Đều báo lãi tăng trưởng nhưng mảng dược phẩm của Thế giới Di động và FPT Retail lại trái chiều

Chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail (FRT) tiếp tục là động lực tăng trưởng, đóng góp 62% doanh thu toàn công ty. Ngược lại, chuỗi dược phẩm An Khang của Thế giới Di động (MWG) đang dần bết bát hơn.

Theo BCTC kết quả kinh doanh quý III, Thế giới Di động cho biết doanh thu thuần đạt 34.147 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí vốn, lợi nhuận gộp tăng 21% lên 6.892 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ lên 20%.

Kết quả, Thế giới Di động báo lãi sau thuế gần 806 tỷ đồng, cao gấp gần 21 lần so với mức nền thấp cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 800 tỷ đồng, cũng gấp gần 21 lần.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế gấp hơn 37 lần cùng kỳ, đạt 2.881 tỷ, qua đó vượt 20% mục tiêu lợi nhuận cả năm đã đề ra.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục là động lực tăng trưởng cho FPT Retail.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục là động lực tăng trưởng cho FPT Retail.

Đáng chú ý, tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Thế giới Di động đạt 66.900 tỷ đồng, tăng 6.800 tỷ so với số đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty là 19.765 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỷ đồng so với số đầu năm và tăng 1.700 tỷ so với cuối quý III/2024.

Thay vào đó, Thế giới Di động sử dụng hơn 11.536 tỷ đồng, tăng 9.000 tỷ so với đầu năm đem đi đầu tư trái phiếu và các khoản đầu tư khác kỳ hạn dưới 1 năm, hưởng lãi suất áp dụng. Trong quý III/2024, công ty đã lãi hơn 300 tỷ đồng nhờ đầu tư trái phiếu. Lũy kế 9 tháng, Thế giới Di động lãi tổng cộng hơn 410 tỷ đồng nhờ đầu tư trái phiếu.

Khoản mục chiếm phần lớn nhất trong tài sản của Thế giới Di động (33%) là hàng tồn kho, ở mức 21.853 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn là 7.355 tỷ đồng.

Tuy nhiên, xét theo mảng kinh doanh, “sức khỏe” của hệ thống dược phẩm vẫn chưa ghi nhận sự tiến triển.

Cuối năm 2021, Thế giới Di động thâu tóm toàn bộ cổ phần của An Khang, liên tục gia tăng số lượng cửa hàng từ 14 lên 178 cửa hàng, và chỉ trong năm 2022 tăng lên 510 cửa hàng.

Thế nhưng, việc chi tiền mở rộng quy mô An Khang không mang lại lợi nhuận. Chuỗi nhà thuốc này triền miên thua lỗ. Năm 2022, An Khang lỗ 306 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 342 tỷ đồng. BCTC quý III/2024 của Thế giới Di động cho thấy, An Khang lỗ tiếp 320 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024.

Hồi cuối quý II/2024, con số lỗ này mới ở mức 172 tỷ đồng, như vậy chỉ trong riêng quý III, An Khang đã lỗ 148 tỷ đồng.

BCTC của Thế giới Di động cho thấy, sau Bách Hóa Xanh thì chuỗi Dược phẩm An Khang đang có lỗ lũy kế lớn nhất, đặc biệt lỗ tăng nhanh từ năm 2022 đến nay.

Lỗ lũy kế của Dược phẩm An Khang tính tới cuối tháng 9/2024 là 982 tỷ đồng, xếp sau Bách hóa Xanh (-8.659 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong khi Bách hóa Xanh đã bắt đầu có lãi (quý III/2024 ghi nhận lợi nhuận 90 tỷ đồng), thì An Khang lại ngày càng thua lỗ nặng nề hơn.

SSI Research dự báo chuỗi nhà thuốc này sẽ chịu khoản lỗ lần lượt là 339 tỷ đồng và 243 tỷ đồng trong năm 2024 - 2025.

Cũng báo lãi tăng trưởng, FPT Retail cho biết 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 28.657 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, hoàn thành 77% kế hoạch. Trong đó, doanh thu online toàn công ty đạt 5.041 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 358 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục là động lực tăng trưởng khi ghi nhận doanh thu tăng 62% so với với cùng kỳ, đạt 18.006 tỷ đồng, đóng góp 62% doanh thu toàn công ty và hoàn thành 85% kế hoạch năm 2024. Đồng thời, hiệu quả hoạt động được duy trì với doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc vào khoảng 1,2 tỷ/tháng, tương đương với các quý trước trong năm.

Đến nay, chuỗi Long Châu đã mở rộng tới 1.849 nhà thuốc, tăng 352 nhà thuốc so với đầu năm 2024. Riêng trong quý III, FPT Long Châu mở mới 143 nhà thuốc, nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm 2024. Hệ thống trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu cũng tiếp tục được mở rộng, đạt 115 trung tâm vaccine phủ khắp 46 tỉnh thành.

Trên thị trường, cổ phiếu FRT hiện giao dịch vùng 170.000 đồng/cp, giảm gần 9% so với mức đỉnh thiết lập vào cuối tháng 8 nhưng tăng khoảng 90% trong vòng 1 năm.

Còn cổ phiếu MWG đang giao dịch quanh vùng giá 66.000 đồng/cp. Gần nhất, cổ phiếu này đã chính thức trở lại rổ chỉ số VNDiamond trong kỳ tháng 10/2024. Theo đó, ước tính sẽ có tổng cộng hơn 25 triệu cổ phiếu MWG sẽ được 5 quỹ ETF tổng quy mô 14.000 tỷ đồng "săn lùng" mua vào trong đợt cơ cấu này.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/deu-bao-lai-tang-truong-nhung-mang-duoc-pham-cua-the-gioi-di-dong-va-fpt-retail-lai-trai-chieu-1103366.html