ĐHĐCĐ 2025: CII đặt mục tiêu lợi nhuận giảm, giữ cổ tức tiền mặt 12%
Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2025 giảm còn 335 tỷ đồng, nhưng cam kết duy trì cổ tức tiền mặt 12%, tương đương năm 2024.
Kế hoạch trên được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (HoSE: CII), diễn ra sáng 18/4 với sự tham dự của cổ đông đại diện 53,72% cổ phần có quyền biểu quyết.

Kế hoạch lợi nhuận thấp do khác biệt kế toán
Năm 2025, CII đặt mục tiêu tổng doanh thu 3.888 tỷ đồng, giảm 10,2% so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ dự kiến đạt 335 tỷ đồng.
Lý giải về kế hoạch lợi nhuận có phần thận trọng, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII, cho rằng con số này chưa phản ánh hết lợi nhuận thực tế do sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và quốc tế (IFRS), đặc biệt trong việc ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ các dự án BOT giao thông và bất động sản.
Ông Bình dẫn ví dụ dự án NBB Garden III (nay đổi tên thành Jasari 577). Công ty bắt đầu đền bù từ năm 2008, dự kiến xây dựng và bán hàng năm 2026, bàn giao năm 2028. Theo quy định hiện hành, toàn bộ lợi nhuận chỉ được hạch toán vào năm bàn giao (2028), dù quá trình triển khai kéo dài 20 năm. Tương tự, các dự án BOT có doanh thu tăng dần nhưng chi phí lãi vay lại cao nhất trong những năm đầu, dẫn đến việc có thể ghi nhận lỗ trong giai đoạn đầu và lãi cao đột biến vào cuối chu kỳ thu phí, không phản ánh đúng dòng tiền thực.
"CII đang kiến nghị Bộ Tài chính cho phép áp dụng cơ chế kế toán đặc thù đối với doanh nghiệp dự án BOT, cho phép xác định lại giá trị thu hồi ước tính của dự án hàng năm", ông Bình nói.
Dù mục tiêu lợi nhuận kế toán thấp, công ty vẫn tự tin duy trì mức cổ tức tiền mặt 12% cho năm 2025 (tương đương mức cổ tức 2024 vừa được thông qua), dựa trên nguồn lợi nhuận lũy kế còn lại hiện khoảng 1.700 tỷ đồng.
Lên kế hoạch tăng vốn, tập trung hạ tầng chiến lược
Để bổ sung vốn, Đại hội đã thông qua việc điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu thưởng (tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu) với tỷ lệ 14%. Theo đó, CII dự kiến phát hành thêm hơn 76,9 triệu cổ phiếu trong năm 2025, nâng vốn điều lệ từ 5.494,8 tỷ đồng lên 6.264 tỷ đồng.
Về định hướng chiến lược, ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT, cho biết công ty sẽ tập trung vận hành ổn định các dự án BOT hiện hữu, đẩy nhanh pháp lý các dự án bất động sản, tái cấu trúc nguồn vốn và thanh toán nợ vay để giảm chi phí lãi. Đặc biệt, CII sẽ tập trung đầu tư vào các dự án hạ tầng chiến lược để tạo động lực tăng trưởng dài hạn.
Ít bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng, M&A dự án BOT sắp hoàn tất
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tác động của việc Mỹ có thể áp thuế đối ứng, ông Lê Quốc Bình cho rằng ảnh hưởng đến CII sẽ không lớn. Công ty không vay nợ bằng USD, nguồn thu 100% bằng nội tệ và tài sản chủ yếu là hạ tầng trong nước. Rủi ro chính nếu thị trường biến động mạnh là lãi suất, do đặc thù ngành hạ tầng có tỷ lệ nợ vay cao (tại cuối năm 2024, nợ vay của CII là 20.346 tỷ đồng, gấp 2,23 lần vốn chủ sở hữu). Tuy nhiên, công ty đã có kế hoạch dự phòng.
Về tiến độ M&A một dự án BOT đã được đề cập tại đại hội năm trước, ông Bình cho biết về cơ bản đã hoàn tất thỏa thuận và sẽ công bố chính thức khi hoàn thành các thủ tục cuối cùng.
Đối với dự án NBB Garden III (Jasari 577), ông Bình khẳng định công ty và các đơn vị thành viên (như CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy - NBB) luôn thực hiện đúng cam kết với khách hàng đã mua sản phẩm trước đây.
Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Lưu Hải Ca và bầu bổ sung ông Lê Phạm Ngọc Phương (sinh năm 1977, Cử nhân Kế toán kiểm toán). Ông Phương hiện là Phó Tổng giám đốc điều hành tại CTCP Logistic BHG Long Thành và từng giữ các vị trí quản lý cấp cao tại Capella Holdings, Lothamilk.
Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đã được cổ đông thông qua.