ĐHCĐ Tường An (TAC): Quý III/2020 sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường trình phương án sáp nhập KDC
ĐHCĐ Dầu thực vật Tường An (TAC) diễn ra sáng nay (12/6) có tờ trình chia cổ tức đặc biệt 75%, tương ứng 7.500 đồng/CP. Nguồn lấy từ lợi nhuận còn lại sau chia cổ tức hơn 54 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối, các quỹ còn lại 201 tỷ đồng. Tồng nguồn chi cổ tức hơn 254 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi chia cổ tức còn hơn 700 triệu đồng.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2020, Công ty đã đề ra mục tiêu doanh thu 4.558 tỷ đồng, lợi nhuận 193 tỷ đồng, tăng 10,04% và 13,17% so với thực hiện năm 2019. Cổ tức dự kiến 20% bằng tiền mặt.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch HĐQT TAC cho biết, năm 2020, Công ty sẽ tiếp tục tăng độ phủ kênh phân phối ở một số khu vực mà độ phủ sản phẩm của Công ty chưa cao. Việc phát triển kênh phân phối sẽ theo chiều rộng, sâu và đa kênh để đồng bộ với định hướng sản phẩm của Công ty.
Bên cạnh đó, năm 2020, Công ty cũng sẽ đẩy bán hàng qua kênh online, không mới nhưng phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người dùng hậu dịch Covia.
Chiến lược sản phẩm của TAC tiếp tục chú trọng phân khúc cao cấp và chuyên biệt - ít bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của giá dầu nguyên liệu, biên lợi nhuận cao hơn. Năm 2019, nhóm này có mức tăng trưởng 20% so với năm 2018.
Đồng thời, TAC cũng sẽ tiếp tục đầu tư cho việc nhận diện thương hiệu đối với người tiêu dùng (thường mất 3-5 năm để người dùng nhận biết một thương hiệu sản phẩm).
Đối với giá nguyên liệu đầu vào, bà Hạnh cho biết, năm 2020, giá cả hàng hóa ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nên cũng tác động tới giá nguyên liệu ngành dầu ăn và tại Việt Nam, cũng nằm ngoài diễn biến chung.
Chưa kể đến, từ 2018, giá dầu có diễn biến phức tạp chưa có quy luật và đến quý III/2019, sang quý IV/2019 mới bắt đầu ổn định, điều này đã tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, mục tiêu trong năm 2020 là TAC sẽ xây dựng nguồn cung dầu nguyên liệu hiệu quả để giảm thiểu các tác động này.
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT Kido Group chia sẻ thêm tại đại hội, TAC sẽ sáp nhập vào KDC, nhưng do VOC (cổ đông lớn của TAC đang sở hữu 26,5%) vẫn còn vốn nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) 36,3%. Theo đó, ĐHCĐ chỉ xin chủ trương sáp nhập, còn chi tiết phương án sẽ có ĐHCĐ bất thường dự kiến tổ chức tháng 7-8 để trình và xin ý kiến cổ đông thông qua nội dung này.
Theo ông Nguyên, sau khi sáp nhập, cổ đông sẽ thấy được sức mạnh của sự kết hợp giữa Tập đoàn và các thành viên rất nhiều. KDC sẽ không chỉ sáp nhập TAC, KDF và sẽ cả VOC, đồng thời sẽ quay lại lĩnh vực cốt lõi trước đây. Như vậy, 3 mảng kem, sữa, dầu ăn sẽ được phân phối trên 1 triệu điểm bán hàng, giảm bớt kênh logistic, được hỗ trợ về tài chính, quản trị.
Đại hội tiến hành thảo luận
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, tác động tới hoạt động kinh doanh của TAC ra sao và giải pháp của Công ty?
Đại dịch Covid không chừa một ai, kể cả TAC là đơn vị kinh doanh sản phẩm thiết yếu - tức đầu ra không ảnh hưởng nhưng nếu không có giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất liên tục thì cũng mất cơ hội kinh doanh.
Theo đó, ngay khi có dịch bệnh, Công ty ngay lập tức nhập nguyên liệu để dự trữ và đảm bảo sản xuất. Đồng thời, quán triệt với cán bộ công nhân viên thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, đặc biệt với bộ phận ở khâu sản xuất bởi chỉ cần 1 người trong Công ty bị dương tính Covid, thì ngay lập tức bị cô lập và Công ty không thể sản xuất được.
Công ty cũng đưa kịch bản có nhân viên bị nhiễm bệnh thì giải pháp cho hàng tồn kho như thế nào để đảm bảo cung ứng. Nhờ vậy, biến nguy thành cơ, các tháng sau dịch, TAC cũng tăng trưởng mạnh đến 38% trong tháng 4 và 34% trong tháng 5.
Tăng trưởng kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 của TAC đến từ đâu?
Trong quý I, giãn cách xã hội làm thay đổi hành vi mua sắm rất lớn, thay đổi luôn cơ cấu sản phẩm.
Sản phẩm TAC tập trung bán kênh GT (truyền thống), nên cách ly xã hội sẽ hạn chế khách hàng tiếp cận. Chưa kể việc mua bán nguyên liệu khó khăn hơn, logistic cũng thế.
Theo đó, Công ty phải tính rõ từng nhóm hàng sẽ tập trung kênh nào. TAC đã tính lại tỷ lệ cơ cấu sản phẩm cho mỗi kênh, chẳng hạn kênh online thì có giao hàng online, hầu như các điểm bán trên kênh GT thì tiếp cận từng con hẻm, con phố; thay đổi cơ cấu sản phẩm trong quá trình sản xuất.
Về mặt xã hội, dầu là sản phẩm thiết yếu nên không thể để thiếu hàng. Công ty cũng chủ động việc thay đổi bán hàng.
TAC chưa chủ động được nguồn nguyên liệu và giá nguyên liệu, kế hoạch của Công ty như thế nào?
Toàn bộ dầu thực vật không thể tự sản xuất ở Việt Nam. TAC đã đặt ra vấn đề nguồn cung cấp nguyên liệu, ban đầu dự tính làm vùng trồng ở các nước có thổ nhưỡng phù hợp làm dầu nguyên liệu, nhưng với lợi thế quy mô lớn thì có thể chủ động vấn đề đàm phán về giá dầu.
Theo đó, Công ty chủ động được nguồn nguyên liệu, làm việc với các nhà cung cấp dầu lớn có nguồn trồng nguyên liệu ở Indonesia, Malaysia. Qua đó có thể chủ động tăng/giảm tồn kho, và Công ty cũng có kinh nghiệm trong việc dự báo thị trường, dự báo được sản lượng tiêu thụ trong năm nên cũng chủ động làm việc với nhà cung cấp ngay từ đầu vụ.
Vì vậy, TAC vẫn giữ được giá bán ổn định trên thị trường.
Hầu hết lợi nhuận chia cổ tức, thì kế hoạch đầu tư, nghiên cứu sản phẩm mới như thế nào?
TAC có kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm theo phân khúc trung và cao cấp. Ngân sách đã chuẩn bị cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới.
VNM-KDC hình thành công ty liên doanh, TAC tận dụng như thế nào?
Với liên doanh đồ uống, sẽ kết hợp kênh phân phối là đương nhiên, TAC hiện có 400.000 ngàn điểm bán, và ngành lạnh 100.000 điểm bán.
Thanh khoản cổ phiếu TAC thấp, Công ty có giải pháp gì?
Chúng tôi nghĩ về giải pháp này rất nhiều. KDC đã có chủ tương sáp nhập thì một trong những mục tiêu là cải thiện thanh khoản. Khi thanh khoản thấp thì việc chủ động trong đầu tư bị hạn chế, cổ đông và kinh doanh đều không muốn. Chúng tôi kỳ vọng, sau khi sáp nhập, thanh khoản sẽ được cải thiện đáng kể.
Sáp nhập vào TAC theo phương thức nào, tỷ lệ cụ thể?
Công ty sẽ trình bày trong ĐHCĐ bất thường. Nếu điều kiện thuận lợi, đủ điều kiện pháp lý, thì dự kiến tổ chức ĐHCĐ bất thường trong quý III.
Vừa qua KDF sáp nhập KDC có mời 2 công ty tư vấn: tư vấn thẩm định giá trị doanh nghiệp và thẩm định về giá cổ phiếu trên thị trường, đồng thời tính toán luôn giá quy đổi các phiên trên thị trường.
Và việc TAC khi sáp nhập vào KDC thì KDC đã có vị thế khác trước vì đã sáp nhập xong KDF.
Đối tượng nhận cổ tức đặc biệt 75% là ai?
Cổ đông trước thời điểm chốt danh sách cổ đông sẽ được nhận. Còn thời điểm chốt thì ủy quyền cho HDQT TAC quyết định và thông báo tới cổ đông sau.