ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo Sản xuất và phát triển thuốc theo sát tiêu chuẩn GPs
Đa số cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Dược thường theo hướng đa khoa, chưa chia chuyên ngành cụ thể, chỉ bắt đầu chia chuyên ngành khi đào tạo thạc sĩ.
Sản xuất và phát triển thuốc là một trong ba chuyên ngành thuộc Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2019, Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và 224 cơ sở sản xuất nhà máy trong nước đạt tiêu chuẩn GMP [1]. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc có rất nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp trong giai đoạn mới đầy triển vọng hiện nay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc hướng tới mục đích cơ bản nhất của bào chế là tạo ra được dạng thuốc hợp lý, hiệu quả, an toàn và kinh tế cho người sử dụng. Người học được cung cấp đầy đủ các kỹ năng thao tác dụng cụ, máy móc và lý luận cơ sở trong việc sản xuất thuốc.
Cập nhật chương trình theo sát yêu cầu của Dược điển trong, ngoài nước và tiêu chuẩn GPs
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Chế Quang Minh – Trưởng Bộ môn Bào chế công nghiệp dược, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, chuyên ngành cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về thực vật, dược liệu, dược học cổ truyền, chiết xuất, công nghệ sinh học, bán tổng hợp, tổng hợp trong sản xuất nguyên liệu làm thuốc và vận dụng các kiến thức này để xây dựng quy trình và sản xuất một số nguyên liệu làm thuốc.
Thạc sĩ Chế Quang Minh – Trưởng Bộ môn Bào chế công nghiệp dược, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NTCC)
Học chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc, sinh viên được học kiến thức, kỹ năng về triển khai thực hiện nghiên cứu, phát triển công thức các dạng thuốc, giúp người học đánh giá được vai trò, ảnh hưởng của các thành phần trong công thức, quy trình bào chế, sản xuất đến độ ổn định, an toàn, sinh khả dụng và hiệu quả điều trị của thuốc. Từ đó, xây dựng, triển khai quy trình sản xuất một số dạng bào chế quy ước.
Sinh viên học ngành Sản xuất và phát triển thuốc được cung cấp kỹ năng để thực hiện tổ chức và pha chế một số thuốc tại cơ sở điều trị. Vận dụng một cách phù hợp, trách nhiệm và có đạo đức về những kiến thức dạng bào chế, sinh dược học trong lựa chọn và sử dụng thuốc.
Ngoài ra, sinh viên được trang bị kiến thức về triển khai việc phân tích, kiểm nghiệm thuốc và nguyên liệu làm thuốc theo Dược điển Việt Nam; xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn chất lượng thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Áp dụng được các nguyên tắc thực hành tốt (GPs) trong sản xuất và cung ứng. Từ đó, tham gia xây dựng và áp dụng các quy trình thao tác chuẩn (SOPs) để đảm bảo chất lượng thuốc.
Theo thầy Minh, hiện nay, đa số các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Dược thường đào tạo theo định hướng đa khoa, chưa chia chuyên ngành cụ thể, chỉ bắt đầu chia chuyên ngành khi đào tạo trình độ thạc sĩ.
Điểm đặc biệt trong đào tạo chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là tập trung đào tạo đầy đủ kiến thức đại cương, cơ sở ngành và cốt lõi ngành cho sinh viên trong 4 năm học, giúp sinh viên có nền tảng kiến thức vững chắc. Đồng thời, sinh viên được tăng cường thực hành, thực tế gắn kết với các cơ sở như nhà máy sản xuất. Từ đó, tạo điều kiện cho sinh viên sớm được tiếp xúc với môi trường sản xuất thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Cũng theo thầy Minh, chương trình đào tạo của chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc của nhà trường được thường xuyên cập nhật theo các quy định mới của Bộ Y tế, theo sát các yêu cầu của Dược điển Việt Nam, Dược điển quốc tế và các tiêu chuẩn GPs (tập hợp các nguyên tắc và tiêu chuẩn trong quy trình đảm bảo chất lượng thuốc -PV) mới nhất.
Ngoài ra, chuyên ngành cũng tăng cường các học phần thực hành để nâng cao kỹ năng thao tác dụng cụ, máy móc nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mới về dạng thuốc, đảm bảo tính hiệu quả, an toàn và kinh tế, phù hợp với yêu cầu của Dược điển Việt Nam và một số Dược điển quốc tế như USP (dược điển của Mỹ được chính thức thành lập vào năm 1820 bởi 11 bác sĩ-PV), BP (bộ sưu tập đầy đủ duy nhất các tiêu chuẩn chính thức có thẩm quyền đối với dược phẩm và sản phẩm thuốc của Vương quốc Anh-PV),...
Về vị trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc, theo thầy Minh, sinh viên mới ra trường có thể đảm nhiệm các vị trí như: Nghiên cứu và phát triển thuốc (R&D - Research and Development); Đảm bảo chất lượng thuốc (QA - Quality Assurance); Kiểm nghiệm thuốc (QC - Quality control); làm việc tại các xưởng sản xuất thuốc, kho bảo quản thuốc (GSP - Good Storage Practice). Do nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ chuyên môn cao nên người lao động chuyên ngành này có nhiều cơ hội thăng tiến.
Có chứng chỉ hành nghề Dược là một lợi thế trong tuyển dụng
Để hiểu hơn về chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc, chia sẻ với phóng viên, anh Trần Ngọc Duy - cựu sinh viên chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc (Khóa 2018) Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hiện đang công tác tại bộ phận QA (viết tắt của từ Quality Assurance - giám sát, quản lý và đảm bảo chất lượng) của Công ty cổ phần Dược phẩm Sanofi cho biết, mức thu nhập hiện tại của anh là khoảng 9 triệu đồng/tháng.
Anh Trần Ngọc Duy - cựu sinh viên chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc (Khóa 2018) Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NVCC)
"Chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc đã trang bị cho tôi những kiến thức, kỹ năng thực hành trong sản xuất dược phẩm, cũng như kiểm nghiệm, đảm bảo chất lượng sản phẩm thuốc. Từ đó, giúp cho tôi có thể vận dụng tốt kiến thức đã học vào trong công việc hiện tại", anh Duy chia sẻ.
Ghi nhận ý kiến từ doanh nghiệp về công tác tuyển dụng nhân lực tham gia sản xuất và phát triển thuốc, ông Trần Viết Thanh - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất đầu tư Life Gift Việt Nam cho rằng, khi tuyển dụng, kinh nghiệm thực tế của nhân viên là điều mà hầu hết các doanh nghiệp quan tâm ở bản mô tả của ứng viên.
"Cũng như các ngành nghề khác, đối với sản xuất và phát triển thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc,... chúng tôi rất chú trọng đến trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của ứng viên. Cụ thể, các ứng viên làm việc trong ngành sản xuất và phát triển thực phẩm chức năng, thuốc bảo vệ sức khỏe, thuốc,... cần có bằng tốt nghiệp đại học Dược hoặc tương đương, kinh nghiệm làm việc 1 năm trở lên và có chứng chỉ hành nghề Dược là một lợi thế", ông Thanh cho biết.
Ông Trần Viết Thanh - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất đầu tư Life Gift Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
Cũng theo vị này, tùy vào vị trí công việc, nhà tuyển dụng sẽ có những yêu cầu cụ thể khác. Do vậy, để thích nghi với công việc, làm việc theo đội nhóm và lâu dài, ứng viên cần có sự nhanh nhẹn, linh động, có kỹ năng giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng.
Mức lương của người lao động sẽ phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, bằng cấp và vị trí việc làm. Như các doanh nghiệp trong ngành, mức lương của Dược sĩ có thể dao động từ 9-12 triệu đồng/tháng. Với Dược sĩ chính, phụ trách chuyên môn và có kinh nghiệm cao, mức thu nhập sẽ khoảng 15-50 triệu đồng/tháng. Các vị trí cao cấp hơn sẽ hưởng mức lương cao hơn.
"Chúng tôi luôn quan tâm đến các chính sách về đảm bảo môi trường làm việc tốt nhất cho nhân viên. Ngoài mức lương cạnh tranh, công ty thực hiện chính sách như đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phúc lợi về sức khỏe, kỳ nghỉ lễ, chế độ thai sản, cơ hội đào tạo và phát triển nghề nghiệp, cũng như các hoạt động nhóm,...", Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất đầu tư Life Gift Việt Nam chia sẻ.
Là sinh viên đang học chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc của nhà trường, em Ngô Thị Mỹ Tiên cho biết lý do chọn học chuyên ngành này vì bản thân đam mê nghiên cứu bào chế thuốc. Trong quá trình học chuyên ngành, Tiên được tham gia nhiều môn học với kiến thức sản xuất thuốc rộng và sâu.
Đơn cử, với các môn Sản xuất thuốc 1, 2, 3, Tiên được học nhiều kiến thức mới và khó. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và niềm đam mê, sự giảng dạy nhiệt tình của giảng viên, Tiên đã nắm bắt được kiến thức của các môn học này. Từ đó, Tiên tự tin hơn khi đi thực tập ở các công ty, nhà máy sản xuất dược phẩm.
Với chuyên đề bào chế, một số hệ thống trị liệu mới và thực phẩm chức năng, Tiên cho rằng, đây là 3 môn học vô cùng hấp dẫn và bổ ích, cung cấp cho sinh viên kiến thức về các dạng bào chế mới, hiện đại, cũng như đáp ứng được xu hướng phát triển của ngành Dược trong tương lai.
Sinh viên Ngô Thị Mỹ Tiên. (Ảnh: NTCC)
"Tuy những môn học có khối lượng kiến thức khổng lồ nhưng được thầy cô giảng dạy, định hướng, hỗ trợ, em lĩnh hội được khá nhiều nội dung. Ngoài bài học, thầy cô còn giao chủ đề cho sinh viên tìm hiểu, thuyết trình, giúp chúng em hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng như tìm kiếm tài liệu, chọn lọc thông tin, thuyết trình,...", Tiên chia sẻ.
Chia sẻ thêm, Tiên cho biết, Khoa Dược nói chung và chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc nói riêng mạnh về nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp. Khoa có chính sách hỗ trợ, định hướng, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu; cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ; khen thưởng sinh viên nhằm khuyến khích tham gia nhiều vào các cuộc thi, hoạt động khoa học, việc làm thuộc chuyên ngành.
Bàn về những thuận lợi trong đào tạo chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc, theo Trưởng Bộ môn Bào chế công nghiệp dược, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trong đào tạo lý thuyết, chuyên ngành chú trọng thêm các nội dung như Sản xuất thuốc 1, 2, 3; Chuyên đề bào chế; Một số hệ thống trị liệu mới; Thực phẩm chức năng,...
"Đây là những môn học giúp các bạn sinh viên trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành, các dạng bào chế mới cũng như xu hướng phát triển của sản xuất Dược phẩm trong giai đoạn mới", thầy Minh nói.
Còn với đào tạo thực hành, theo thầy Minh, thông qua việc tổ chức cho sinh viên đi thực hành tại các công ty sản xuất Dược phẩm, sinh viên được rèn luyện kỹ năng, thái độ làm việc. Việc được thực hành thường xuyên giúp sinh viên củng cố kiến thức lý thuyết, xây dựng nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng vững chắc để làm việc sau khi ra trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thầy Minh cũng chỉ ra một số thách thức trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc. Cụ thể, khi thực tập tại các cơ sở, do quy định nghiêm ngặt về GMP (tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng đối với tất cả các lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm yêu cầu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm -PV), cần hạn chế để tránh gây nhiễm và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nên nhà trường thường phải sắp xếp lịch đi thực tập, thực tế cho sinh viên vào những đợt xí nghiệp ít sản xuất. Điều này ít nhiều gây nên những khó khăn trong học thực hành, thực tập của sinh viên.
Ngoài ra, sinh viên các năm đầu nhập học thường chưa được tiếp xúc nhiều và hiểu về môi trường sản xuất dược phẩm nên còn bỡ ngỡ và cảm thấy phân vân khi phải lựa chọn 1 trong 3 chuyên ngành của Khoa Dược.
Từ những hạn chế kể trên, thầy Minh đề xuất, nên lập kế hoạch thực tập từ sớm cho sinh viên để tạo thuận tiện trong việc xếp lịch thực tập, thực tế vào những đợt thuận tiện cho cả sinh viên và xí nghiệp.
Trong quá trình học tập 4 năm, cần tăng cường các môn giới thiệu cho sinh viên về các định hướng nghề nghiệp. Đồng thời, trong quá trình đào tạo, nên tăng cường mở rộng và giới thiệu tính ứng dụng của các môn học vào trong các vị trí việc làm. Từ đó, giúp sinh viên sớm được tìm hiểu và lên kế hoạch chọn được chuyên ngành phù hợp và định hướng học tập đúng đắn.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://a2f.business.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/47822-nganh-duoc-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap