Dệt may tụt hạng về kim ngạch xuất khẩu

Tính đến giữa tháng 8 này, giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành dêt may cả nước đã lùi về vị trí thứ 3, nhường vị trí thứ 2 cho nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

 Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến ngày 15-8-2019 so với cùng kỳ năm 2018 - Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến ngày 15-8-2019 so với cùng kỳ năm 2018 - Nguồn: Tổng cục Hải quan

Số liệu sơ bộ mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 8 này kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cả nước đạt 4 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7,5 tháng đầu năm nay của ngành này đạt 20,21 tỉ đô la, tăng 2,74 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả tăng trưởng này đã giúp cho kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cả nước vượt lên vị trí thứ 2, chỉ thấp hơn tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nhóm sản phẩm điện thoại và linh kiện (đạt 30,33 tỉ đô la) trong cùng thời gian nói trên.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng dệt may cả nước lâu nay luôn duy trí ở vị trí lớn thứ 2 thì đến thời điểm này đã lùi về vị trí thứ 3. Cụ thể trong nửa đầu tháng 8 này, cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 3,31 tỉ đô la, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong 7,5 tháng đầu năm nay là 19,91 tỉ đô la, tăng 1,89 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, so với nhóm hàng hóa vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện thì mức tăng trưởng của nhóm hàng hóa dệt may từ đầu năm đến nay thấp hơn, dẫn đến bị tụt hạng về kim ngạch xuất khẩu.

Đáng chú ý, theo đánh giá của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm, hiện tại tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp không được khả quan so với năm 2018. Tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến. Và lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018, ngay cả một số doanh nghiệp lớn cũng bị tình trạng này. Đáng chú ý là việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn.

Đây là hiện tượng khó giải thích bởi nhiều chuyên gia cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ giúp các đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đang tham gia nhiều thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), những hiệp định sẽ thúc đẩy ngành dệt may gia tăng xuất khẩu vào các thị trường nội khối.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may cũng cho rằng tăng trưởng trong những tháng đầu năm nay bị chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái, do khó khăn nguồn lao động, chi phí tăng, trong khi đơn hàng vẫn có nhưng không nhiều như trước đây. Do đó, dự báo tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may sẽ khó hơn so với tăng trưởng của nhóm sản phẩm vi tính, điện tử và linh kiện.

Mặc dù vậy, hiện Việt Nam vẫn nhập siêu khá lớn về nhóm mặt hàng vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Cụ thể theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7,5 tháng đầu năm nay cả nước nhập đến 31,11 tỉ đô la giá trị hàng hóa này, tức nhập siêu đến 10,9 tỉ đô la.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293236/det-may-tut-hang-ve-kim-ngach-xuat-khau-.html