DHG Pharma có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 75% cho 2023 và 2024
Công ty cổ phần Dược Hậu Giang – DHG Pharma (mã: DHG) công bố thông tin về việc chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2023 tổng tỷ lệ 75%, chia làm 2 đợt.
Dược Hậu Giang mang gần hết lợi nhuận tạo ra năm 2023 chia cổ tức. Nguồn: DHG
Chia cổ tức "khủng" tỷ lệ 75% 2 năm liên tiếp
Đợt 1, công ty sẽ chia cổ tức tỷ lệ 40%, tương đương 1 cổ phiếu được nhận 4.000 đồng. Ngày chốt danh sách cổ đông 12/6 và ngày thanh toán 26/6. Đợt 2, công ty trả tiếp 35% cổ tức còn lại, tương đương 1 cổ phiếu nhận 3.500 đồng. Ngày chốt danh sách cổ đông 9/8 và ngày thanh toán 21/8.
Tổng số tiền “ông lớn” ngành dược miền Tây dự chi trong đợt này 981 tỷ đồng, chiếm 93% lợi nhuận sau thuế của cả năm 2023. Đây là mức chia cổ tức tiền mặt kỷ lục của Dược Hậu Giang. Công ty dự kiến duy trì chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 75% cho năm 2024, tức cũng sẽ dùng gần hết lợi nhuận tạo ra trong năm để phân phối lại cho cổ đông (kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay là 1.080 tỷ đồng).
Dược Hậu Giang có truyền thống phân phối lợi nhuận tạo ra trong năm bằng cách trích 3% cho quỹ khen thưởng phúc lợi, dành 2 tỷ đồng cho quỹ hoạt động của HĐQT, 2 khoản lớn còn lại gồm trả cổ tức và trích quỹ đầu tư phát triển. Trong các năm trước, DHG Pharma thanh toán cổ tức tỷ lệ 35 – 40%, tương đương khoảng 60% lợi nhuận tạo ra giai đoạn 2016 - 2022, phần lớn số còn lại để bổ sung quỹ đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, trong kế hoạch phân phối lợi nhuận 2023 và 2024, công ty dùng gần hết lợi nhuận tạo ra để đảm bảo chia cổ tức tỷ lệ 75% bằng tiền mặt, 3% trích quỹ khen thưởng, 2 tỷ đồng quỹ hoạt động của HĐQT và không tích quỹ đầu tư phát triển nữa.
Tính đến cuối năm 2023, doanh nghiệp tích lũy được quỹ đầu tư phát triển 2.458 tỷ đồng, cao hơn 88% vốn góp của chủ sở hữu. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi) đạt 2.230 tỷ đồng, chiếm 36% tổng tài sản.
2 cổ đông lớn nhất hưởng lợi từ chính sách chia cổ tức tiền mặt cao của Dược Hậu Giang là SCIC và Taisho. Với tỷ lệ sở hữu 43,3%, SCIC nhận về 423 tỷ đồng, còn Taisho nhận 500 tỷ đồng cho tỷ lệ nắm giữ 51,01%.
Taisho Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản) trở thành cổ đông lớn DHG từ giữa năm 2016 khi chi khoảng 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỷ đồng) để mua 21,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 24,5% vốn. Sau đó, tổ chức này tiếp tục gom thêm đến giữa năm 2019 thành công vượt qua SCIC để nắm tỷ lệ chi phối. Trong 5 năm thành tập đoàn mẹ, Taisho nhận tổng cộng 1.500 tỷ đồng cổ tức được chia từ Dược Hậu Giang.
Lợi nhuận giảm sâu khi nhà máy Betalactam đi vào vận hành
Dược Hậu Giang thuộc tốp 5 doanh nghiệp dược có thị phần lớn nhất ngành dược Việt Nam. Vào năm 2022, công ty khởi công xây dựng nhà máy Betalactam đạt tiêu chuẩn Japan/EU_GMP với tổng đầu tư 700 tỷ đồng. Bà Đặng Thị Thu Hà, Chủ tịch HĐQT cho biết dự án đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cao, mang lại cho người tiêu dùng sản phẩm đủ tiêu chuẩn thay thế thuốc ngoại.
Theo kế hoạch, dự án Betalactam dự kiến đi vào hoạt động từ quý II năm nay, qua đó công suất tăng thêm 25% so với trước đó. Đồng thời, dự án đầu tư mở rộng nhà máy dược phẩm và nhà máy in bao bì DHG – giai đoạn 1 với mục tiêu đạt chuẩn GMP toàn cầu cho một số dây chuyền sản xuất cũng sẽ đi vào hoạt động từ quý II, nhà máy Non-Betalactam cũng được đầu tư nâng tiêu chuẩn dây chuyền lên EU-GMP vào năm nay.
Như vậy, hầu hết các dự án đầu tư lớn của công ty đã đi vào hồi cuối và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển thị trường, tăng công suất nhà máy dần lên.
Dược Hậu Giang có thế mạnh ở kênh OTC (thuốc không kê đơn), kênh ETC (đấu thầu bệnh viện) đang chiếm khoảng 15% tổng doanh thu. Lãnh đạo Dược Hậu Giang cho biết việc đầu tư nâng cấp nhà máy lên các tiêu chuẩn cao như Janpan- GMP, EU-GMP để tăng khả năng trúng thầu, tăng doanh thu kênh bệnh viện. Ngoài ra, Công ty cũng muốn vươn tầm quốc tế, tăng khả năng tiếp cận thị trường châu Âu.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 5.200 tỷ đồng, tăng 4% và lợi nhuận trước thuế 1.080 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện 2023. Nguyên nhân là do lợi nhuận tài chính dự kiến giảm.
Trong quý đầu năm, công ty báo cáo doanh thu tương đương cùng kỳ năm trước với 1.259 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 50% xuống 40,7%. Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 26% xuống 39 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 250 tỷ đồng, giảm 36% và thực hiện 23% kế hoạch năm.
Doanh nghiệp cho biết lãi suất tiền gửi giảm mạnh khiến doanh thu tài chính giảm. Nhà máy Betalactam mới chuẩn bị đi vào hoạt động làm tăng chi phí ghi nhận ngay. Đồng thời, giá thành sản phẩm công ty sản xuất tăng do chủ động điều tiết sản lượng sản xuất để đưa dự trữ tồn kho về mức hợp lý.