ĐHĐCĐ 2025 Điện Gia Lai (GEG) lãi quý đầu năm tăng gấp 4, gần hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 (cho năm tài chính 2024) tổ chức sáng 29/4, Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (HoSE: GEG) đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 đầy tham vọng. Đồng thời, công ty cũng công bố báo cáo tài chính quý 1/2025 với kết quả lợi nhuận tăng trưởng đột biến, gần như hoàn thành mục tiêu cả năm chỉ sau ba tháng.

Đại hội đồng cổ đông đã thông qua kế hoạch năm 2025 với tổng doanh thu gần 3.400 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 777 tỷ đồng, tăng trưởng tới gần 330% so với năm trước.

Kế hoạch lợi nhuận cao này được lý giải đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh lõi của GEG và một phần quan trọng từ việc hồi tố giá trị đã thực hiện tại dự án điện gió Tân Phú Đông 1 (TPĐ1) từ khi vận hành thương mại (COD) đến khi ký phụ lục hợp đồng mua bán điện (PPA) chính thức. Khoản hồi tố giá trị này (chưa bao gồm VAT) ước tính khoảng 443 tỷ đồng.

Được biết, kể từ thời điểm vận hành thương mại vào ngày 31/5/2023, giá bán điện tại dự án TPĐ1 được tính theo mức giá tạm tính từ Bộ Công Thương, tương đương 50% giá trần. GEG cho biết, vào ngày 26/3/2025, công ty đã chính thức ký kết phụ lục PPA theo cơ chế giá chuyển tiếp cho TPĐ1 với mức giá mới là 1.813 đồng/kWh (tương đương khoảng 7,8 cent).

Định hướng cho năm 2025, GEG cho biết sẽ tiếp tục tối ưu hóa công tác vận hành tại các nhà máy hiện có, đồng thời phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh năng lượng lõi từ danh mục các dự án năng lượng hiện hữu và tiềm năng đã được phát triển trong thời gian qua.

Công ty sẽ triển khai giai đoạn 2 của các dự án năng lượng tái tạo đã phát triển, phù hợp với định hướng của Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) điều chỉnh. Đồng thời, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho các dự án đang sở hữu và tham gia các chương trình đấu thầu kêu gọi đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo mới.

Về phân phối lợi nhuận, đại hội thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2025 cho cổ đông nắm cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi, mức chi là 6% nhân với tỷ lệ điều chỉnh. Ngoài ra, GEG cũng được thông qua kế hoạch mua lại hơn 7,7 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi phát hành năm 2022, với giá mua lại tối đa 10.936 đồng/cổ phiếu.

Tích cực phát triển dự án điện tái tạo mới

Chia sẻ tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Thái Hà cho biết GEG đã tập trung tìm kiếm, khảo sát các địa điểm thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo. Trong năm 2025 và thời gian tới, công ty sẽ triển khai một số dự án quan trọng.

Đầu tiên là dự án Thủy điện nhỏ Ea Tih, công suất 10 MW, HĐQT đã có nghị quyết về triển khai thi công. Kế đến là dự án Điện mặt trời Đức Huệ 2 – dự án đã được GEG phát triển trước đây nhưng gặp vướng mắc pháp lý, nay đã trở lại QHĐ8 điều chỉnh và đang hoàn thành thủ tục xin gia hạn chủ trương đầu tư tại Long An. "Sau khi hoàn tất, dự án sẽ được trình HĐQT để thi công trở lại với mục tiêu đóng điện thương mại sớm nhất", bà Thái Hà cho biết.

Thứ ba là dự án điện gió VPL2, công suất 30 MW, hiện đã sẵn sàng về hạ tầng và các yếu tố cần thiết, nằm gần cụm điện gió VPL1 đang vận hành. Bà Hà chia sẻ, trong năm 2025, GEG sẽ triển khai các thủ tục liên quan để trình HĐQT phê duyệt nhằm triển khai nhóm dự án này (Ea Tih, VPL2, Đức Huệ 2) với tổng công suất khoảng 100 MW.

Bên cạnh đó, bà Hà tiết lộ GEG còn có danh mục dự án tiềm năng trong QHĐ8 điều chỉnh, bao gồm thủy điện tích năng, điện gió, điện mặt trời và lưu trữ năng lượng, với tổng công suất hơn 1 GW. Tuy nhiên, các dự án này sẽ được Bộ Công Thương chuyển về các tỉnh để thực hiện đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định mới, nên còn phụ thuộc vào các bước thủ tục pháp lý tiếp theo. GEG khẳng định tất cả các dự án trong danh mục này đều đã được công ty trực tiếp theo đuổi và phát triển.

Thoái vốn Thủy điện Trường Phú để tập trung dự án chi phối

Dù tích cực phát triển điện tái tạo, GEG vừa qua đã tiến hành thoái vốn khỏi dự án Thủy điện Trường Phú (GEG nắm 25% vốn). Tổng Giám đốc GEG giải thích, việc thoái vốn khỏi dự án công ty không nắm quyền chi phối nhằm tập trung nguồn lực vào các dự án có tỷ lệ chi phối. Ngoài ra, việc này giúp thu hồi nguồn vốn khoảng hơn 200 tỷ đồng làm vốn tự có, ưu tiên phát triển các dự án mới tiềm năng và cơ cấu hoạt động tài chính. Tiến độ thoái vốn đang được tiến hành tích cực và thông tin chi tiết sẽ được công bố sớm.

Thay đổi nhân sự đại diện từ cổ đông lớn Jera

Về nhân sự, Đại hội đã thông qua việc miễn nhiệm và tái bổ nhiệm 2 Thành viên HĐQT do hết nhiệm kỳ đối với ông Tân Xuân Hiến (Chủ tịch HĐQT) và bà Phạm Thị Khuê (Thành viên HĐQT độc lập).

Đồng thời, Đại hội thông qua đơn từ nhiệm của 2 Thành viên HĐQT đương nhiệm là ông Simon Mark Wilson và ông Toshihiro Oki – 2 đại diện từ cổ đông lớn Jera Co., và tiến hành bầu bổ sung 2 đại diện khác từ Jera vào HĐQT là ông Eiji Hagio và ông Mark Houghton Scott Leslie.

Lãi quý 1 tăng gấp 4 lần, gần hoàn thành kế hoạch năm

GEG cũng vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 với kết quả vượt trội. Doanh thu thuần đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ, với doanh thu bán điện chiếm 99%. Lãi gộp tăng mạnh lên 826 tỷ đồng, chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu từ dự án TPĐ1 với giá bán điện chính thức. Biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ 57% lên hơn 74%.

Trong đó, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 329 triệu kWh, tăng gần 50%. Điện gió đóng góp lớn nhất với gần 206 triệu kWh sản lượng và 822 tỷ đồng doanh thu (chiếm 62% sản lượng và 75% doanh thu bán điện). Điện mặt trời ghi nhận sản lượng gần 92 triệu kWh và 210 tỷ đồng doanh thu (chiếm 28% sản lượng và 19% doanh thu). Thủy điện cung cấp 32 triệu kWh sản lượng và 61 tỷ đồng doanh thu (chiếm 7% sản lượng và 8% doanh thu bán điện).

Chi phí tài chính của GEG giảm mạnh 24%, còn 187 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay. Kết quả cuối cùng, GEG báo lãi sau thuế 378 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Với kết quả này, chỉ sau quý đầu năm, GEG đã hoàn thành tới 89% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm được ĐHĐCĐ thông qua.

Về tình hình tài chính, tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của GEG đạt hơn 15.700 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn tăng 38%, đạt gần 1.900 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi nắm giữ tăng nhẹ, đạt 408 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả ghi nhận hơn 9.300 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm, phần lớn là nợ vay. Tuy nhiên, chỉ 830 tỷ đồng là nợ ngắn hạn. Hệ số khả năng thanh toán lãi vay được cải thiện mạnh mẽ ở mức 2,1 lần, đảm bảo khả năng trả lãi của doanh nghiệp.

Đồng Y

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/dhdcd-2025-dien-gia-lai-geg-lai-quy-dau-nam-tang-gap-4-gan-hoan-thanh-ke-hoach-loi-nhuan-ca-nam-82688.html