ĐH Kinh tế-Luật TPHCM: Đào tạo Quản lý công nhưng không kê chỉ tiêu, số nhập học

Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM không kê khai tổng số giảng viên toàn trường và cơ quan công tác của giảng viên thỉnh giảng.

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trường đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh) được thành lập theo Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 24/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tiền thân của trường là Khoa Kinh tế trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập theo quyết định số 441/QĐ-ĐHQG-TCCB ngày 06/11/2000 của Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thông tin đăng tải trên website, sứ mệnh của trường là “thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội thông qua nghiên cứu, đào tạo và cung ứng dịch vụ chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và luật”.

Tầm nhìn đến năm 2035, Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh trở thành: Trường đại học định hướng nghiên cứu trong kỷ nguyên số; Cơ sở đào tạo đạt chuẩn quốc tế, được xếp hạng trong số các trường đại học có uy tín, người học có tầm nhìn chiến lược và tư duy sáng tạo, đủ năng lực làm việc trong môi trường toàn cầu; Một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và luật.

Hiện Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Tuấn Lộc là Bí thư đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh là hiệu trưởng nhà trường.

Không đề cập thông tin chỉ tiêu, tỷ lệ nhập học của ngành Quản lý công dù trường bắt đầu đào tạo từ 2021

Tại Điều 11, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/7/2022) của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cơ sở đào tạo xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh để thực hiện trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội.

Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2024 (ký ngày 31/3/2024). Theo đó, năm nay, nhà trường tuyển 2.760 chỉ tiêu, trong đó, đại học chính quy 2.600 chỉ tiêu; liên kết quốc tế 160 chỉ tiêu.

Hiện Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 15 ngành, bao gồm: Kinh tế, Kinh tế quốc tế, Toán kinh tế, Quản trị kinh doanh, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Tài chính – Ngân hàng, Công nghệ tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Quản lý công, Hệ thống thông tin quản lý, Luật, Luật Kinh tế.

Theo thông tin tại bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất, căn cứ chỉ tiêu và số trúng tuyển cho thấy Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh một số ngành có thí sinh nhập học cao hơn chỉ tiêu.

Theo đó, năm 2022, có 8/14 ngành có số thí sinh nhập học nhiều hơn chỉ tiêu. Đến năm 2023 cũng có 6/14 ngành có số thí sinh nhập học nhiều hơn chỉ tiêu. Cụ thể như sau:

 Dữ liệu tổng hợp từ Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Dữ liệu tổng hợp từ Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Đáng nói, theo thông tin danh mục ngành được phép đào tạo, nhà trường bắt đầu đào tạo ngành Quản lý công từ năm 2021, năm đã tuyển sinh và đào tạo gần nhất với năm tuyển sinh là 2023. Tuy nhiên, trong bảng điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất lại không đề cập dữ liệu chỉ tiêu, nhập học của ngành này. Được biết, năm 2024, nhà trường có tuyển sinh ngành Quản lý công.

 Ngành Quản lý công, Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu đào tạo từ năm 2021, năm đã tuyển sinh và đào tạo gần nhất với năm tuyển sinh là 2023. Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường.

Ngành Quản lý công, Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu đào tạo từ năm 2021, năm đã tuyển sinh và đào tạo gần nhất với năm tuyển sinh là 2023. Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường.

Bên cạnh đó, theo số liệu về tổng số sinh viên trúng tuyển nhập học năm 2022 của Trường Đại học Kinh tế Luật - Thành phố Hồ Chí Minh là 2282. Tuy nhiên, phóng viên tiến hành cộng dữ liệu nhập học từng ngành lại là 2283.

Theo báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng tại đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31/12/2023, quy mô đào tạo hình thức chính quy như sau:

Đào tạo trình độ tiến sĩ có 131 người, trong đó, lĩnh vực Kinh doanh và quản lý có 42 người, lĩnh vực Pháp luật có 61 người, lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi có 28 người.

Đào tạo trình độ thạc sĩ có 761 người, trong đó thạc sĩ chính quy có 677 người, cụ thể lĩnh vực Kinh doanh và quản lý có 182 người, lĩnh vực Pháp luật có 386 người, lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi có 109 người. Thạc sĩ liên kết đào tạo nước ngoài có 84 người, trong đó, lĩnh vực Pháp luật có 68 người, lĩnh vực Kinh doanh và quản lý có 16 người.

Đối với quy mô đào tạo hệ đại học chính quy có 10.150 sinh viên, trong đó, lĩnh vực Kinh doanh và quản lý có 5.571 sinh viên; lĩnh vực Pháp luật có 2.206 sinh viên; lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi có 2.373 sinh viên.

Ngoài ra, quy mô đào tạo đại học vừa làm vừa học là 601 sinh viên, liên kết đào tạo với nước ngoài 240 sinh viên.

Nhà trường không thống kê tổng số giảng viên toàn trường

Đối chiếu với đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các thông tin về họ và tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, chuyên môn được đào tạo, ngành tham gia giảng dạy ở phần danh sách giảng viên toàn thời gian đều được kê khai đầy đủ theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

 Thông tin giảng viên toàn thời gian được Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh công khai tại đề án tuyển sinh 2024. Ảnh chụp màn hình.

Thông tin giảng viên toàn thời gian được Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh công khai tại đề án tuyển sinh 2024. Ảnh chụp màn hình.

Tuy nhiên nhà trường không thống kê tổng số giảng viên toàn trường theo yêu cầu tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT:

Theo dữ liệu phóng viên thống kê từ Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh có tổng 243 giảng viên cơ hữu và 208 giảng viên thỉnh giảng.

Bên cạnh đó, theo báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu thông tin về giảng viên thỉnh giảng ngoài những mục như đối với giảng viên toàn thời gian thì phải kê khai thông tin về cơ quan công tác, cụ thể theo mẫu sau:

Khi đối sánh với kê khai của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nhà trường không kê khai thông tin về cơ quan công tác của giảng viên thỉnh giảng cũng như không có tổng số giảng viên toàn trường theo quy định.

 Thông tin giảng viên thỉnh giảng được Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh công khai tại đề án tuyển sinh 2024. Ảnh chụp màn hình.

Thông tin giảng viên thỉnh giảng được Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh công khai tại đề án tuyển sinh 2024. Ảnh chụp màn hình.

Ngoài ra, tại chương II Tuyển sinh đào tạo chính quy, Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng không kê khai các nội dung điểm 1.12. việc cơ sở đào tạo thực hiện các cam kết đối với thí sinh giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.

Về tài chính, theo Đề án tuyển sinh năm 2024, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 304 tỷ đồng. Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm liền trước năm tuyển sinh là hơn 21,2 triệu đồng/sinh viên/năm học.

 Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh không đề cập thông tin (họ tên, số điện thoại, email) cán bộ kê khai theo quy định. Ảnh chụp màn hình.

Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh không đề cập thông tin (họ tên, số điện thoại, email) cán bộ kê khai theo quy định. Ảnh chụp màn hình.

Cuối Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng không đề cập đến thông tin của cán bộ kê khai gồm họ tên, số điện thoại liên hệ, địa chỉ email như mẫu tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định.

Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh theo 5 phương thức xét tuyển, bao gồm: Xét tuyển thẳng; Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2024; Xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế kết hợp với kết quả học trung học phổ thông hoặc có chứng chỉ SAT, ACT hoặc bằng tú tài quốc tế IB, chứng chỉ A-lever.

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ:

"Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinhkhông đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;...

Nhi Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dh-kinh-te-luat-tphcm-dao-tao-quan-ly-cong-nhung-khong-ke-chi-tieu-so-nhap-hoc-post243452.gd