Tội phạm 'bắt trend' nhanh với biến động giá vàng
Giữa 'cơn sốt' giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn không ngừng leo thang, nhiều công ty vàng đã đồng loạt phát đi cảnh báo, kêu gọi khách hàng đề cao cảnh giác để tránh rơi vào bẫy lừa đảo tinh vi...

Trong bối cảnh giá vàng không ngừng leo thang, từng đỉnh giá mới liên tiếp phá vỡ đỉnh cũ, sức mua của người dân đối với mặt hàng kim loại quý này tăng vọt. Lợi dụng tình hình, một số đối tượng đã mạo danh các thương hiệu vàng uy tín để trục lợi, buộc doanh nghiệp phải khẩn cấp phát đi cảnh báo.
Mới đây nhất, thương hiệu vàng Mi Hồng đã đăng tải khuyến cáo trên Facebook, đề nghị khách hàng chỉ giao dịch trực tiếp tại quầy, với nhân viên Vàng Mi Hồng trong trang phục đồng phục và đeo bảng tên rõ ràng. Tất cả giao dịch tại cửa hàng đều được niêm yết giá cả rõ ràng; tuân thủ nghiêm các quy định của cơ quan chức năng về mua bán vàng.
"Khách hàng hãy cảnh giác những hành vi tiếp cận không rõ ràng, xin thông tin cá nhân từ người lạ với mục đích không chính đáng, mời chào thực hiện các giao dịch không thuộc sự quản lý của công ty. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào từ người lạ, liên hệ ngay với quản lý tại cửa hàng để được hỗ trợ kịp thời" – thông báo từ Vàng Mi Hồng nêu rõ.
Trước đó ít hôm, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cũng phát đi cảnh báo lừa đảo, mạo danh doanh nghiệp. Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cho biết vừa ghi nhận một số đối tượng có hành vi mạo danh DOJI để thực hiện các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, đối tượng đã sử dụng tài liệu giả mạo, kèm theo con dấu, chữ ký và thông tin sai lệch, mời gọi khách hàng tham gia vào một chương trình có tên "Quỹ gửi tiết kiệm nội bộ DOJI" với lãi suất cao bất thường (lên tới 0,4% mỗi ngày) cùng nhiều ưu đãi không có thật như miễn giảm 90% chi phí khám chữa bệnh tại các bệnh viện quốc tế; giảm giá khi mua xe, du lịch, học bổng miễn phí…
Doanh nghiệp này khẳng định: "Tập đoàn DOJI không triển khai bất kỳ chương trình "Quỹ tiết kiệm nội bộ" nào; không ủy quyền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thực hiện huy động vốn dưới hình thức như trên, khách hàng cẩn trọng".
Tương tự, Công ty SJC thông báo vừa phát hiện Fanpage mạo danh công ty nhằm mục đích "không tốt".
"Còn nhiều fanpage khác mạo danh SJC, tuy nhiên đây là trường hợp SJC ghi nhận fakepage có tích xanh và lượng follower cao, copy lại toàn bộ nội dung thông tin, bài đăng, lượng tương tác của SJC.
Công ty SJC không thực hiện bất kỳ giao dịch nào qua không gian mạng. Tất cả giao dịch chỉ được thực hiện trực tiếp tại các địa điểm giao dịch chính thức của SJC", công ty này khẳng định.
Trước việc bị mạo danh, Công ty SJC cảnh báo đến khách hàng, tuyệt đối không chuyển khoản hoặc thực hiện giao dịch với các fanpage/fakepage mạo danh SJC.
Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho các trang mạo danh hoặc không chính thống. Khi có bất kỳ nghi vấn nào, vui lòng liên hệ trực tiếp với SJC để xác minh thông tin.
Liên quan đến biến động trên thị trường vàng gần đây, tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước, tuy nhiên, chênh lệch giữa trung bình giá mua, bán vàng trong nước và giá thế giới đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2024, từng có thời điểm chênh lệch lên mức cao nhất trong năm 2024 khoảng 18 triệu đồng/lượng, tương đương 25%, đến nay còn khoảng 2-4 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 3-5%, nhiều thời điểm giá mua vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.
Diễn biến này cho thấy với những biện pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi được kiểm soát trong biên độ phù hợp.
Về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cho hay đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai quản lý thị trường vàng trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Đồng thời, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động quản lý kinh doanh vàng, trong đó trọng tâm là tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ngày 18/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước. Trong đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... trên thị trường vàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1483/VPCP-KTTH ngày 4/4/2025; chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.