ĐHĐCĐ Gemadept: Tiếp tục lên kế hoạch mở rộng cảng Gemalink và Nam Đình Vũ
Sáng 9/6, Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD - sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Trong năm 2023, Gemadept đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 3.920 tỷ đồng, bằng 103% so với kế hoạch năm 2022 (kế hoạch doanh thu 3.800 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế dự kiến 1.136 tỷ đồng, bằng 114% so với kế hoạch năm 2022 (kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng).
Triển khai đầu tư mở rộng cảng Gemalink và cảng Nam Đình Vũ
Về định hướng kinh doanh trong năm 2023, Gemadept cho biết sẽ tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm nhằm mở rộng quy mô và tạo tiền đề cho các kế hoạch tăng trưởng dài hạn giai đoạn 2021-2025, định hướng tầm nhìn 2030. Trong đó, Dự án cảng nước sâu Gemalink - Giai đoạn 2 với quy mô 39ha, công suất 1,5 triệu TEU/năm, cỡ tàu tiếp nhận 250.000 DWT, dự kiến chuẩn bị triển khai trong năm 2023 và hoàn thành giai đoạn 2.1 vào năm 2025 và giai đoạn 2.2 vào năm 2027.
Dự án cảng Nam Đình Vũ - Giai đoạn 3 với diện tích hơn 25 ha; công suất 600.000 TEU/năm (đối với hàng container) và 3 triệu tấn/năm (đối với hàng tổng hợp); cỡ tàu tiếp nhận 48.000 DWT; và dự kiến triển khai trong quý IV/2023, mục tiêu đưa vào khai thác từ cuối năm 2025.
Gemadept chia sẻ tiếp tục kế hoạch thoái vốn dự án bất động sản và dự án trồng rừng tại Campuchia cho đối tác tiềm năng, từ đó đảm bảo tập trung nguồn lực và dòng tiền cho các dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Được biết, dự án trồng rừng tại Campuchia của Gemadept có lợi thế về quy mô, tính liền thửa, liền mạch, diện tích lên đến gần 30.000 ha và đảm bảo năng suất khai thác tốt.
Cổ tức tiền mặt 20% năm 2022
Về cổ tức, năm 2022, Công ty thông qua kế hoạch cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 20% và ủy quyền cho Hội đồng quản trị triển khai việc chi trả.
Về kế hoạch huy động vốn, Gemadept thông qua việc tạm dừng kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã thông qua ngày 25/4/2022. Trong đó, lý do được Công ty đưa ra do điều kiện thị trường chưa thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện phương án phát hành; trên cơ sở kết quả kinh doanh năm 2022 và việc hoàn thành chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ, Công ty đảm bảo được dòng tiền và nguồn vốn để triển khai các dự án và kế hoạch kinh doanh năm 2023; và Công ty giao cho HĐQT nghiên cứu và trình lại Đại hội đồng cổ đông xem xét và thông qua phương án phát hành mới khi điều kiện thị trường thuận lợi và phù hợp với nhu cầu vốn của Công ty.
Ngày 31/5/2023, Gemadept công bố thông tin về việc hoàn tất thoái vốn toàn bộ cổ phần của Công ty tại Cảng Nam Hải Đình Vũ nhằm tập trung nguồn lực phát triển cụm Cảng Nam Đình Vũ trở thành cảng sông lớn nhất miền Bắc, đây là thỏa thuận cùng Win - Win.
Ở một diễn biến đáng lưu ý khác, ngày 24/5/2023, Gemadept tổ chức lễ khai trương giai đoạn 2 của Cụm cảng Nam Đình Vũ. Trong đó, diện tích toàn cụm cảng là 65ha, tổng công suất thiết kế 3 giai đoạn là 2 triệu TEU/năm. Sở hữu 7 cầu bến kéo dài 1,5 km và năng lực tiếp nhận cỡ tàu container lên tới 48.000 DWT, khi hoàn thiện, Cụm cảng Nam Đình Vũ là cảng sông lớn nhất và quy mô nhất tại miền Bắc, có thể đón được các tàu feeder, tàu nội Á lớn nhất khu vực cảng sông.
Về nhân sự, đối với nhiệm kỳ mới 2023 - 2028, Gemadept bầu Hội đồng quản trị gồm 10 người, trong đó 3 thành viên độc lập và Ban kiểm soát.
Phần thảo luận trong Đại hội:
Gemadept có kế hoạch huy động tín dụng xanh?
Đại diện Gemadept chia sẻ với mối quan tâm ngày càng tăng về chủ đề ESG (phát triển bền vững), Chính phủ thiết lập lộ trình cho Trung hòa Carbon vào năm 2050, và hành động cụ thể Gemadept đã và đang triển khai nhằm phát triển hệ sinh thái Cảng - Logistics xanh hơn và thông minh hơn.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc chia sẻ về mục tiêu huy động vốn xanh, Công ty đi đầu trong ESG, Công ty vừa truyền thông nội bộ, cũng như liên kết với đối tác và khách hàng cùng phát triển xanh. Trong đó, Gemadept là đơn vị tiên phong đi đầu trong lĩnh vực.
Hiện tại, Công ty đã là một trong các doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam kiểm kê phát thải khí nhà kính tại Cảng Nam Đình Vũ và Cảng Gemalink, dự kiến sẽ áp dụng các cảng còn lại trong thời gian tới.
“Đã có tổ chức, ngân hàng làm việc với Gemadept để cấp tín dụng xanh, Công ty sẽ công bố trong thời gian tới”, ông Bình chia sẻ thêm.
Liệu có cổ tức đặc biệt sau khi thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ?
Việc thoái toàn bộ cổ phần tại Cảng Nam Hải Đình Vũ, Công ty ước tính lợi nhuận công ty mẹ trên 2.000 tỷ đồng, việc ghi nhận lợi nhuận dự kiến ghi nhận trong quý III/2023.
Về cổ tức, năm 2023, Công ty thông qua kế hoạch lãi 1.136 tỷ đồng, cộng với lợi nhuận của Nam Hải Đình Vũ hơn 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sẽ hơn 3.000 tỷ đồng, Công ty sẽ cân nhắc xem có cổ tức đặc biệt hay không khi kết thúc năm tài chính và trình Đại hội kế tiếp.
Việc kỳ vọng cổ tức đặc biệt như năm 2018 nếu có sẽ không cao như vậy, việc Công ty chưa phát hành thêm cổ phiếu nên sẽ dùng nguồn vốn, dòng tiền từ thoái vốn để có thể bổ sung nguồn vốn tái cấu trúc dòng tiền, triển khai các dự án lớn như Nam Đình Vũ giai đoạn 3 và Gemalink giai đoạn 2, đồng thời nghiên cứu hoạt động M&A, với số tiền tích lũy và thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ, con số này được dùng để bổ sung vốn phát triển dự án.
Công ty có kế hoạch giảm giá dịch vụ tại nhóm cảng Hải Phòng?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Từ trước giờ, Công ty không có chủ trương giảm giá dịch vụ, Công ty linh hoạt trong điều hành, có nhiều giải pháp. Trong đó, giảm giá dịch vụ là bước cuối cùng, Công ty sẽ phát triển hệ sinh thái làm sao tổng lợi nhuận cao nhất, áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất. Khi quy mô kinh doanh lớn, điều này sẽ giảm giá vốn, tăng lợi thế cạnh tranh của Công ty.
Việc thoái vốn mảng cao su tại Campuchia khi nào?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Đối với dự án cao su, thoái vốn càng nhanh, càng tốt, cố gắng làm trong năm 2023, nếu không được mới chuyển sang năm 2024. Trong đó, Công ty đã chỉnh trang lại dự án, hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị hồ sơ và tài liệu để chủ động đi các nơi, mục tiêu cố gắng thoái vốn trong năm 2023.