Dệt may có thể sử dụng vải từ Hàn Quốc để hưởng ưu đãi trong EVFTA
Với quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể tăng cường việc sử dụng vải có xuất xứ từ Hàn Quốc để có thể tận dụng được cơ hội ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang thị trường EU.
Dệt may là ngành xuất khẩu được đánh giá có nhiều lợi thế khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi. Mặc dù vậy, ưu đãi chỉ đến khi các nhà xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng được các quy định trong EVFTA.
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, những quy định về quy tắc xuất xứ để dệt may được hưởng ưu đãi thuế trong Hiệp định EVFTA dễ thở hơn nhiều so với quy định trong CPTPP.
“Nếu CPTPP quy định quy tắc xuất xứ phải từ công đoạn “từ sợi trở đi” mới được ưu đãi, thì EVFTA bắt đầu từ công đoạn vải trở đi, đồng thời lại cho phép được cộng gộp nhập vải từ Hàn Quốc nên doanh nghiệp dễ xoay xở hơn”, ông Hiếu nói.
Lợi ích lớn nhất từ bất cứ FTA nào được các doanh nghiệp xuất khẩu chờ đợi đó là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thông qua việc cắt giảm thuế quan.
Với Hiệp định CPTPP, dệt may phải chịu quy tắc xuất xứ khá chặt, “từ sợi trở đi”, nghĩa là kể từ công đoạn sản xuất sợi phải được sản xuất tại Việt Nam hoặc các thị trường trong CPTPP.
Hiện nay, EU là thị trường tiềm năng đối với dệt may Việt Nam do kim ngạch nhập khẩu dệt may hàng năm toàn khối đạt 280 tỷ USD vào năm 2018, đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất và chiếm hơn 35% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn thế giới.
Tính theo các nhà cung cấp ngoại khối, Trung Quốc và Bangladesh hiện là hai nhà cung cấp lớn nhất đối với thị trường EU. Thị phần của Việt Nam rất nhỏ chỉ chiếm trên 2%, do đó thị trường EU còn nhiều dư địa để đẩy mạnh giá trị xuất khẩu.
Năm 2018, ngành dệt may xuất khẩu 36 tỷ USD, nhưng xuất khẩu sang EU chỉ đạt hơn 4 tỷ USD. Ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, với thị trường EU, từ trước tới nay sở dĩ ngành dệt may Việt Nam chưa tiến xa, tiến sâu được là do EU gồm 28 nước (nếu tính cả Anh), mà mỗi nước lại có phong tục tập quán, đặc điểm tiêu thụ khác nhau, đơn hàng tại EU số lượng nhỏ so với các thị trường khác, nhiều mùa nên thay đổi mẫu mã liên tục… do đó không ít doanh nghiệp ngại làm đang các đơn hàng nhỏ lẻ.
“Tuy nhiên, với động lực cắt giảm thuế quan, chúng tôi kỳ vọng ngành dệt may sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này”, ông Hiếu nói.
6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, xuất khẩu đi Mỹ ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 11,7%; xuất khẩu đi EU đạt 2,56 tỷ USD, tăng 4,52%; Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD, tăng 5,20 %; Hàn Quốc đạt 1,63 tỷ USD, tăng 4,6 %; Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, tăng 10,3%.
Việc gia tăng xuất khẩu sang EU sẽ khó đến nhanh, nhưng khéo léo tận dụng các điều kiện về quy tắc xuất xứ để ưu đãi thuế, doanh nghiệp dệt may sẽ có thêm được động lực đầu tư, gia tăng xuất khẩu nhờ có thêm lợi nhuận.
Điều quan trọng, phần lớn các nước xuất khẩu dệt may vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU do vậy nếu các doanh nghiệp Việt đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ thì EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam về dài hạn.