ĐH Thành Đô: Tỷ lệ nhập học thấp, đào tạo từ xa tuyển gấp 2-5 lần ĐH chính quy
Năm 2023, ngành Quản trị văn phòng hệ đào tạo từ xa của Trường ĐH Thành Đô tuyển sinh 100 người, cao gấp 5 lần so với cùng ngành tại hệ đào tạo đại học chính quy
Theo Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Thành Đô được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng tư thục Công nghệ Thành Đô.
Trải qua gần 20 năm hoạt động, hiện Trường đang đào tạo 4 khối ngành: Công nghệ, Kinh tế - Luật, Ngôn ngữ - Khoa học xã hội và Sức khỏe. Nhà trường nêu, sứ mệnh là kiến tạo môi trường giáo dục tích cực, đào tạo và phát triển nhân lực có chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường và xã hội.
Hiện Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thanh Thảo làm Hiệu trưởng.
Chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy tăng 82,2%
Theo Đề án tuyển sinh năm 2023 được trường công bố trên cổng thông tin điện tử vào tháng 5/2023 (trường ghi dự thảo), năm nay, Trường Đại học Thành Đô tuyển sinh 12 ngành đào tạo với 03 phương thức xét tuyển.
Riêng ngành Luật kinh tế năm 2022 trường có tuyển sinh nhưng đến năm 2023, Trường không tiếp tục tuyển sinh ngành học này. Bên cạnh đó, Trường tự chủ mở đào tạo ngành Giáo dục học từ năm 2023 theo Quyết định số 70/QĐ-ĐHTĐ ngày 01/04/2023 của trường.
Năm 2023, Trường Đại học Thành Đô tuyển sinh 1.530 chỉ tiêu cho hệ đại học chính quy, tăng 82,2% so với chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 (840 chỉ tiêu).
Trong đó, một số ngành của Trường có chỉ tiêu tuyển sinh thấp gồm ngành Công nghệ kỹ thuật Điện, Điện tử (50 chỉ tiêu), ngành Quản trị văn phòng (60 chỉ tiêu), ngành Việt Nam học (60 chỉ tiêu), ngành Luật (60 chỉ tiêu) và ngành Giáo dục học (60 chỉ tiêu).
Ngoài ra, căn cứ vào đề án tuyển sinh năm 2023, năm 2022 và năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Dược học có dấu hiệu tăng mạnh. Cụ thể, tuyển sinh ngành Dược học của Trường là 640 chỉ tiêu (năm 2023); 300 chỉ tiêu (năm 2022) và 50 chỉ tiêu (năm 2021).
Theo đó, diện tích sàn xây dựng của hội trường, giảng đường và phòng học các loại, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm thực nghiệm tăng từ 288m2 (năm 2021) lên 1.445m2 (năm 2023). Năm 2022, diện tích sàn xây dựng được giữ nguyên, giống với năm 2021.
Học liệu (e-book, cơ sở dữ liệu điện tử) năm 2021 là 249 số đầu tài liệu và 556 số bản tài liệu. Năm 2023 đã tăng lên 488 số đầu tài liệu và 1040 số bản tài liệu để phục vụ cho lượng chỉ tiêu gia tăng của ngành Dược học.
Theo đề án tuyển sinh 3 năm gần nhất (2021, 2022, 2023), số chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông có nhiều biến động.
Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết quả thi trung học phổ thông là 528 chỉ tiêu, tăng 198 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 (330 chỉ tiêu), nhưng đến năm 2023, chỉ tiêu của phương xét tuyển này lại giảm 158 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2022 với 370 chỉ tiêu.
Đối với các phương thức xét tuyển khác của Trường Đại học Thành Đô lại có xu hướng tăng qua các năm.
Năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển khác là 510 chỉ tiêu, tăng 228 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 (792 chỉ tiêu) và tăng 650 chỉ tiêu, nâng tổng số chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy theo phương thức khác năm 2023 lên 1.160 chỉ tiêu.
Đối với đào tạo từ xa trình độ đại học, theo đề án tuyển sinh năm 2021, trường mở đào tạo từ xa trình độ đại học với 150 chỉ tiêu. Các ngành mở đào tạo từ xa trình độ đại học có chỉ tiêu tuyển sinh thấp hơn từ 3,75 đến 5,3 lần so với cùng ngành hệ đào tạo chính quy.
Tuy nhiên, theo đề án tuyển sinh 2022, Trường không mở chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học.
Nhưng đến năm 2023, trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên 250 chỉ tiêu. Các ngành đào tạo từ xa đều có chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn so với cùng ngành tại hệ đào tạo chính quy từ 2 đến 5 lần.
Cụ thể, ngành Công nghệ thông tin tuyển sinh 100 chỉ tiêu, cao gấp 2,2 lần so với cùng ngành tại hệ đào tạo đại học chính quy; ngành Quản trị văn phòng tuyển sinh 100 chỉ tiêu, cao gấp 5 lần so với cùng ngành tại hệ đào tạo đại học chính quy; ngành Quản trị kinh doanh tuyển sinh 50 chỉ tiêu, cao gấp 2 lần so với cùng ngành tại hệ đào tạo đại học chính quy.
Mặt khác, theo đề án tuyển sinh trong 2 năm gần đây, số người nhập học của Trường Đại học Thành Đô không đáp ứng đủ chỉ tiêu tuyển sinh được phê duyệt của trường.
Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2021 của Trường Đại học Thành Đô là 840 người nhưng chỉ có 361 sinh viên trúng tuyển nhập học. Các lĩnh vực có số sinh viên trúng tuyển nhập học chưa đạt 50% chỉ tiêu tuyển sinh như Công nghệ kỹ thuật (68 sinh viên trúng tuyển nhập học/150 chỉ tiêu tuyển sinh), lĩnh vực Kinh doanh và quản lý (119 sinh viên nhập học/280 chỉ tiêu tuyển sinh), lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi (25 sinh viên trúng tuyển nhập học/80 chỉ tiêu tuyển sinh). Riêng lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân không có sinh viên trúng tuyển nhập học.
So sánh với năm 2022, tuyển sinh hệ đại học chính quy của trường là 1.120 chỉ tiêu nhưng chỉ có 754 sinh viên trúng tuyển nhập học.
Trong đó, lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi tiếp tục chưa đạt chỉ tiêu tuyển sinh với 38 sinh viên trúng tuyển nhập học/80 chỉ tiêu tuyển sinh; lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật có25 sinh viên trúng tuyển nhập học/160 chỉ tiêu tuyển sinh; lĩnh vực Kinh doanh và quản lý với 199 sinh viên trúng tuyển nhập học/280 chỉ tiêu tuyển sinh; lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân (63 sinh viên trúng tuyển nhập học/100 chỉ tiêu tuyển sinh). Như vậy, các lĩnh vực đào tạo của trường năm 2022 đều tăng số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học so với năm 2021 nhưng vẫn chưa hết sổ chỉ tiêu tuyển sinh đề ra.
Số giảng viên cơ hữu là tiến sĩ, thạc sĩ đều giảm
Theo đề án tuyển sinh năm 2023 (dự thảo), tính đến ngày 31/12/2022, số giảng viên cơ hữu chủ trì giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 171 người, trong đó có 20 giảng viên có chức danh phó giáo sư, 51 giảng viên có trình độ đào tạo tiến sĩ và 100 giảng viên có trình độ đào tạo thạc sĩ.
Theo ghi nhận, số giảng viên cơ hữu có trình độ đào tạo thạc sĩ chiếm nhiều nhất với 58,4% tổng số giảng viên cơ hữu toàn trường.
Theo đề án tuyển sinh năm 2022 của trường cũng cho thấy, đa phần giảng viên cơ hữu của trường có trình độ đào tạo thạc sĩ (chiếm 109/193 giảng viên). Còn lại, 9 giảng viên chức danh phó giáo sư, 62 giảng viên trình độ đào tạo tiến sĩ và 13 giảng viên trình độ đại học.
Dựa vào bảng số liệu cho thấy, một số lĩnh vực tại Trường Đại học Thành Đô số giảng viên cơ hữu có biến động nhẹ.
So sánh giảng viên cơ hữu có trình độ đào tạo ở các lĩnh vực do trường này đào tạo theo đề án tuyển sinh năm 2023 được trường đăng vào ngày 19/05/2023 (ghi dự thảo) (tính đến ngày 31/12/2022) và đề án tuyển sinh năm 2022 (tính đến ngày 31/12/2021), số giảng viên có chức danh phó giáo sư tại trường năm 2022 là 20 người, tăng 11 người so với năm 2021. Tiêu biểu tại một số lĩnh vực như Công nghệ kỹ thuật (tăng 2 người), lĩnh vực Sức khỏe (tăng 4 người).
Tuy nhiên, số giảng viên cơ hữu trình độ đào tạo tiến sĩ lại có xu hướng giảm. Năm 2022, trường có 51 giảng viên cơ hữu là tiến sĩ giảm 11 người so với năm 2021 (62 người). Số giảng viên cơ hữu trình độ đào tạo thạc sĩ cũng giảm nhẹ từ 109 người (năm 2021) còn 100 người (năm 2022).
Đáng chú ý, ở báo cáo thống kê cả 2 năm trong đề án tuyển sinh 2022 và 2023 đều cho thấy, nhà trường không có giảng viên cơ hữu là giáo sư.
Mặt khác, thống kê số liệu kết quả khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp, khảo sát ở năm liền kề trước năm tuyển sinh đều trên 90%. Tỷ lệ này được tính toán căn cứ theo tổng số sinh viên phản hồi.
Nhìn vào số liệu thống kê trong đề án tuyển sinh 2023 (dự thảo), có thể thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm của trường tương đối đồng đều, không có ngành nào có tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng 12 tháng sau khi tốt nghiệp dưới 90%.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được công khai tại đề án tuyển sinh 2023 (dự thảo) đều tăng từ 3,58% - 14,83% so với đề án tuyển sinh năm 2022. Riêng một số ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn, tỷ lệ sinh viên có việc làm giảm nhẹ so với năm trước là 1,55%.