'Đi cày' trong cách ăn nói của người Việt
Người Việt một khi nói 'Tôi đi cày', 'Tôi còn phải đi cày để nuôi vợ con', không có nghĩa là họ đang làm nông đi cày ruộng mà có nghĩa là đi làm, làm bất cứ công việc gì ở đủ các ngành nghề, lĩnh vực. Đó là một thói quen sử dụng ngôn từ giản dị, bình dân xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước.
Người Việt bao đời nay luôn gắn liền với cuộc sống nông nghiệp. Nơi ruộng đồng, họ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để đổi lấy chén cơm thơm ngọt. Hình ảnh đôi vợ chồng cần cù, lam lũ đi vào lời ca tiếng hát: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi cày” quá đỗi thân thương! Do vậy, khi nói về những gian truân, khổ cực của việc làm lụng vất vả kiếm cơm cho gia đình, ai ai cũng sử dụng 2 từ “đi cày”.
Ngôn ngữ dễ hiểu mà diễn tả hết những vất vả của việc mưu sinh từ mua gánh bán bưng, khuân vác nặng nhọc đến những công việc chạy đôn, chạy đáo ngoài đường… Họ cũng hiểu rằng không chỉ “đi cày”, mà còn phải “cày sâu cuốc bẫm” thì ruộng mới tốt, nghĩa là có làm thật tốt công việc thì mới có được thu hoạch tốt, mang về thu nhập tốt để chăm lo gia đình, con cái.
Không phải tự nhiên mà 2 từ “đi cày” trở thành lời cửa miệng của người dân mọi vùng, miền trên đất nước mà đó là quá trình thẩm thấu của nền văn hóa nông nghiệp, ăn sâu vào đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng, đời sống tinh thần của ông cha ta bao đời nay.
Theo ThS. Cao Văn Đức, giảng viên chuyên ngành Việt Nam học (Trường Đại học An Giang), cách nói “đi cày” của người Việt là dấu ấn văn hóa nông nghiệp còn sót lại trong ngôn ngữ. Ngược dòng lịch sử, ta nhận thấy người xưa hay dùng trâu, con vật ưa thích môi trường sống trong đầm lầy để cày bừa ruộng lúa nước. Rồi trâu được sử dụng cùng người vào việc dẫm nát cỏ, sụt bùn trong ruộng để sửa soạn lại đất đai trồng lúa. Lề lối canh tác “thủy nậu” cho tới Cách mạng Tháng Tám vẫn từng phổ biến trong các thung lũng Thái- Mường (miền Tây Bắc).
Chính vì trâu là con vật khỏe mạnh và vô cùng hữu ích, gần gũi với con người nên dần dần con vật đã trở thành những biểu tượng trong tín ngưỡng, tâm thức người dân Việt. Một thắng cảnh của Hà Nội là Hồ Tây, thời nhà Lê mang tên Tây Hồ và trước đó nữa đã từng mang tên là hồ Trâu vàng. Một câu thơ cổ còn lưu lại: “Ngưu hồ dĩ biến tam triều cục/Long - đỗ nhưng lưu bách chiến thành” (nghĩa là: Hồ trâu đã trải ba triều đại/Thành chiến còn lưu đất Rốn Rồng).
Hàng trăm lưỡi cày đồng các loại thuộc nền văn hóa Đông Sơn (500 năm trước Công nguyên) được giới khảo cổ học tìm thấy ở Cổ Loa và nhiều nơi khác minh chứng cho việc trâu là con vật rất quan trọng trong sản xuất, để rồi sau đó đến thời đại các vua Hùng dựng nước, con trâu trở thành nhân tố cấu trúc hữu cơ của nền văn minh nông nghiệp lúa nước Việt Nam “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Lễ hội chọi trâu (Đồ Sơn - Hải Phòng) hàng năm nhằm tái vận hành và tiếp sức sinh sôi nguồn xung lực, sinh lực của Trời - Đất - Con người.
Ngày nay, máy móc hiện đại đã thay thế sức lao động của trâu nhưng hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” vẫn còn sâu đậm trong tâm trí người Việt. Hình ảnh đã trở thành biểu tượng nhắc nhở ai ai cũng cần chí thú lao động, dù không phải ở lĩnh vực nông nghiệp nhưng vẫn phải “đi cày”, vẫn phải có những mục tiêu phấn đấu trong cuộc đời: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/Trong ba việc đó thật là khó thay”.
Việc “tậu trâu” là việc hệ trọng quyết định sự thành bại của nhà nông, hiểu rộng ra mỗi người sẽ tự xác định việc “tậu trâu” của riêng mình là gì, đó có thể là sự lựa chọn nghề nghiệp, chọn lĩnh vực khởi nghiệp, đầu tư… Nếu xác định đúng sẽ mang lại sự nghiệp hưng thịnh cho cá nhân, gia đình. Tậu được trâu tốt nghĩa là có cơ sở làm ăn tốt thì việc lập gia đình, xây dựng tổ ấm sẽ không là chuyện quá khó.
“Cày như trâu”, “mệt như trâu”, “thở như trâu” là những lời than thở cho tính chất vất vả của công việc. Thế nhưng, sau tất cả, người nông dân, người lao động vẫn luôn yêu đời, lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Họ tìm niềm hăng say lao động, với niềm tin đơn giản: “Rủ nhau đi cấy đi cày/ Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu”, mong những vụ mùa no ấm, dư dả mang đến cuộc sống sung túc cho gia đình.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-di-cay-trong-cach-an-noi-cua-nguoi-viet-a296451.html