Kiểm soát khí thải xe máy - việc cấp thiết

Ô nhiễm môi trường do khí thải từ khói xe máy đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các loại khí độc có trong khí thải xe máy, gồm CO, SO2, CH4, VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi)… và bụi TSP. Theo các chuyên gia y tế, các loại chất gây ô nhiễm từ khí thải xe máy là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh nguy hiểm về hô hấp, tim mạch, vô sinh, ung thư...

Đặc biệt, các hợp chất hydrocarbons đa vòng sẽ gây tổn hại nghiêm trọng lên các tế bào da và hệ tự miễn của cơ thể. Đây là một trong những thành phần khí thải xe máy phổ biến nhất gây ra ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khỏe con người. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, hiện cả nước có hơn 5,8 triệu ôtô và hơn 72,1 triệu môtô, xe máy. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người sử dụng xe máy cao nhất khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng một thực tế cho thấy, hiện có rất nhiều loại môtô, xe máy không bảo dưỡng định kỳ, thậm chí đã cũ nát nhưng vẫn được lưu thông. Đây là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn và trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông.

Theo khảo sát mới đây của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội thì xe máy và ôtô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường và phần lớn bắt nguồn từ hàng triệu chiếc xe máy cũ nát đang ngày ngày lưu thông trên đường. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chi Minh), khí thải từ xe máy đang là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất cho thành phố này. Cụ thể, xe máy chiếm tới 90% lượng CO, 65,4% NMVOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không chứa metan), 37,7% bụi và 29% NOx (khí thải hình thành từ quá trình đốt khí Nitơ).

Từ những kết quả nghiên cứu trên cho thấy, hoạt động giao thông phát thải chiếm tỷ lệ cao nhất tại các thành phố lớn ở nước ta. Vì vậy, việc kiểm soát khí thải từ ôtô, môtô, xe máylà việc làm cấp thiết hiện nay. Do đó, Điều 42 Luật Trật tự, an toàn giao thông 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 quy định cụ thể: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm định khí thải... Quy định trên đây đã nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo người dân và cộng đồng mạng xã hội.

Tuy nhiên, để quy định nêu trên thực sự đi vào cuộc sống và thực thi có hiệu quả, trong dư luận đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mà các cơ quan chức năng cần quan tâm. Trước hết, muốn giảm thiểu khí thải xe máy thì biện pháp đầu tiên là phải tập trung xóa bỏ lượng xe cũ nát. Tuy nhiên, đi kèm với biện pháp này là chính sách trợ giá cho người dân khi đổi xe máy cũ lấy xe máy mới. Song song đó là phải công khai các nội dung về quy trình, các tiêu chí kiểm định; biểu mức thu giá, chu kỳ kiểm định, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan kiểm định. Đặc biệt, việc quản lý, cấp phát tem kiểm định phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh.

Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, nếu thực hiện tốt việc kiểm soát khí thải môtô, xe gắn máy làm giảm các chất độc hại phát thải ra môi trường, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc làm này còn thể hiện quyết tâm thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế là Việt Nam phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030; đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/162457/kiem-soat-khi-thai-xe-may-viec-cap-thiet