Dệt may TCM lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận sau 7 tháng
Tháng 1/2024, doanh thu và lợi nhuận tại dệt may TCM đã tăng trưởng trở lại, tình hình đơn hàng cũng khả quan hơn khi đã nhận được 80% đơn hàng cho quý 2/2024.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh tháng 1 tại CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã: TCM), doanh thu đạt hơn 14,3 triệu USD (tương ứng hơn 353 tỷ đồng) và lãi sau thuế 977.000 USD (khoảng 24 tỷ đồng), tăng lần lượt 43% và 62% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của TCM trong 9 tháng qua, kể từ tháng 5/2023.
Trong đó, doanh thu của TCM đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 75% tổng doanh thu, vải chiếm 14% và sợi chiếm 8%.
Về tình hình xuất khẩu, công ty chủ yếu xuất khẩu sang châu Á với tỷ trọng 74,9%, trong đó Nhật Bản chiếm 28,61%; Hàn Quốc 22,93% và Trung Quốc 9,99%. Xuất khẩu sang châu Mỹ chiếm 20%, trong đó Mỹ là 12,41% và Canada 7,43%. Còn lại là thị trường EU với 4,8% tổng doanh thu.
Liên quan đến sự kiện Biển Đỏ khiến giá cước vận tải tăng cao gây nguy hại cho chuỗi cung ứng toàn cầu, dệt may TCM cho biết công ty xuất khẩu chủ yếu theo điều kiện FOB và nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa theo điều kiện CIF vậy nên tình hình khủng hoảng Biển Đỏ trong thời gian qua ít ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển cũng như thời gian giao hàng của công ty.
Về tình hình đơn hàng, hiện dệt may TCM đã nhận vượt kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 1 và đã nhận khoảng 80% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 2/2024.
Cùng với dự báo tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2024 và tình hình tiếp nhận đơn hàng hiện tại, TCM có niềm tin năm nay tình hình đơn hàng xuất khẩu của Công ty sẽ khả quan hơn so với 2023.
Tại diễn biến liên quan, ngày 5/3 tới đây, dệt may TCM sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2024. Cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 4, thời gian và địa điểm cụ thể chưa được công ty này công bố.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 27/2, cổ phiếu TCM dừng ở mức 43.350 đồng/cp, tăng 6% so với đầu năm.