại Tổng công ty may Đồng Nai, ngoài việc đầu tư trang bị máy móc nhằm đối phó với thực trạng thiếu lao động thì DN này đang xây dựng một cụm công nghiệp chuyên ngành dệt may tại huyện Thống Nhất. Nơi đây dự kiến sẽ là “thủ phủ” sản xuất của DN này trong tương lai với các công đoạn hoàn chỉnh trong ngành may mặc.
Tương tự, Công ty cổ phần may Đồng Tiến đã hoàn thành việc di dời nhà máy ra Khu công nghiệp Amata và đầu tư lại dây chuyền, máy móc sản xuất theo công nghệ 4.0, áp dụng phần mềm trong quản lý sản xuất... Việc nâng cao năng lực quản trị sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí, từ đó lớn lên, đủ sức cạnh tranh để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.