Dệt may Thành Công (TCM) dự báo lợi nhuận năm 2023 giảm 30%
Dệt may Thành Công dự báo, tình hình đơn hàng của công ty sẽ lạc quan hơn trong quý III, quý IV khi người dân tại Mỹ và các nước sẽ chi tiêu, mua sắm nhiều hơn cho mùa lễ hội.
CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, dự kiến diễn ra tại TPHCM, vào ngày 30/6.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu 3.927 tỷ đồng doanh thuần và 245 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 9%, 30% so với cùng kỳ. Mức cổ tức năm 2023 dự kiến là 15%.
Như vậy, kế hoạch kinh doanh của công ty đã thay đổi so với dự kiến ban đầu. Vì hồi tháng 3, TCM đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.364 tỷ đồng, 274 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2023. Nếu xét về doanh thu, công ty giảm gần 10% chỉ tiêu so với trước.
Về định hướng kinh doanh năm 2023, TCM cho biết sẽ tuyển dụng lao động để đạt công suất kế hoạch của nhà máy may Vĩnh Long 2 tại Khu công nghiệp Hòa Phú (Vĩnh Long) ngay sau khi thị trường có dấu hiệu hồi phục. Được biết, năm 2022, công ty hoàn thành thi công nhà máy may này với quy mô 1.500 công nhân, tổng vốn đầu tư là 190 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong năm nay, TCM sẽ tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký như CPTPP, EVFTA, RCEP để mở rộng tệp khách hàng. Đồng thời, gia tăng công suất nhà máy ngành nhuộm, dệt thông qua việc hợp tác cùng các đối tác.
Về phân phối lợi nhuận năm 2022, TCM dự kiến trình cổ đông phương án chi trả cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 20%, trong đó, 7% bằng tiền mặt và 13% bằng cổ phiếu.
Trước đó, hồi tháng 3, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 7% (1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). Như vậy, cổ đông TCM sẽ được nhận cổ tức còn lại năm 2022 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 13% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận về 13 cổ phiếu mới).
Theo đó, TCM dự kiến phát hành thêm 10,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông. Sau phát hành, số cổ phiếu của công ty sẽ tăng từ 81,9 triệu lên 92,5 triệu cổ phiếu.
Dự báo tình hình
đơn hàng quý III, quý IV sẽ khả quan hơn
Về tình hình kinh doanh, trong tháng 4, TCM ghi nhận doanh thu đạt 10,5 triệu USD giảm 38%, lợi nhuận sau thuế đạt 1,5 triệu USD tăng 81% so với cùng kỳ. Công ty cho biết, lợi nhuận này chủ yếu từ dệt may và thu nhập tài chính từ việc chuyển nhượng cổ phiếu và nhận được một phần khoản phải thu từ khách hàng Sear-Kmart.
Cụ thể, trong tháng 4, TCM đã chuyển nhượng gần 1,2 triệu cổ phiếu SAV của CTCP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex. Đến tháng 5, công ty đã bán hết số cổ phiếu SAV.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu TCM đạt 47,2 triệu USD giảm 27%, lợi nhuận sau thuế đạt 3,7 triệu USD giảm 4% so với 4 tháng đầu năm 2022.
Về thị trường xuất khẩu, trong tháng 4, công ty xuất khẩu sang thị trường châu Á chiếm 54%. Trong đó thị trường Hàn Quốc chiếm 21%, thị trường Nhật Bản chiếm 16%, Trung Quốc chiếm 4%. Tiếp đến thị trường châu Mỹ chiếm 41%, trong đó thị trường Mỹ chiếm 36%, Canada chiếm 4%, thị trường châu Âu chiếm 3%.
TCM cho biết, do ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái kinh tế, lạm phát cao tại Mỹ và EU trong thời gian qua đã khiến người tiêu dùng Mỹ và Eu thắt chặt chi tiêu và giảm tiêu dùng cho những mặt hàng không phải là thiết yếu, trong đó có hàng dệt may. Điều này làm cho tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bao gồm TCM sang các thị trường này giảm sút so với cùng kỳ.
Về tình hình đơn hàng, công ty cho biết đã nhận 80% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý II, nhận 65% đơn hàng cho quý III. Vì thế, TCM dự báo, tình hình đơn hàng quý III, quý IV sẽ khả quan hơn khi người dân tại Mỹ và các nước sẽ chi tiêu, mua sắm nhiều hơn cho mùa lễ hội.
Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng tình hình kinh tế ảm đạm đang tác động rất lớn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân và lượng đơn hàng của doanh nghiệp.
Từ cuối quý III/2022 đến nay, ngành dệt may đã bắt đầu ngấm đòn của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, cả đơn hàng và đơn giá đều giảm tới 20 - 30%, cá biệt một số mặt hàng giá giảm tới 40 - 50%. Đây là điều chưa từng xảy ra với ngành dệt may.
“Sự sụt giảm về đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể kéo dài sang quý III và ít nhất sang quý IV mới dần phục hồi”, ông Trương Văn Cẩm nói.