Đi bộ kiểu Kant
Cuộc đời của Immanuel Kant, triết gia vĩ đại người Đức, có thể khiến nhiều người thất vọng: chúng không sôi nổi cũng chẳng khổ hạnh. Thậm chí còn nhàm chán, với những hành vi quá cơ bản lặp đi lặp lại trong hàng chục năm.
Lịch trình của Kant
Kant thức dậy lúc 5 giờ sáng, viết trong khoảng ba tiếng đồng hồ, trước khi đến trường đại học giảng bài trong bốn tiếng. Ông ăn trưa trong một nhà hàng cố định, và trở về nhà vào đúng một thời điểm. Kant chưa bao giờ rời khỏi Koenigsberg, nơi ông sinh ra và lớn lên. Chỉ sống cách biển một giờ, nhưng chưa bao giờ ông nhìn thấy nó.
Nhưng đấy là một trong những triết gia có ảnh hưởng lớn nhất đến thời đại của chúng ta. Xã hội dân chủ ngày nay là kết quả từ suy tư của Kant. Ông đã đưa quyền cá nhân đi xa đến mức cho rằng động vật cũng có thể có quyền, đưa ra triết lý nền tảng cho thẩm mỹ và cái đẹp, cũng như hệ thống những giá trị đạo đức cơ bản cho nhân loại.
Và nội lực của những suy tư này nảy sinh từ những khoảnh khắc buồn tẻ: hành vi kịch tính nhất trong đời sống của Kant là… đi bộ, đơn điệu và tẻ nhạt, nhưng bền bỉ. Kant cuốc bộ xuyên thành phố của mình hàng ngày, vào cùng một giờ.
Hành trình này kỷ luật đến nỗi lối đi của Kant xuyên qua công viên sau này được gọi là "cuộc dạo triết gia" (The Philosopher's Walk). Giai thoại kể lại rằng ông chỉ thay đổi lộ trình hai lần trong đời: một là khi nhận được một bản thảo sớm của cuốn Emile hay là về giáo dục của Jean-Jacques Rousseau, và hai là khi nghe được tin cách mạng Pháp nổ ra.
Kant thường chỉ cuốc bộ một mình, thở bằng mũi và ngậm chặt miệng suốt hành trình, điều ông tin là có lợi cho sức khỏe. Ông không phải người có sức chịu đựng: vào mùa Hè, Kant đi rất chậm, và dừng lại trong bóng râm bất kỳ khi nào thấy quá nóng. Nhưng bất chấp nắng mưa, Kant chưa bao giờ bỏ việc đi bộ.
Và Kant không phải là người-đi-bộ duy nhất. Khi viết cuốn Kẻ lang thang và cái bóng của anh ta, triết gia Nietzsche cũng đi bộ, một mình, khoảng tám tiếng một ngày! Mỗi khi có ý tưởng nào nảy ra, ông sẽ dừng lại viết nguệch ngoạc bút chì vào một cuốn sổ nhỏ. Toàn bộ cuốn sách này, ngoại trừ vài dòng, đã được thai nghén và sáng tác trong lúc đi bộ.
Danh sách những bộ não bừng sáng lúc tản bộ này còn rất dài, từ Henry David Thoreau, Samuel Taylor Coleridge, Arthur Rimbaud, cho đến Mahatma Gandhi, tất cả những nhà tư tưởng vĩ đại này đều từng là người-đi-bộ.
Mục đích và không mục đích
Có bao nhiêu người trong chúng ta ngày nay có thể tự giải thoát mình khỏi đống lộn xộn hàng ngày để thản nhiên tản bộ? Và kể cả khi đã đặt chân lên đường, thì có bao nhiêu trong số này đã vô tình từ bỏ nghệ thuật đi bộ bằng cách gán cho nó một đích đến?
Đi bộ có mục đích thường được coi là điều tích cực trong xã hội hiện đại: nó là dấu hiệu cho thấy chúng ta là người có kế hoạch, tập trung vào một mục tiêu có thực, và sống thực tế. Nhưng nghệ thuật đi bộ thì lại không phải về vấn đề có mục đích hay không.
Như Kant đã đúc rút, sự sáng tạo và cảm thụ cái đẹp được thể hiện "có mục đích mà không có chủ đích cụ thể". Nghệ thuật đi bộ đơn giản là về thứ mục đích không có chủ đích (purposeless purpose) này.
Điều này thoạt nghe có vẻ đơn giản: ta chỉ cần bước đi với cái đầu trống rỗng ban đầu làm hành trang. Nhưng xã hội hiện đại có vẻ luôn cần những mục tiêu cơ bản. Chúng ta luôn đi bộ để đến một nơi cụ thể nào đó, như là cửa hiệu tạp hóa, phòng tập yoga, hay trường học, công sở; để làm một điều gì đó, như là dắt chó đi dạo, hay hẹn hò; hoặc nhắm vào những cái đích trừu tượng hơn, như lấy lại vóc dáng, ghi lại số bước chân và quãng đường trên smartwatch như một cách tự đánh giá sức khỏe của công dân kỷ nguyên số. Điểm mấu chốt của cuộc hành trình luôn là "phải đến chỗ đó", và điều này biến mỗi bước chân trở thành một cuộc chịu đựng mệt mỏi.
Đi bộ trong cuộc sống hiện đại giống như ta đang giao phó trải nghiệm cho các thiết bị công nghệ làm trung gian, như đồng hồ thông minh hay các thiết bị đo nhịp tim và đánh giá sức khỏe. Chúng tiếp nhận dữ liệu và trình bày lại cho chúng ta qua màn hình điện tử. Dường như trong khoảnh khắc này, chúng đại diện cho thế giới quan của chúng ta.
Nhưng đây là một dạng trải nghiệm 2D, không hơn không kém. Dù các thiết bị trung gian có hiện đại đến đâu, nó vẫn không thể là kinh nghiệm. Trải nghiệm là nhận thức. Khi chúng ta nhìn vào một màn hình điện tử, chúng ta có thể thấy cái gì đó, nhưng không thể nhận thức được. Sống một cuộc sống thông qua các thiết bị đại diện là tiếp nhận thụ động, hơn là trải nghiệm nó. Thay vì tự cảm nhận xem điều gì đang diễn ra với bản thân, chúng ta dễ dãi giao danh tính của mình cho những thuật toán.
Đi bộ, hành vi tẻ nhạt cơ bản này lại có thể chống lại được quá trình "màn hình hóa" đang xâm thực mạnh mẽ đời sống của chúng ta. Nghệ thuật của việc này là không có bộ quy tắc hay tính toán lập trình nào có thể tính trước được, nếu chúng ta bước đi với sự trống rỗng và toàn vẹn của một con người đích thực.
Đi trong tỉnh thức
Đi bộ, đơn giản chỉ là vì đi bộ, có thể là thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi trong cuộc sống điên cuồng của chúng ta, cho phép chúng ta tự tách xa ra để nhìn lại cuộc sống này một lần nữa. Điều này, theo Kant, là bí quyết dẫn đến tự do trong bất kỳ loại hình nghệ thuật nào. Chúng ta không cần phải đi bộ đến bảo tàng để tiếp thu những nhận thức và suy tư có tính nghệ thuật. Bạn chỉ cần bước ra khỏi cửa trước, chú tâm vào cảm nhận của chính mình, ngay lúc đó, và trong từng bước đi.
Tâm trí lúc này không ở trong trạng thái hữu ý - hoặc là để thu thập các dữ kiện xung quanh trên đường đi, hoặc để đốt cháy calo, hay đi bộ cho dễ tiêu sau bữa ăn - mà thay vào đó là trạng thái chú tâm. Hành vi đi bộ lúc này đã từ bỏ mọi mục đích để đạt đến phần thưởng là biến chính bản thân nó thành một loại nghệ thuật, như Oscar Wilde từng bảo: "Thảy nghệ thuật đều tuyệt đối vô dụng". Đi bộ với tâm trí trống rỗng cũng là nghệ thuật, và cũng có thể làm nảy sinh nghệ thuật. Trong tư tưởng.
Vì có một vẻ đẹp nhất định trong nhận thức về việc hiện hữu toàn vẹn trong khi đang sải bước qua một không gian nhất định trong một thời gian nhất định. Điều này không thể trọn vẹn nếu nó bị đập bẹp trên màn hình 2D của các thiết bị công nghệ điện tử.
Nó đẹp nhất trong các giác quan, thông qua một trải nghiệm siêu thực tổng thể: cảm giác bầu trời và ánh sáng, giữa không gian mênh mông, người qua lại, gió lao xao, và chân trời vô biên trước mặt. Khi tiếp nhận thụ động thông tin qua màn hình điện tử, chúng ta vô tình ngắt các kết nối sống động này, hạn chế nhận thức, hiểu biết và tầm nhìn của chính mình.
Đi bộ với tâm trí trống rỗng đòi hỏi một chút nỗ lực ngay từ đầu đi kèm thực hành. Lấy ví dụ, một tuyến đường chúng ta thường qua trên đường đi làm. Mục tiêu của chúng ta là đến đó một cách an toàn, đúng giờ và hiệu quả nhất có thể: chúng ta thường vừa đi vừa kiểm tra email, đồng thời giải trí bằng cách nhét tai phone nghe nhạc, để nhấn chìm toàn bộ âm thanh náo loạn của đường phố. Bạn di chuyển có chủ đích, với một quan sát thực dụng trong tâm trí mình.
Hãy thử đi lại con đường đó, vào một ngày không công sở, để các thiết bị điện tử ở lại nhà, và cho phép tâm trí lang thang trong không gian rộng mở trước mắt chúng ta, dừng lại nghỉ ngơi khi mệt, và tiếp tục khi cảm thấy cần phải tiếp tục. Hãy làm như Kant đã làm: trích xuất một bản thể sâu rộng và sống động của chính mình thông qua những bước chân tẻ nhạt, thay vì giao phó danh tính đó cho bất kỳ một vật trung gian nào có thể mang lại sự tiện lợi, nhưng là một khung cửa sổ gò bó chính chúng ta với thế giới xung quanh.
Bạn có thể thắc mắc rằng điều này thì có ích gì? Lang thang trong vô định không mục đích và không năng suất để làm gì? Đến đây lại phải nhắc lại câu của Oscar Wilde: "Thảy nghệ thuật đều vô dụng". Hỏi điều này cũng giống như hỏi vì sao chúng ta phải ngửi hoa hồng và ngắm hoàng hôn.
Câu trả lời rất đơn giản: trải nghiệm phi thường. Vấn đề là nhận thức. Không có gì hơn thế. Một kinh nghiệm thẩm mỹ thực sự luôn vô mục đích. Chỉ khi nuôi dưỡng được một thái độ trống rỗng vô biên, chúng ta mới có thể nắm bắt đầy đủ kinh nghiệm. Hoa hồng và hoàng hôn không nắm giữ tâm trí chúng ta với sự kìm kẹp sát sao như cuộc sống hàng ngày thường cố gắng: xem ráng đỏ hòa tan vào đường chân trời không làm tăng số tiền trong tài khoản hay củng cố địa vị xã hội của chúng ta.
Nhưng chúng có thể giúp chúng ta nhìn thấy bức tranh rộng lớn hơn. Trong một cuộc sống 2D, bạn kết thúc một ngày bằng cách ghép những mảnh rời rạc 24 giờ qua, với mỗi mảnh phù hợp với một mục đích cụ thể. Với nghệ thuật, bạn nhìn thế giới rộng lớn và trọn vẹn hơn. Và từ đó, trải nghiệm cuộc sống bằng toàn bộ tế bào. Giống như những gì mà Kant, có lẽ, đã từng "nhìn" thấy.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/di-bo-kieu-kant-600042/