ĐHĐCĐ VietinBank: Không chia cổ tức tiền mặt, tăng vốn điều lệ lên 77.671 tỷ đồng
Sáng nay (18/4), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025.

Đại hội thông qua phương án chia cổ tức 44,6% để tăng vốn từ 53.700 tỷ đồng lên 77.671 tỷ đồng. Theo đó, VietinBank dự kiến phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận giữ lại các năm 2021, 2022 và giai đoạn 2009 - 2016. Đại hội đồng cổ đông sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm phát hành cụ thể sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Toàn bộ số vốn tăng thêm sẽ được dùng để phục vụ kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và mở rộng hoạt động tín dụng, đầu tư, các hoạt động kinh doanh khác.
VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng. Lãnh đạo ngân hàng khẳng định, đây là phương án tối ưu để đảm bảo an toàn vốn và lợi ích cổ đông dài hạn, trong bối cảnh cổ phiếu CTG có thanh khoản tốt và tiềm năng tăng giá vẫn còn lớn.
Trả lời chất vấn của cổ đông về việc không chia cổ tức tiền mặt, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, vốn điều lệ của VietinBank là rất nhỏ, kể cả có tăng vốn thêm 45% thì vẫn nhỏ so với nhu cầu tăng trưởng. Do đó, để đảm bảo an toàn vốn và tăng trưởng, ngân hàng cần tăng vốn điều lệ. Chưa kể, VietinBank không thể tự quyết được việc chia cổ tức, vì còn phụ thuộc vào ý kiến của các bộ ngành chủ quản.
Tổng giám đốc Nguyễn Trần Mạnh Trung cho biết thêm, về chính sách cổ tức, mọi quyết định, từ tỷ lệ cho tới hình thức chia - tiền mặt hay cổ phiếu đều phải chờ ý kiến của các bộ chủ quản, cổ đông lớn, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước.
"Năm 2025, chúng tôi chưa có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt, mà sẽ tăng vốn bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Lý do là ngành ngân hàng hiện rất cần tăng vốn để đáp ứng yêu cầu của Basel II, hướng đến Basel III. Trong bối cảnh như vậy, giữ lại lợi nhuận để tăng vốn là điều phù hợp và cần thiết", ông Trung khẳng định.
Theo kế hoạch đặt ra, năm nay VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản năm 2025 tăng trưởng từ 5-10%, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%. Các chỉ tiêu khác sẽ tuân theo sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Tổng giám đốc Nguyễn Trần Mạnh Trung cho hay, Ngân hàng Nhà nước đang phân bổ hạn mức tín dụng cho VietinBank khoảng 15%. Nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt, mức tăng trưởng có thể trên 16%. Tăng trưởng huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng.
Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 1,8%, phấn đấu trong khoảng 1,2% - 1,5%. Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dự kiến 20.000 - 25.000 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 150 - 200%. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) sẽ cố gắng duy trì mức 25% như năm 2024, ROE đạt 16-18%, ROA trên 1%, CIR duy trì quanh 30%, chi phí tín dụng kiểm soát dưới 2% - với giả định nền kinh tế không có biến động mạnh.
Tính đến ngày 15/4/2025, tổng tài sản VietinBank đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,7%. Huy động vốn riêng lẻ đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 6%. Nợ xấu theo Thông tư 31 hiện ở mức 1,36% - 1,46%, còn theo cách tính thông thường là 1,66%. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ước đạt 9.417 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Đánh giá về triển vọng năm 2025, lãnh đạo VietinBank cho rằng, tình hình sẽ khó khăn hơn năm 2024 khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và các biến động toàn cầu gia tăng. Áp lực điều hành với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cả hệ thống tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ lớn hơn.
Dù vậy, lãnh đạo VietinBank vẫn lạc quan về kết quả kinh doanh năm nay, một phần nhờ đẩy mạnh giải ngân lĩnh vực đầu tư công. "Ngân hàng đang bám sát và chủ động tiếp cận các dự án đầu tư công lớn, kể cả của các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Ngay từ năm 2024, chúng tôi đã đi nước ngoài để gặp gỡ các đối tác. Cơ bản chúng tôi sẽ tiếp cận các dự án và sẵn sàng cung cấp vốn và dịch vụ cho các dự án này. Chúng tôi cam kết kết quả kinh doanh năm 2025 của VietinBank sẽ là rất ấn tượng so với năm 2024", ông Bình khẳng định.
Về NIM (tỷ lệ biên sinh lời) năm nay, ông Bình cho rằng, lãi suất trên thị trường đang có xu hướng tăng, song mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn được kiểm soát. Trước diễn biến phức tạp của năm 2025 (chi phí vốn tăng nhẹ trong khi ngân hàng vẫn phải hỗ trợ theo định hướng của Chình phủ), khả năng NIM sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, để cải thiện NIM, VietinBank đặt mục tiêu kiểm soát chi phí vốn thông qua việc ứng dụng công nghệ, thu hút tệp khách hàng có tiềm năng cao, các dự án tăng hiệu suất sinh lời tài sản, tăng hiệu quả bán chéo...
VietinBank đang đẩy mạnh chuyển đổi số, cụ thể đang triển khai 108 sáng kiến nền tảng trong giai đoạn một của chương trình chuyển đổi số. Hiện đã có khoảng 60-70% sản phẩm được đưa lên kênh số, và giao dịch qua kênh số chiếm tới 99%.
Ngoài ra, VietinBank cũng sẽ là ngân hàng đầu tiên trong nhóm bốn ngân hàng thương mại nhà nước nghiên cứu việc cắt giảm bàn giao dịch vật lý. Cụ thể, ngân hàng sẽ cắt vài trăm điểm giao dịch và thay thế bằng nền tảng số để phục vụ khách hàng tốt hơn, tăng trải nghiệm và cắt giảm chi phí.