ĐHCĐ Dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1): Chuyển đổi số, gia nhập sâu hơn chuỗi dược phẩm toàn cầu để thúc đẩy tăng trưởng
Cạnh tranh giữa các công ty phân phối thuốc ngày càng khốc liệt là động lực và áp lực để CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (CPC1, mã DP1) liên tục đổi mới. Đây là một trong các nội dung được trao đổi, thảo luận tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra sáng 17/4/2025.

Bà Hàn Thị Khánh Vinh, Chủ tịch CPC1 trả lời câu hỏi phần thảo luận
Vượt lên áp lực cạnh tranh gay gắt
Với bề dày hơn 50 năm hoạt động, CPC1 là nhà phân phối thuốc top đầu ở Việt Nam với hơn 3.000 khách hàng và phân phối các sản phẩm của trên 20 công ty nước ngoài được Bộ Y tế cấp phép. Thị trường khối các đơn vị điều trị chiếm trên 50% tổng số khách hàng, bao gồm các bệnh viện trung ương, bệnh viện đa khoa các tỉnh, bệnh viện huyện, các bệnh viện và phòng khám tư nhân.
Tuy nhiên, thách thức từ các biến động môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nói chung và CPC1 không hề nhỏ. Theo bà Hàn Thị Khánh Vinh, Chủ tịch CPC1 chia sẻ tại đại hội, thị phần ETC phân khúc thuốc chất lượng cao nhóm 1 và nhóm 2 có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các sản phẩm sản xuất trong nước và các sản phẩm nhập khẩu khi nhiều doanh nghiệp dược trong nước đã đưa vào vận hành và tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy đạt chuẩn EU- GMP.
Theo báo cáo quý IV/2024 của IQVIA, doanh số ngành dược Việt Nam năm 2024 đạt 8,9 tỷ USD, tăng trưởng 11%. Trong đó, kênh bán lẻ tăng trưởng 12%, kênh bệnh viện tăng trưởng chậm lại với mức tăng trưởng 9% so với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn ba năm gần đây đạt hơn 10% về cả giá trị và khối lượng. Nhìn chung, mọi khía cạnh của lĩnh vực phân phối dược phẩm năm 2024 đều chậm lại so với năm trước, song mức tăng trưởng của thuốc biệt dược gốc được ghi nhận là cao nhất. Ngoài ra, vắc-xin cũng là động lực chính thúc đẩy sự phát triển toàn ngành, đặc biệt là các sản phẩm vắc-xin vi khuẩn với mức tăng trưởng ấn tượng 40%.

Toàn cảnh đại hội
Trong bối cảnh đó, CPC1 đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như mở rộng tập khách hàng và sản phẩm mới, quản trị tài chính, công nợ, kiểm soát hàng tồn kho và đảm bảo dòng tiền cho hoạt động kinh doanh.
Việc áp dụng phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP của Oracle Netsuite đã bước đầu phát huy tác dụng, được triển khai chính thức trong toàn hệ thống từ đầu năm 2025, đây sẽ là bước đột phá trong công tác quản lý, giám sát và tăng cường hiệu quả hoạt động nội bộ.
Thông qua giới thiệu và chỉ đạo của Công ty mẹ, Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP, CPC1 đang làm việc với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản để hợp tác phân phối các sản phẩm dược phẩm/dược sinh học tại thị trường Việt Nam. Trong năm, Công ty đấu thầu tập trung thuốc quốc gia thành công 4 mặt hàng kháng sinh của 1 công ty sản xuất trong nước thực hiện cho 02 năm 2024-2026; phân phối thêm 02 sản phẩm mới của hãng dược nước ngoài.
Doanh thu năm 2024 của CPC1 đạt 2.026 tỷ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch và giảm 6% so với năm 2023, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận đã vượt kế hoạch, đạt 144 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm trước và vượt 20% so với mục tiêu đề ra. Kết quả này thể hiện sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh của CPC1, ưu tiên cải thiện hiệu quả, tối ưu chi phí khi đối mặt với áp lực từ môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt.
Tiến sâu hơn vào chuỗi dược phẩm toàn cầu
Ngành dược phẩm Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ với sự cạnh tranh giữa các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu, cạnh tranh quyết liệt trở thành xu hướng tất yếu. Dù vậy, cơ hội không hề nhỏ khi Việt Nam đang thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) dự kiến đạt 6-8% trong giai đoạn 2023-2028 (theo IQVIA).
Động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam bao gồm những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những điều chỉnh, bổ sung trong Luật Dược sẽ tạo ra môi trường pháp lý rõ ràng, hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành và định hướng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của doanh nghiệp.
Nhu cầu dược phẩm và chăm sóc sức khỏe gia tăng khi Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên tăng từ 11,9% trong năm 2019 lên 15% vào năm 2024 và tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm như tim mạch, alzheimer, ung thư phổi và tiểu đường... ngày càng phổ biến.
Dữ liệu của Fitch Solutions cho thấy, chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm dự báo sẽ tăng từ 1,46 triệu đồng năm 2021 lên mức 2,12 triệu đồng vào năm 2026, với CAGR 7,8%, tương đương 5% thu nhập bình quân hàng năm.

Chủ tịch CPC 1: "Nhiệm vụ trọng tâm của Công ty là tìm kiếm, hợp tác với các nhà sản xuất dược phẩm trong nước và nước ngoài"
Với vai trò là CEO của Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP, bà Hàn Thị Khánh Vinh thường xuyên có các cuộc tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn dược phẩm lớn trong và ngoài nước. Trao đổi với các cổ đông tại đại hội, bà Vinh cho biết “toàn cầu hóa, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng tạo cơ hội mở rộng mạng lưới phân phối, thúc đẩy hợp tác, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Bên cạnh việc duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác với các đối tác hiện nay, CPC1 sẽ thúc đẩy xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác quốc tế từ các nước châu Âu cũng như các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản... Việc này không chỉ giúp công ty đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các công nghệ sản xuất hiện đại, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo lợi thế cạnh tranh trong các cuộc đấu thầu thuốc quốc gia.
Bà Vinh cũng đánh giá, việc triển khai phần mềm Oracle Netsuite ERP là một bước đi quan trọng, giúp tối ưu hóa quy trình quản lý, nâng cao hiệu quả kiểm soát rủi ro và tăng cường khả năng dự báo, hoạch định chiến lược kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, việc thực hiện chuyển đổi số là hết sức bức thiết và là yêu cầu sống còn đối với doanh nghiệp. CPC1 đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý và điều hành nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác nhờ việc tối ưu hóa quản trị, chi phí, lợi nhuận, tương tác nhanh chóng với khách hàng, chính sách chăm sóc và phục vụ khách hàng.
Với kết quả lợi nhuận tăng trưởng 2 con số, đại hội đã thông qua việc chi trả cổ tức 20% bằng tiền mặt, tăng cao hơn con số 18% dự kiến cho năm 2024. Năm 2025, CPC1 đặt kế hoạch doanh thu 2.187 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 128 tỷ đồng, cổ tức 20% bằng tiền mặt.
“Nhiệm vụ trọng tâm của Công ty là tìm kiếm, đàm phán với các nhà sản xuất dược phẩm trong nước và các đối tác nước ngoài để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; Xây dựng và triển khai kênh bán hàng OTC, chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng đảm bảo tính ổn định, an toàn và phát triển bền vững”, bà Vinh trao đổi tại đại hội.