Dệt may tăng doanh thu với đầu tư bán hàng đa kênh
Bán lẻ truyền thống đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh với mô hình thương mại điện tử, buộc các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dệt may nói riêng phải thay đổi chiến lược, tăng thu bằng phương thức bán hàng đa kênh.
“Chưa bao giờ, cạnh tranh bán lẻ truyền thống với thương mại điện tử khốc liệt như hiện nay. Không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải đi bằng nhiều kênh, cố gắng bám thị trường nội địa”, ông Phạm Tiến Lâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Đức Giang (Durgaco) phát biểu tại sự kiện khai trương showroom mới của thương hiệu thời trang nữ S.PEARL tại 107 - Thái Hà (Hà Nội) mới đây.
Thị trường lúc nào cũng khó, nhưng vẫn còn dư địa cho những nhà sản xuất có lối đi riêng. Xác định thị trường nội địa là nơi cần phải tập trung để có thể tăng trưởng doanh số trong dài hạn, chiến lược mở mới các điểm bán lẻ sản phẩm được thiết kế riêng cho người Việt, kết hợp với các kênh bán lẻ hiện đại (online) được Durgaco bền bỉ thực hiện.
Để chinh phục khách hàng trong xu hướng tiêu dùng mới, toàn bộ sản phẩm phục vụ kênh bán lẻ được doanh nghiệp thiết kế, sản xuất riêng, với nhiều nhãn hiệu dành cho từng đối tượng khách hàng, địa điểm bán hàng thuận lợi, bài trí đẹp. Dugarco đã xây dựng được các nhãn hàng riêng phục vụ thị trường nội địa như Paul Downer, DGC, Dugarco Colection, Forever Young, S.Pearl, HeraDG…
Năm 2023, doanh thu xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 40,3 tỷ USD, giảm đáng kể so với 44 tỷ USD của năm 2022, do người tiêu dùng toàn cầu cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó, tại nội địa, tiêu thụ hàng dệt may vẫn tăng 7,4%, đạt 250.000 tỷ đồng (hơn 10 tỷ USD).
Mức doanh thu này đạt được trong bối cảnh hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trong nước và ngành bán lẻ dần hồi phục sau đại dịch, cùng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ mức 10% xuống 8%.
Thị trường vẫn chịu tác động từ xu hướng cắt giảm chi tiêu, nhưng nhờ đa dạng kênh bán hàng, quý I/2024, Tổng công ty May 10 - CTCP đạt doanh thu 73 tỷ đồng, trong đó hệ thống siêu thị M10 Mart và cửa hàng thời trang/may đo đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu, lần lượt là 12% và 4% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm so với quý I có cải thiện hơn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, May 10 đã khai trương nhiều cửa hàng tại Hà Nội, mới nhất là cửa hàng may đo veston cao cấp tại 38 - Hai Bà Trưng, trước đó ít hôm là May 10 Centurion tại số 3 - Ô Chợ Dừa.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 chia sẻ, đa dạng kênh giới thiệu sản phẩm, bán hàng, đưa sản phẩm từ nhà máy đến người tiêu dùng nhanh nhất và đa dạng nhất là một phần trong chiến lược trung và dài hạn của May 10 để phát triển thương hiệu nội địa.
Thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, từ năm 2021, kênh bán hàng online của doanh nghiệp này được khai thác tối đa, May 10 lần lượt khai trương các gian hàng tại Shopee, Sendo, Lazada, Tiki… Kênh phân phối thương mại điện tử giúp đa dạng phương thức bán hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời đại công nghệ số.
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu TMX, trong bối cảnh hiện nay, chiến lược đa kênh được các doanh nghiệp xem như một phương thức xây dựng nền móng vững chắc để phát triển. Có đến 76% doanh nghiệp (tỷ lệ của toàn khu vực châu Á là 46%) xem việc đầu tư vào mô hình bán hàng đa kênh là ưu tiên hàng đầu trong 3 - 5 năm tới.
Với kênh mua sắm online, ngoài nền tảng Facebook, nhiều doanh nghiệp bán lẻ còn tận dụng TikTok và đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn. Xu thế tiếp cận của các hãng thiên về thuê idol, người mẫu KOL trong quảng cáo nhãn hàng tiếp tục gia tăng.
Trước thói quen của người tiêu dùng dần chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trực tuyến, các doanh nghiệp dệt may phải có chiến lược riêng để hút khách hàng.
Ông Phạm Tiến Lâm nhận định, doanh nghiệp không chỉ chú trọng mảng hàng xuất khẩu, mà thị trường nội địa cũng yêu cầu ngày càng cao hơn về sản phẩm. Phát huy thế mạnh của mình, Durgaco ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái tạo, thân thiện môi trường, thực hiện “xanh hóa” sản xuất để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Hiện, hệ thống điện năng lượng mặt trời được lắp đặt ở hầu hết các nhà máy của Durgaco, liên kết chuỗi sản xuất để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm từ nguyên liệu tái chế, nguyên liệu từ sợi thiên nhiên…
“Nửa cuối năm 2024, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng thêm các kênh và phương thức bán hàng thời trang mang tính thực tế và thị trường hơn, góp phần bù đắp vào phần doanh số thiếu hụt và cải thiện lợi nhuận”, lãnh đạo Durgaco nói.
Tương tự, May 10 cũng tập trung nguồn lực để thực hiện chiến lược sản xuất xanh thông qua sử dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ có thể tái chế, đồng thời giảm thiểu rác thải.
Sự thay đổi về thiết kế, mẫu mã của các nhà sản xuất, thay đổi nguồn nguyên liệu theo hướng bền vững hơn được các chuyên gia đánh giá sẽ là động lực giúp ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong năm 2024 và những năm tới.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/det-may-tang-doanh-thu-voi-dau-tu-ban-hang-da-kenh-d220087.html