ĐHQG TP. HCM sẽ có thêm 3 trường thành viên
Như vậy, ĐHQG TP. HCM sẽ có 10 trường đại học thành viên trong tương lai.
Hội đồng ĐHQG TP.HCM vừa biểu quyết và thông qua chủ trương phát triển phân hiệu tại tỉnh Bến Tre thành một trường đại học thành viên. Hội đồng cũng biểu quyết thông qua việc đổi tên đề án Học viện Môi trường và Tài nguyên thành trường ĐH Công nghệ Môi trường, bỏ phiếu thông qua đề án phát triển khoa y thành Trường ĐH Khoa học Sức khỏe.
Như vậy, ĐHQG TP. HCM sẽ có 10 trường đại học thành viên trong tương lai. Ngoài 3 cái tên dự kiến trong tương lai, hiện tại đại học này có các trường: ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Đại học Kinh tế Luật, ĐH An Giang.
Nằm ở khu vực phía Đông TP. HCM, ĐHQG TP. HCM được Chính phủ thành lập vào năm 1995 nhằm kiến tạo một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Với tổng diện tích hơn 643ha theo mô hình đô thị đại học hiện đại, ĐHQG TP. HCM là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam với 27 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trực thuộc và 8 đơn vị thành viên. ĐHQG TP. HCM có hơn 69.000 sinh viên đại học chính quy, cùng đội ngũ học giả với hơn 400 giáo sư, phó giáo sư và hơn 1.300 tiến sĩ.
Chương trình đào tạo của ĐHQG TP. HCM gồm 138 ngành, nhóm ngành thuộc các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, khoa học kinh tế, khoa học sức khỏe, nông nghiệp, cùng 125 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 89 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.
ĐHQG TP. HCM nhiều năm liên tiếp được Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds Asia xếp hạng thuộc top 150 đại học hàng đầu châu lục này. Từ năm 2019, ĐHQG TP. HCM duy trì thứ hạng thuộc top 701-750 do Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) Anh quốc đánh giá trên 1.000 trường đại học hàng đầu thuộc 82 quốc gia.