ĐHCĐ Nước giải khát Chương Dương (SCD): Người Thái quyết đẩy mạnh thương hiệu sá xị Chương Dương
Xây dựng kênh phân phối không phụ thuộc vào nhà phân phối và 'hồi sinh' thương hiệu sá xị Chương Dương để tạo ra nhu cầu cao hơn nữa là mục tiêu chính của CTCP Nước giải khát Chương Dương (mã chứng khoán: SCD) sau khi có người Thái vào tiếp quản công ty. Đây là nội dung được truyền tải chính tại ĐHCĐ SCD diễn ra sáng nay (9/4).
Năm 2018, sản lượng tiêu thụ của SCD chỉ đạt hơn 23 triệu lít, giảm 20% so với năm 2017. Thị phần công ty tiếp tục sụt giảm do sự phát triển mạnh của các thương hiệu và năng lực thương mại hạn chế.
Điều này khiến doanh thu thuần năm 2018 của SCD cũng chỉ đạt 278 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn đạt hơn 5 tỷ đồng, trong khi năm 2017 lỗ hơn 3 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tiết kiệm chi phí và lợi nhuận khác.
Ông Neo Gim Siong Bennett, Chủ tịch HĐQT SCD (hiện cũng là Tổng giám đốc SAB) chia sẻ tại đại hội, SCD trước đây vẫn chưa có kế hoạch tổng thể, theo đuổi mục tiêu ngắn hạn và chưa đầu tư đầy đủ vào chặng đường dài của tương lai. Những hạng mục chưa được đầu tư đúng mức là thương hiệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc và con người. Trong thời gian sắp tới, SCD sẽ đầu tư nhiều hơn những yếu tố này.
Cụ thể hơn, ông Neo Hock Tai, Schubert, Tổng giám đốc SCD cho biết, điểm hạn chế của SCD chính là việc đầu tư vào sản phẩm sá xị không đúng mức, không tiếp cận được khách hàng trực tiếp, quá lệ thuộc vào nhà phân phối và cuối cùng là trang thiết bị, cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu của một nhà máy nước giải khát hiện đại.
Dù vậy, HĐQT SCD vẫn trình cổ đông kế hoạch tăng sản lượng bán hàng thêm 7%, ở mức 25 triệu lít, qua đó đặt mục tiêu doanh thu thuần 332,5 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 84%, ở mức 10 tỷ đồng. Theo HĐQT SCD, năm 2019 sẽ là năm cột mốc đánh dấu sự thay đổi của SCD.
Ông Neo Hock Tai, Schubert khẳng định trước đại hội, kế hoạch là khả thi và chắc chắn sẽ đạt được. Cơ sở cho kế hoạch này đến từ sự hỗ trợ của cổ đông lớn là CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SAB) - công ty con của Vietbev (được sở hữu bởi Thaibev).
Năm 2019, SCD sẽ tập trung vào lợi thế thương hiệu trước khi nghĩ đến phát triển sản phẩm mới. Thị trường trọng tâm trước mắt là Việt Nam.
Ngoài ra, đối với kênh phân phối, chiến lược của SCD hiện tập trung ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để tiết giảm chi phí vận chuyển và kiểm soát tốt.
Vừa qua, SCD đã tiến hành các cuộc gặp với các nhà phân phối để làm việc hiệu quả hơn, đồng thời Công ty sẽ phát triển thêm các điểm bán lẻ để tiếp cận sâu sát hơn với người tiêu dùng. Kênh phân phối chính vẫn là kênh truyền thống (GT), kế đến là kênh hiện đại (MT) và phát triển kênh bán hàng trực tuyến và mô hình bán hàng B2B.
Cuối năm 2018, SCD còn 90 tỷ đồng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Theo kế hoạch, SCD sẽ dùng khoản này để tiếp tục di dời và nâng cấp, đầu tư trang thiết bị cho nhà máy Chương Dương. Kế hoạch cụ thể đang chờ phê duyệt từ HĐQT Công ty.
Kết thúc đại hội đã thông qua toàn bộ tờ trình và tiến hành bầu bổ sung thành viên Ban Kiểm soát.