Dệt may Việt đối mặt với nhiều yếu tố bất định và cơ hội trong nửa cuối năm

Cho dù có nhiều tín hiệu tích cực từ tình hình xuất, nhập khẩu, đơn hàng, những tháng cuối năm 2024, ngành dệt may cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đan xen cùng những kỳ vọng trong mùa cao điểm của đơn hàng phục vụ cho các dịp lễ hội.

Dệt may có dấu hiệu khởi sắc

Sau năm 2023 được đánh giá là đầy khó khăn và thách thức, dệt may Việt Nam ghi nhận tín hiệu tích cực từ xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2024. Những tín hiệu này đã bắt đầu xuất hiện từ cuối quý IV/2023 khi quá trình xử lý hàng tồn kho tại Mỹ dần kết thúc và nhu cầu tiêu dùng phục hồi.

Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 19,53 tỷ USD, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho biết mức tồn kho quần áo tại Mỹ trong nửa đầu năm 2024 đạt 2.172 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái và duy trì mức thấp hơn so với nửa cuối năm 2022. Cùng với đó, doanh số bán lẻ quần áo tại Mỹ trong 6 tháng đầu năm tăng 1,2% so với cùng kỳ và duy trì xu hướng phục hồi từ tháng 10/2023.

Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho thấy nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ tăng 3% lên 7,4 tỷ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm nay, chiếm tỷ trọng 38%.

Ngoài ra, một số thị trường chính khác cũng ghi nhận sự phục hồi như Nhật Bản (5%), Hàn Quốc (2,6%), Trung Quốc (4,6%)…

Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Cũng trong thời gian này, các doanh nghiệp tích cực mở rộng sản xuất, tăng cường nhập khẩu nguyên, phụ liệu, sợi, vải… để phục vụ cho các đơn hàng đang dần quay trở lại. Kim ngạch nhập khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 12 tỷ USD, trong đó vải đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Những con số kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng là một minh chứng cho sự phục hồi trong nửa đầu năm.

Theo đánh giá của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, hiệu quả của ngành tốt hơn do lượng đơn hàng nhiều mặc dù đơn giá còn thấp, nhỏ lẻ, thời gian giao hàng gấp và yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.

Tập đoàn ghi nhận lãi sau thuế gần 132 tỷ đồng trong quý II, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi cao nhất 7 quý của công ty. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn đạt 204 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số công ty dệt may khác cũng ghi nhận kết quả lợi nhuận sau thuế tăng bằng lần. Điển hình như CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II cao gấp 36 lần năm ngoái lên 72 tỷ đồng và nửa năm gấp hơn 2 lần, đạt 135 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, cho biết doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý IV. Bên cạnh đó, một số khách hàng liên hệ để xem xét tăng đơn hàng do tình hình bất ổn tại Bangladesh ngày càng leo thang.

Còn nhiều yếu tố bất định trong mùa cao điểm

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực từ tình hình xuất, nhập khẩu, đơn hàng, những tháng cuối năm 2024, ngành dệt may có thể đối diện với nhiều thách thức, đan xen cùng những kỳ vọng trong mùa cao điểm của đơn hàng phục vụ cho các dịp lễ hội.

Chủ tịch May Thành Công nhận định trong nửa cuối năm tình hình sẽ tốt hơn nhưng sẽ phụ thuộc nhiều vào sự thay đổi của kinh tế Mỹ. Theo đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới này phải đổi mặt với tình trạng tỷ lệ thất nghiệp tăng và thị trường chứng khoán lao dốc. Do đó, Mỹ là yếu tố khó đoán định trong khi Việt Nam lại đang phục thuộc nhiều vào thị trường này.

“Tuy nhiên, nếu từ giờ đến cuối năm không xảy ra biến động quá lớn về kinh tế hay địa chính trị thì ngành dệt may 6 tháng cuối năm sẽ tốt lên. Ngoài ra, thông thường mùa cao dệt may rơi vào quý IV bởi tập trung nhiều lễ hội khiến nhu cầu mua sắm tăng cao”, ông Tùng nhận định.

Nhóm phân tích của PSI kỳ vọng thị trường bán lẻ quần áo tại Mỹ duy trì xu hướng hồi phục trong nửa cuối năm 2024, đặc biệt là vào mùa mua sắm cuối năm, qua đó thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu mới. Đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may sẽ hồi phục rõ rệt kể từ quý IV khi đây cũng là thời điểm các nhãn hàng bắt đầu chuẩn bị cho vụ xuân hè năm 2025.

VITAS nhận định nửa cuối năm nay ngành dệt may đón được một số lợi thế trong bối cảnh bạo loạn đang gia tăng tại Bangladesh.

Các chuyên gia của VITAS cho rằng năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ tạm thời bị giảm sút, trong khi hiện nay là giai đoạn cao điểm, các nhà máy trên thế giới đang chạy đua để sản xuất hàng cho mùa đông. Điều này dẫn đến khách hàng sẽ phải chuyển dịch đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng bị thiếu hụt. Từ đó khiến niềm tin của khách hàng dối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút.

Ngoài ra, Bangladesh cũng đang phải chịu sức ép tăng lương cho người lao động. Do đó, lợi thế về chi phí lao động của nước này sẽ bị giảm sút.

Tuy nhiên hiệp hội cũng cho rằng ngành dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức lớn khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may...

Hay các yếu tố xung đột địa chính trị, lạm phát trên thế giới,... dẫn đến chi phí ngày càng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiệp hội cho biết theo thông tin từ các doanh nghiệp, về cơ bản đơn hàng xuất khẩu dệt may đã có đủ tới hết quý III, nhưng đơn hàng quý IV vẫn chưa chắc chắn, vì các khách hàng còn thận trọng theo dõi các diễn biến của thị trường.

Trong báo cáo phân tích mới đây, May Thành Công cho biết xu hướng chung của thị trường hiện nay là sản phẩm rẻ chiếm ưu thế tuyệt đối, nên các doanh nghiệp duy trì giá bán giảm để xử lý tồn kho về trước dịch. Do đó, các doanh nghiệp dệt may trong nước cần tính toán để có thể chốt được đơn hàng trong những tháng cuối năm, nhất là thị trường Mỹ và EU; đồng thời tách cực truyền thông về xuất xứ minh bạch của hàng dệt may Việt Nam.

Dưới góc độ tài chính, May Thành Công cho rằng các doanh nghiệp cần đưa ra một số giải pháp khi tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng, cũng như một số phương án quản trị dòng tiền, hàng tồn kho để giảm thiếu rủi ro tài chính.

H.Mĩ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/det-may-viet-doi-mat-voi-nhieu-yeu-to-bat-dinh-va-co-hoi-trong-nua-cuoi-nam.html