ĐHQGHN đào tạo 300 ứng viên tinh hoa, hướng tới top 500 đại học thế giới

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa phê duyệt loạt chính sách quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao.

Theo nội dung chương trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa học giai đoạn 2026-2031 do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa phê duyệt, dự kiến đại học này sẽ tuyển chọn khoảng 300 ứng viên để đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước theo lộ trình trở thành giảng viên, nhà khoa học chất lượng trong tương lai.

 Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Đối tượng là các học sinh, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, có tài năng và đam mê giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Trong đó, ưu tiên các đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có tinh thần vượt khó và có nguyện vọng trở thành giảng viên, nhà khoa học.

Tham gia chương trình, ứng viên sẽ được hỗ trợ toàn phần hoặc một phần chi phí học tập, sinh hoạt, đi lại, thực tập trong và ngoài nước. Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ học ngoại ngữ, bố trí chỗ ở trong thời gian học tập tại Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc các cơ sở đối tác quốc tế.

Ứng viên trúng tuyển sẽ ký hợp đồng đào tạo hoặc hợp đồng lao động và được cử đi học tại các trường đại học đối tác tại Nga, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Sau khi hoàn thành chương trình và đáp ứng các tiêu chuẩn, ứng viên sẽ được tuyển dụng chính thức vào các vị trí giảng viên, nghiên cứu viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Song song với lộ trình này, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng triển khai Đề án "Đầu tư phát triển nhà khoa học xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh chuẩn quốc tế".

Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra bộ tiêu chí để đánh giá nhà khoa học xuất sắc. Để tham gia đánh giá, ứng viên phải là cán bộ cơ hữu của Đại học Quốc gia Hà Nội, có trình độ từ tiến sĩ trở lên, đang hoặc đã tham gia đào tạo tiến sĩ, là tác giả chính của ít nhất 3 bài báo khoa học trên tạp chí uy tín hoặc chủ biên sách chuyên khảo, hoặc có sáng chế được cấp văn bằng và ứng dụng hiệu quả. Ngoài ra, phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn, đã hoặc đang chủ trì ít nhất một nhiệm vụ khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội trở lên, và không trong thời gian bị xem xét hoặc thi hành kỷ luật.

Bộ tiêu chuẩn đánh giá nhà khoa học xuất sắc:

Trong giai đoạn 2024-2025, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ 200 nhà khoa học xuất sắc, mỗi người có tối thiểu 4 bài báo ISI/Scopus, qua đó tăng thêm 400-500 công bố quốc tế so với năm 2023. Đồng thời, Câu lạc bộ Nhà khoa học xuất sắc VNU200 sẽ được thành lập nhằm kết nối, hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu trình độ cao.

Về phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, Đại học Quốc gia Hà Nội đầu tư 50 nhóm nghiên cứu theo hai định hướng:

(1). Nhóm nghiên cứu gắn với sản phẩm ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu;

(2). Nhóm nghiên cứu tập trung công bố quốc tế đỉnh cao, nâng cao vị thế học thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giai đoạn 2026-2030, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu chuẩn quốc tế, thuộc top 500 đại học hàng đầu thế giới. Mỗi giảng viên sẽ có trung bình 1,8 bài báo quốc tế/năm. Dự kiến hình thành Câu lạc bộ 500 nhà khoa học xuất sắc và 1.000 nhà khoa học tiềm năng.

4 nhóm giải pháp lớn phát triển nhà khoa học xuất sắc

Đại học Quốc gia Hà Nội đề ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm phát triển đội ngũ nhà khoa học xuất sắc chuẩn quốc tế.

Thứ nhất, về cơ chế tài chính và nguồn thu nhập đa dạng, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ thành lập Quỹ phát triển khoa học xuất sắc từ nguồn ngân sách, nội bộ, doanh nghiệp và các tổ chức tài trợ; chi trả thu nhập tăng thêm theo hiệu suất công việc (KPI-based Salary); áp dụng mức lương cơ bản kết hợp thu nhập theo hiệu quả giảng dạy, nghiên cứu. Nhà khoa học xuất sắc chuẩn Đại học Quốc gia Hà Nội được đảm bảo mức thu nhập tối thiểu gấp 3 lần, còn nhà khoa học xuất sắc chuẩn quốc tế được đảm bảo gấp 5 lần thu nhập lương hàng tháng. Bên cạnh đó, có cơ chế “thưởng công trình” với mức thưởng từ 50 đến 300 triệu đồng cho bài báo khoa học tùy theo xếp hạng (top 1%, Q1, Q2); thưởng từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng cho sáng chế quốc tế (WIPO, USPTO, EPO); đồng thời, nhà khoa học sẽ nhận từ 30-50% doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thiết lập cơ chế “doanh nghiệp bảo trợ nhà khoa học” và cho phép cá nhân, tổ chức tài trợ trực tiếp vào Quỹ nhà khoa học xuất sắc.

Thứ hai, về cơ chế đảm bảo thu nhập từ nghiên cứu, giảng dạy, các nhà khoa học trong 3 năm đầu công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được ưu tiên giao đề tài, chương trình, nhiệm vụ có kinh phí lớn (1-3 tỷ đồng đối với nhà khoa học xuất sắc chuẩn Đại học Quốc gia Hà Nội; 5-10 tỷ đồng với nhà khoa học xuất sắc chuẩn quốc tế). Đồng thời, họ được phép thành lập công ty spin-off với các hỗ trợ đặc biệt về thuế, vốn đầu tư ban đầu theo mô hình Cambridge và Stanford. Về giảng dạy, nhà khoa học sẽ được ưu tiên tham gia giảng dạy các chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế với mức thù lao cao; được tổ chức khóa học chuyên đề, masterclass và thu phí trực tiếp từ học viên.

Thứ ba, chính sách đặc quyền để thu hút và giữ chân nhân tài sẽ được triển khai mạnh mẽ. Nhà khoa học được ưu tiên đề cử làm giám đốc hoặc tham gia các chương trình khoa học công nghệ quan trọng của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc quốc gia. Mỗi năm, họ được tài trợ 2 lượt (với nhà khoa học xuất sắc chuẩn Đại học Quốc gia Hà Nội) hoặc 5 lượt (với nhà khoa học xuất sắc chuẩn quốc tế) tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế. Đồng thời, nhà khoa học xuất sắc chuẩn Đại học Quốc gia Hà Nội được cấp 1 suất học bổng/năm cho nghiên cứu sinh do mình hướng dẫn, còn nhà khoa học xuất sắc chuẩn quốc tế được cấp 3 suất. Sau 2 năm công tác, nhà khoa học xuất sắc có thể nghỉ từ 3-6 tháng để nghiên cứu tại các đại học hàng đầu như Harvard, MIT, Oxford...

Cuối cùng, nhóm giải pháp dài hạn - đầu tư phát triển nhà khoa học theo từng đối tượng sẽ được triển khai theo lộ trình. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tập trung ươm tạo từ học sinh trường chuyên (VNU12+), sinh viên xuất sắc, thực tập sinh xuất sắc, đến tiến sĩ trẻ, phó giáo sư và giáo sư đầu ngành, nhằm hình thành hệ sinh thái khoa học toàn diện, bền vững, đáp ứng chiến lược trở thành đại học nghiên cứu chuẩn quốc tế vào năm 2030.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dhqghn-dao-tao-300-ung-vien-tinh-hoa-huong-toi-top-500-dai-hoc-the-gioi-post251519.gd