ĐH Giao thông vận tải sẵn sàng mọi điều kiện để đào tạo bán dẫn
Nhiều SV tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông vận tải làm việc tại công ty lớn về công nghiệp bán dẫn như Qorvo, CoAsia, Toshiba, Viettel, FPT, Marvell,…
Quyết định số 1017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" nêu rõ mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg, Trường Đại học Giao thông vận tải là một trong số 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn, nhằm phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải đã có những chia sẻ về chiến lược phát triển, chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đào tạo phục vụ chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn.
Cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học lĩnh vực công nghiệp bán dẫn
Trường Đại học Giao thông vận tải có sứ mạng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chất lượng cao theo xu thế hội nhập, có trách nhiệm xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải và đất nước.
Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm 1968, Trường Đại học Giao thông vận tải bắt đầu đào tạo các chuyên ngành liên quan đến điện - điện tử.
Từ năm 2006, nhà trường bắt đầu đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử và Tin học công nghiệp, thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông với các môn học về Công nghệ chế tạo chip bán dẫn như VLSI (viết tắt của Very Large Scale Integration, hay còn gọi là Vi mạch tích hợp); hệ thống số lập trình FPGA (viết tắt của Field Programmable Gate Array); ngôn ngữ mô tả phần cứng, công nghệ vi điện tử và điện tử Nano, Điện tử hữu cơ,…
Năm 2024, nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành Kỹ thuật máy tính. Đây là ngành liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Với đào tạo trình độ đại học, hàng năm, tổng số sinh viên học các ngành liên quan trực tiếp đến công nghiệp bán dẫn (Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và Kỹ thuật máy tính) của nhà trường vào khoảng 250 sinh viên.
Còn với đào tạo trình độ sau đại học, nhà trường cũng đã hoàn thiện hệ thống đào tạo liên quan, gồm thạc sĩ và tiến sĩ ngành Kỹ thuật điện tử, người học đa số đều làm luận án liên quan đến chip bán dẫn.
“Mục tiêu cốt lõi của nhà trường khi đào tạo nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn là góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực rất cấp thiết hiện nay và trong các năm tới mà chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" đã nêu ra”, thầy Hùng cho biết.
Thực tế, những năm qua, nhiều sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đã và đang làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn như Qorvo, CoAsia, Toshiba, Viettel, FPT, Marvell,…
Qua việc đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành Công nghiệp bán dẫn, nhà trường đã thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Trường Đại học Giao thông vận tải luôn sẵn sàng nhận các việc khó, việc mới trong lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Nhà trường đã có sự chuẩn bị rất tốt để tham gia đào tạo phục vụ chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
Cũng theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg, Trường Đại học Giao thông vận tải được ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn. Điều này mang lại những thuận lợi đối với nhà trường trong công tác đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn nói chung và sự phát triển của nhà trường nói riêng.
Đánh giá về nội dung này, thầy Hùng cho hay, mặc dù nhà trường đã tham gia đào tạo nhân lực phục vụ các ngành liên quan đến bán dẫn từ năm 2006 nhưng nhà trường vẫn rất cần đầu tư để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo. Do đó, khi được đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn, nhà trường sẽ có một số thuận lợi trong việc đào tạo nguồn nhân lực Công nghiệp bán dẫn.
Cụ thể, khi được ưu tiên đầu tư, nhà trường sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng chương trình đào tạo và học liệu để có thể tiệm cận với chương trình đào tạo tiên tiến của các nước như Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản; nâng cao kiến thức cho các giảng viên, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý; nâng cao khả năng tiếp cận thực tế cho sinh viên, phát huy phương châm “học đi đôi với hành”, sinh viên sẽ sớm bắt kịp công việc ngay sau khi tốt nghiệp.
Nhà trường cũng sẽ xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, như phòng thiết kế chip, phòng thí nghiệm kiểm thử, phòng thí nghiệm phát triển ứng dụng chip bán dẫn. Tạo ra sản phẩm nghiên cứu phù hợp với nhu cầu đặc thù cho ngành giao thông vận tải như giao thông thông minh, đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc.
“Có được sự đầu tư từ Chính phủ, nhà trường cam kết đảm bảo số lượng, chất lượng kỹ sư vi mạch bán dẫn, góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn”, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Chuẩn bị sẵn sàng giảng viên, cơ sở vật chất và hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo bán dẫn
Hiện nay, Trường Đại học Giao thông vận tải có 100 giảng viên từ các khoa: Khoa học cơ bản, Điện-Điện tử, Cơ khí và Công nghệ thông tin tham gia đào tạo các ngành liên quan đến chip bán dẫn. Số giảng viên thuộc bộ môn Kỹ thuật điện tử, đơn vị trực tiếp giảng dạy và vận hành các phòng thí nghiệm là 12 giảng viên, trong đó 1 phó giáo sư, 6 tiến sĩ, và 5 thạc sĩ. Các giảng viên đều được được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực Công nghiệp bán dẫn, chip ở trong và ngoài nước. Những năm qua, giảng viên của trường đã thực hiện gần 10 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố trên 30 bài báo quốc tế, 2 bằng sáng chế được cấp.
Bàn về kế hoạch nhằm nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên hiện tại, thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước về trường công tác, thầy Hùng cho biết:
“Nhà trường nhận thấy rằng, để đáp ứng được quy mô đào tạo ngày càng tăng và nâng cao chất lượng đào tạo, vận hành các phòng thí nghiệm thì cần phải có sự đầu tư. Trong thời gian tới, căn cứ vào các quy định của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường sẽ xây dựng chính sách đặc thù để thu hút thêm giảng viên về lĩnh vực chip, bán dẫn, đặc biệt là các tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài, có trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm quốc tế, từ đó làm giàu thêm đội ngũ giảng viên của nhà trường, đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ giảng dạy và vận hành tốt nhất các phòng thí nghiệm”.
Bên cạnh việc quan tâm đến đội ngũ giảng viên, chuẩn bị cơ sở vật chất là tiền đề để đáp ứng công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Chia sẻ với phóng viên, thầy Hùng cho hay, nhà trường luôn thực hiện chủ trương đa dạng hóa, xã hội hóa để có nguồn đầu tư tốt nhất cho các chương trình đào tạo nói chung và chương trình về phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng.
“Trong tương lai, nhà trường sẽ ưu tiên đầu tư thêm các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt nhất cho công tác đào tạo và nghiên cứu trong ngành bán dẫn, đặc biệt là ưu tiên vào lĩnh vực đặc thù như: phát triển các phòng thí nghiệm nghiên cứu chip, bán dẫn phục vụ tự động hóa trong quản lý đường cao tốc, phòng thí nghiệm ứng dụng chip bán dẫn trong hệ thống đường sắt cao tốc. Thực hiện các công việc này cũng góp phần đẩy mạnh sản phẩm đầu ra cho chip bán dẫn.
Ngoài ra, nếu được đầu tư phòng thí nghiệm, nhà trường cũng sẽ xem xét bổ sung thêm các trang thiết bị phù hợp, tương thích với phòng thí nghiệm được trang bị, nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả của trang thiết bị”, Phó Hiệu trưởng chia sẻ.
Cùng với xây dựng đội ngũ giảng viên, bổ sung cơ sở vật chất, việc hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo bán dẫn cũng được Trường Đại học Giao thông vận tải đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
Theo đó, Trường Đại học Giao thông vận tải đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp bán dẫn ở trong và ngoài nước như: Dolphin, Qorvo, CoAsia, Zinzai solution, Toshiba, Viettel, FPT,...
Ngoài ra, nhà trường cũng hợp tác chặt chẽ với một số cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài như: Trường Đại học Tokyo, Viện JAIST (Nhật Bản), Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ),…
Bên cạnh đó, nhà trường có những hợp tác khác thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà trường còn có sự tài trợ về phần mềm, chương trình đào tạo, các lớp học nâng cao kỹ năng từ tập đoàn Siemens, Cadence, Synopsys.
Theo chia sẻ của thầy Hùng, chiến lược của nhà trường trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp tham gia đào tạo bán dẫn. Cụ thể như thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với các mối quan hệ của nhà trường, cựu sinh viên,... để mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp theo 3 nhóm mục tiêu: đảm bảo tốt đầu ra cho sinh viên; mời doanh nghiệp tham gia vào dự án nghiên cứu của nhà trường về mảng “Phát triển ứng dụng chip, bán dẫn trong lĩnh vực giao thông vận tải”; tăng cường ký kết hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực theo đặt hàng của doanh nghiệp.
“Với tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ, nhà trường mong chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" sớm được triển khai để các cơ sở giáo dục đại học nói chung, Trường Đại học Giao thông vận tải nói riêng sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, góp phần phát triển đội ngũ phục vụ ngành mũi nhọn quan trọng của đất nước”, thầy Hùng bày tỏ.