ĐHCĐ VietinBank: Trong cơ cấu nợ xấu có một khoản lớn đang được xử lý
Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) Vietinbank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý I/2025 ở mức 1,3%. Trong cơ cấu nợ xấu có một khoản lớn đang được xử lý và dự kiến trong quý II sẽ giúp tỷ lệ này giảm xuống dưới 1,3%.
Sáng 18/4, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã CK: CTG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. Tại đại hội, Ban lãnh đạo ngân hàng này thể hiện sự lạc quan với các kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ, chiến lược số hóa và tăng vốn điều lệ quy mô lớn.
Kỳ vọng tăng trưởng mạnh bất chấp thị trường tín dụng trầm lắng
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Trần Minh Bình, cho biết ngân hàng đã đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2024 bất chấp môi trường kinh doanh nhiều thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành gặp khó khăn, VietinBank vẫn đạt mức tăng trưởng tín dụng 16,8%, cao hơn mức trung bình của hệ thống. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2025 của ngân hàng ước đạt 6.582 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý I/2025 ở mức 1,3%. Theo lãnh đạo Vietinbank, trong cơ cấu nợ xấu có một khoản lớn đang được xử lý và dự kiến trong quý II sẽ giúp tỷ lệ này giảm xuống dưới 1,3%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối năm 2024 đạt 171,7%, tăng so với mức 167,2% năm 2023. VietinBank đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này vượt mốc 200% trong năm 2025, nhằm tăng khả năng chống chịu rủi ro.
Chia sẻ về kế hoạch năm 2025, Chủ tịch Trần Minh Bình nhấn mạnh ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 5–10%, dư nợ tín dụng tiếp tục giữ nhịp tăng cao với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt khoảng 15%, song có thể vươn đến 16% nếu nền kinh tế hồi phục tích cực. Tỷ lệ nợ xấu phấn đấu dưới 1,8%, trong đó mục tiêu thực tế có thể ở mức thấp hơn đáng kể nhờ tiến trình xử lý nợ hiện tại. Dù tình hình hấp thụ tín dụng trong những tháng đầu năm chưa cao, ban lãnh đạo tin rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ tăng đều trong các quý tiếp theo, theo đúng quy luật hàng năm.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ Vietinbank 2025
Một trong những điểm đáng chú ý tại đại hội lần này là chiến lược tái cơ cấu mạng lưới giao dịch. Chủ tịch Trần Minh Bình tiết lộ VietinBank sẽ là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big4 thực hiện cắt giảm hàng loạt điểm giao dịch để tập trung đầu tư vào nền tảng số. “Dự kiến sẽ có vài trăm điểm giao dịch bị cắt giảm, được thay thế bằng ứng dụng và các nền tảng số hiện đại hơn, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa vận hành”, ông nói. Chiến lược tinh gọn này được kỳ vọng sẽ tăng cường hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngân hàng.
Về kết quả kinh doanh đến thời điểm hiện tại, Tổng Giám đốc VietinBank Nguyễn Trần Mạnh Trung cho biết, đến ngày 15/4, tổng tài sản của ngân hàng đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,7%, trong khi huy động vốn đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 6%. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ quý I/2025 ước đạt 9.417 tỷ đồng, tăng mạnh gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tính theo Thông tư 31 hiện dao động từ 1,36% đến 1,46%, còn theo phương pháp thông thường là khoảng 1,66%.
Ngân hàng cũng đặt mục tiêu chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đạt 16-18%, ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) trên 1%, hệ số CIR (chi phí trên thu nhập) duy trì ở mức 30%, và chi phí tín dụng kiểm soát dưới 2%. Tỷ lệ CASA – tiền gửi không kỳ hạn – sẽ nỗ lực giữ ở mức 25%, tương đương năm 2024, trong bối cảnh thị trường tiền gửi có nhiều cạnh tranh.
Chia cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ vượt 105.000 tỷ đồng
Một nội dung được cổ đông đặc biệt quan tâm là chính sách chia cổ tức và kế hoạch tăng vốn điều lệ. Đại hội đã thông qua phương án phát hành gần 2,4 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức giai đoạn 2009–2016, nâng vốn điều lệ từ 53.700 tỷ đồng lên 77.671 tỷ đồng, tăng hơn 44,6%. Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận giữ lại các năm 2009–2016, 2021 và 2022. Số cổ phiếu phát hành sẽ được phân bổ cho cổ đông hiện hữu, thời điểm phát hành cụ thể sẽ do HĐQT quyết định sau khi có chấp thuận từ cơ quan quản lý.
Ngoài ra, VietinBank còn có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2023 (12.565 tỷ đồng) và 2024 (15.597 tỷ đồng), nâng vốn điều lệ sau cùng lên hơn 105.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ năm 2024 đạt 24.259 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ thì lợi nhuận giữ lại là gần 15.600 tỷ đồng, dự kiến được sử dụng chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Chia sẻ về lý do chưa chia cổ tức bằng tiền mặt, Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết VietinBank hiện có vốn điều lệ nhỏ so với nhu cầu tăng trưởng dài hạn. Việc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn là phương án tối ưu nhằm đảm bảo an toàn vốn và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế như Basel II, hướng tới Basel III. Trong trung hạn ba năm tới, ngân hàng định hướng tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt. Ông cũng khẳng định việc chia cổ tức còn phụ thuộc vào ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền và các cổ đông lớn, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước – cổ đông chiếm 54,46% vốn tại VietinBank.
Tổng Giám đốc Nguyễn Trần Mạnh Trung nói thêm rằng mọi quyết định liên quan đến cổ tức đều phải được phê duyệt từ các bộ ngành chủ quản. Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang cần vốn để tăng trưởng và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn, phương án giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư là phù hợp và cần thiết.
Liên quan đến tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là các chính sách thuế đối ứng từ Mỹ, ông Trần Minh Bình cho biết VietinBank đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua Hội đồng cố vấn kinh tế bao gồm nhiều chuyên gia đầu ngành. Dù chưa đưa yếu tố này vào mô hình kinh doanh năm 2025 do khó định lượng tác động cụ thể, nhưng ngân hàng đã xây dựng các kịch bản dự phòng trong trường hợp tình hình diễn biến bất lợi. VietinBank cũng đang theo dõi sát các diễn biến đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch nếu cần thiết.
Trong nước, ngân hàng đang tích cực bám sát các dự án đầu tư công lớn – một động lực tăng trưởng quan trọng trong năm 2025. Ban lãnh đạo cho biết đã làm việc với nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước để tiếp cận các dự án có quy mô lớn, đồng thời chuẩn bị nguồn vốn và dịch vụ để cung ứng khi cần thiết. Đây là một phần trong chiến lược tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, tập trung vào các lĩnh vực có hiệu quả và ít rủi ro.
Về mặt nhân sự, ĐHĐCĐ năm nay cũng thông qua việc miễn nhiệm ông Nguyễn Đức Thành khỏi vị trí Thành viên HĐQT để bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc VietinBank. Đồng thời, đại hội thống nhất bầu bổ sung ông Nguyễn Vân Anh – hiện là Cục trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước – làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới. Ngoài ra, ngân hàng cũng bầu bổ sung 4 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024–2029.
Kết luận đại hội, ban lãnh đạo VietinBank cam kết tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững, cải thiện hiệu quả hoạt động và đảm bảo lợi ích dài hạn cho cổ đông trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động. Với các chỉ tiêu tham vọng và chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ, năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm tăng tốc của VietinBank trên cả phương diện kinh doanh lẫn tái cấu trúc tổ chức.