ĐH Giao thông vận tải: Nhiều HS quan tâm Kỹ thuật máy tính dù tuyển sinh năm đầu

Sinh viên sẽ có nhiều cơ hội việc làm rộng mở, mức thu nhập liên tục tăng sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật máy tính của Trường Đại học Giao thông vận tải.

Theo đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải, trong bối cảnh Khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Kỹ thuật máy tính đang chiếm một vai trò rất quan trọng và cần thiết. Hơn nữa, với sự kết hợp giữa khối kiến thức Điện tử và khối kiến thức Công nghệ thông tin, ngành học này của Nhà trường đã nhận được sự quan tâm lớn của người học dù là năm đầu tiên tuyển sinh.

Kỹ thuật máy tính được ưu tiên phát triển để trở thành một trong những ngành chủ lực kinh tế của Việt Nam

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nhu cầu của xã hội hiện nay đối với ngành Kỹ thuật máy tính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thanh Toản, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật điện tử, Khoa Điện-Điện tử, Trường Đại học Giao thông vận tải cho hay, theo thống kê, đây là lĩnh vực đang thiếu hụt nguồn lao động và tiếp tục có xu hướng thiếu trong 20 năm tới.

Có thể thấy, những lĩnh vực dân sự như điện-điện tử, hệ thống nhúng, thiết kế vi mạch hay khai thác vận hành hệ thống mạng máy tính trong các cơ quan, doanh nghiệp, công ty thương mại và dịch vụ điện máy với nhiều khu thương mại tập trung khắp cả nước và quốc tế, đặc biệt là ở nhiều tập đoàn lớn đều đang có nhu cầu rất cao trong việc tuyển dụng nhân lực Kỹ thuật máy tính.

 Sinh viên Bộ môn Kỹ thuật điện tử trong phòng thí nghiệm (Ảnh: NTCC).

Sinh viên Bộ môn Kỹ thuật điện tử trong phòng thí nghiệm (Ảnh: NTCC).

Thầy Toản thông tin, hiện nay, Kỹ thuật máy tính đang là một trong những ngành được Nhà nước quan tâm và ưu tiên phát triển để trở thành ngành chủ lực của kinh tế Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thể chế hóa trong Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022, trong đó đưa ra Kỹ thuật máy tính là 1 trong 12 ngành đào tạo trình độ đại học có nhu cầu cao về nhân lực. Do đó rất cần ưu tiên, khuyến khích trường đại học mở đào tạo và người học đăng ký.

Hơn nữa, từ năm 2023, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông... đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội nghị, hội thảo nhằm tăng cường, phát triển nguồn nhận lực này. Những tọa đàm này được diễn ra nhằm đón đầu xu hướng đầu tư về lĩnh vực công nghệ IC bán dẫn, lập trình phần cứng và máy tính vào Việt Nam trong thời gian tới.

Để đáp ứng yêu cấp thiết của xã hội về nguồn nhân lực như vậy, năm học 2024-2025, Trường Đại học Giao thông vận tải bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành học Kỹ thuật máy tính.

Thầy Toản chia sẻ, qua khảo sát và đánh giá, Bộ môn và Khoa nhận thấy rằng, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật máy tính của Trường Đại học Giao thông vận tải có thể làm việc tại các công ty về công nghệ IC bán dẫn như Amkor, Hana, Intel,…, công ty thiết kế chip như FPT software, Renesas, Synopsys, Dolphin …

Bên cạnh đó, người học cũng có thể làm việc tại những công ty về lập trình ứng dụng, kiểm thử phần mềm nhúng cho tập đoàn viễn thông; công ty về thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống máy tính trong đơn vị, hành chính sự nghiệp nhà nước; công ty, doanh nghiệp có sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty về thiết kế và phát triển sản phẩm thiết bị điện tử, …

 Công ty thiết kế vi mạch Dolphin giới thiệu tuyển dụng cho sinh viên Bộ môn Kỹ thuật điện tử của Trường Đại học Giao thông vận tải (Ảnh: NVCC).

Công ty thiết kế vi mạch Dolphin giới thiệu tuyển dụng cho sinh viên Bộ môn Kỹ thuật điện tử của Trường Đại học Giao thông vận tải (Ảnh: NVCC).

Không những vậy, các em cũng có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hay trở thành cán bộ nghiên cứu và giảng dạy ở những viện, cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực công nghệ, Kỹ thuật máy tính.

Về thu nhập, thầy Toản cho hay, mức lương khởi điểm của kỹ sư Kỹ thuật máy tính sẽ dao động từ 8-12 triệu đồng/tháng tùy vào vị trí công việc và quy mô công ty. Sau 3-5 năm công tác, mức lương thường sẽ tăng gấp đôi và sau 10 năm kinh nghiệm sẽ gấp 4-5 lần mức khởi điểm.

Về công tác tuyển sinh, theo thầy Toản, mặc dù năm học 2024-2025 là năm đầu tiên Nhà trường tuyển sinh ngành Kỹ thuật máy tính nhưng đã được nhiều thí sinh và xã hội quan tâm.

Trên thực tế, các ngành học thuộc Bộ môn Kỹ thuật điện tử, Khoa Điện - Điện tử của Trường Đại học Giao thông vận tải trong khoảng 10 năm trở lại đây luôn thuộc top những ngành tuyển sinh với điểm đầu vào cao, từ 24-26 điểm.

Hơn nữa, theo thầy Toản, với nhiệm vụ phụ trách chuyên ngành Kỹ thuật máy tính của Trường Đại học Giao thông vận tải, Bộ môn Kỹ thuật điện tử vốn đã có bề dày truyền thống gần 20 năm trong đào tạo chuyên ngành kết hợp giữa kỹ thuật điện tử và tin học.

Do đó, đội ngũ giảng viên của Bộ môn có nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước với trên 10 năm kinh nghiệm giảng dạy. Các giảng viên đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, hợp tác với doanh nghiệp, những cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. Hiện, đội ngũ này của Bộ môn đã công bố gần 50 bài báo khoa học quốc tế, sở hữu 2 bằng sáng chế liên quan đến lĩnh vực IC bán dẫn cho máy tính.

Không những vậy, Bộ môn Kỹ thuật điện tử còn có cơ sở vật chất hiện đại để sẵn sàng cho quá trình đào tạo theo tiêu chuẩn cao nhất.

Cụ thể, sinh viên theo học ngành Kỹ thuật máy tính sẽ có phòng thí nghiệm được đầu tư với những trang thiết bị chuyên dụng hiện đại của nhiều hãng như Analog Device, EZ, TI, Mitsubishi,… được sử dụng trong thí nghiệm, thực hành về chế tạo và kiểm tra mạch điện tử, mạch đo lường, xử lý tín hiệu, xử lý ảnh, hàn dán linh kiện, thử độ bền thiết bị điện tử, thiết bị nhúng,….

Phòng máy của Nhà trường với hệ thống máy chủ hiệu năng cao cùng nhiều máy tính trạm được sử dụng cho những tiết học thực hành của chương trình đào tạo Kỹ thuật máy tính.

Cơ sở vật chất cho sinh viên ngành học này còn có sự tài trợ của nhiều công ty trong và ngoài nước, sự đóng góp nhiệt tình của một số cựu sinh viên như tài trợ chip nhúng, thiết bị phần cứng, phần mềm thiết kế vi mạch.

Những thuận lợi trên chính là minh chứng cho việc vì sao nhu cầu lựa chọn ngành Kỹ thuật máy tính của Trường Đại học Giao thông vận tải là rất lớn dù mới bắt đầu tuyển sinh.

Chương trình đào tạo được thiết kế theo định hướng chú trọng vào kỹ năng thực hành

Về chương trình đào tạo, thầy Toản thông tin, ngành Kỹ thuật máy tính của Trường Đại học Giao thông vận tải được xây dựng theo hướng kết hợp kiến thức chuyên môn của cả hai lĩnh vực là Kỹ thuật điện tử và Công nghệ thông tin.

Mục tiêu cơ bản của ngành là nhằm cung cấp các kiến thức về nguyên lý, phương pháp để thiết kế, phát triển hệ thống phần cứng và phần mềm. Qua đó, phục vụ cho hoạt động của những thiết bị phần cứng đó như công nghệ IC bán dẫn, lập trình phần cứng và máy tính.

Không những vậy, ngành Kỹ thuật máy tính còn được Khoa và Nhà trường thiết kế theo định hướng chú trọng vào kỹ năng thực hành.

Theo đó, sinh viên sẽ được thực hành ngay từ năm thứ 2, được kết nối với nhiều chương trình đào tạo Kỹ thuật máy tính thuộc một số trường đại học của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ,.... Trong quá trình học, các em còn nhận được sự hỗ trợ đào tạo từ nhiều công ty, tập đoàn lớn như Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC, công ty chuyên về vi mạch bán dẫn.

 Sinh viên Bộ môn Kỹ thuật điện tử trong buổi báo cáo dự án.

Sinh viên Bộ môn Kỹ thuật điện tử trong buổi báo cáo dự án.

Không những vậy, trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, Nhà trường còn cử những giảng viên có kinh nghiệm, đồng thời lấy ý kiến đóng góp từ một số cơ sở giáo dục đại học ở cả trong và ngoài nước, doanh nghiệp sử dụng lao động liên quan như Dolphin, Qorvo, FPT semi, CoAsia, Viettel,…

Tuy nhiên, để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi ra trường, thầy Toản cho rằng, người học cần có sự chăm chỉ, kiên trì và tin tưởng vào định hướng đã chọn, chuẩn bị tốt kiến thức ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

Bên cạnh đó, ngoài giờ học trên giảng đường, các em cũng nên dành thời gian đến phòng thí nghiệm làm việc và chủ động tham dự những sự kiện như Openday, ngày hội việc làm, giới thiệu công ty của một số doanh nghiệp về Kỹ thuật máy tính… tại Nhà trường.

Cũng theo thầy Toản, ngành Kỹ thuật máy tính của Trường Đại học Giao thông vận tải có hướng đào tạo chuyên sâu là công nghệ IC bán dẫn, lập trình phần cứng và máy tính nên tất yếu cũng có những khó khăn trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Đơn cử, các thiết bị thí nghiệm và thực hành cần sử dụng rất đắt tiền; phần mềm chuyên dụng cũng cần có bản quyền.

Hơn nữa, đây là một ngành học hiện đại, tiên tiến, cần cập nhật thông tin mới của thế giới liên tục nên chương trình học đòi hỏi sinh viên phải thật sự có năng lực, kiên trì và cố gắng không ngừng.

Tuy nhiên, những khó khăn này đều có thể được khắc phục, giải quyết được khi có sự đầu tư đúng mức của Nhà trường và sự phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài để nâng cao chất lượng thiết bị thí nghiệm, thực hành hay dùng chung phần mềm chuyên dụng.

“Chúng tôi rất mong đợi chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" được triển khai sớm. Bởi, khi đó, sinh viên Kỹ thuật máy tính sẽ được tăng cường thêm điều kiện học tập, nghiên cứu khoa học từ sự đầu tư của Nhà nước thông qua chương trình này”, Phó Giáo sư Toản bày tỏ.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dh-giao-thong-van-tai-nhieu-hs-quan-tam-ky-thuat-may-tinh-du-tuyen-sinh-nam-dau-post244521.gd