'Đi chậm, cảm sâu'
HNN - Du lịch chậm (slow travel) đang là một trong những xu hướng nhận được quan tâm của rất nhiều du khách. Với sự phong phú của thiên nhiên, chiều sâu văn hóa - di sản, nếp sống truyền thống cùng sự thân thiện rất riêng của người dân, Huế có nhiều lợi thế để phát triển xu hướng du lịch này. Nhưng, để phát triển du lịch chậm, Huế còn nhiều việc phải làm.

Du khách quốc tế và hoa giấy Thanh Tiên. Ảnh: Slow Travel Hue
Hội tụ những điều kiện cần
Có dịp theo chân một đoàn khách nước ngoài đến trải nghiệm ở Thủy Biều, mới hiểu cách họ chậm rãi trải nghiệm sâu từng hoạt động trong chuyến hành trình. Họ không mải miết lướt qua những điểm đến để “check-in”, mà dừng lại, lắng nghe và hòa mình vào từng nét văn hóa bản địa. Một du khách Đức chia sẻ: “Đây mới là sự tận hưởng của du lịch. Để thời gian chậm lại và để bản thân trọn vẹn cảm xúc với những trải nghiệm của điểm đến”.
Hướng dẫn viên chia sẻ, đó là du lịch chậm - slow travel, hay “du lịch thong dong” - như cách gọi của một số người làm du lịch. Kể từ sau đại dịch COVID-19, thế giới chứng kiến sự thay đổi đáng kể về nhu cầu du lịch. Du khách trở nên nhạy bén hơn với nhịp sống chậm lại, tận hưởng từng khoảnh khắc và tìm kiếm những trải nghiệm du lịch đáng nhớ. Cũng nhờ đó, xu hướng du lịch chậm đã nổi lên như một phương thức du lịch mới. Năm 2024, theo dữ liệu từ Google Trends, số lượt tìm kiếm về du lịch chậm đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua.

Trải nghiệm câu chuyện về văn hóa lúa nước, đời sống nông thôn ở điểm du lịch Cầu ngói Thanh Toàn. Ảnh: Slow Travel Hue
Tâm lý chủ động được thể hiện rất rõ ở du lịch chậm. Nhu cầu của du khách đề cao sự kết nối và tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc trong hành trình, thay vì vội vã “check-in” mỗi điểm đến. Phần mình, người làm du lịch chú trọng lấy thiên nhiên và văn hóa bản địa làm nền tảng, lấy cộng đồng địa phương làm trung tâm của sự sáng tạo và lòng hiếu khách. Có nhiều năm gắn bó với slow travel, anh Đỗ Nguyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Văn hóa Con người chia sẻ, du lịch chậm có thể được phát triển ở nhiều nơi và Huế là địa phương đặc biệt có lợi thế.
Khác với những du khách truyền thống thường bị gò bó theo tour cố định, chạy đua với thời gian và “check-in” các địa danh nổi tiếng, du khách đề cao những trải nghiệm chân thực, tìm những nơi ít người biết và kết nối sâu sắc hơn. Họ chọn “đi chậm, cảm sâu”, thích nấu ăn và dùng bữa trong một gia đình Huế truyền thống, dạo chợ quê, đi bộ, đạp xe, chèo thuyền, trải nghiệm làng nghề, tham dự các lễ hội bản địa hay khám phá những nhà hàng, những khu phố ẩm thực mang đậm cá tính địa phương, quán cà phê nghệ thuật với những câu chuyện đáng nhớ. Chính tài nguyên du lịch, nét văn hóa độc đáo và tính cách con người Huế đã tạo ra được nhiều trải nghiệm cho khách.

Trải nghiệm ở Alba Wellness Valley by Fusion. Ảnh: Hữu Phúc
Thực tế, du lịch chậm thường gắn với không gian nông thôn và các thị tứ nhỏ. Huế có lợi thế lớn với những làng cổ ven đô chỉ cách trung tâm 5 - 7km, như: Kim Long, Thủy Biều, Thanh Tiên, làng Sình... Một thành phố xanh, chú trọng phát triển du lịch bền vững, nhịp sống bình yên đã bổ sung vào tài nguyên du lịch và bản sắc văn hóa - Huế hội đủ những điều kiện cần cho du lịch chậm phát triển.
Theo ông Phương, khi biết cách tiếp nối và kể những câu chuyện giàu cảm xúc qua các hành trình mang tính trải nghiệm đích thực, Huế không chỉ phát huy tốt tiềm năng sẵn có, mà còn chuyển hóa được những hạn chế thành lợi thế. Từ đó, thu hút dòng khách chất lượng - những người đi du lịch không chỉ để xem mà còn để hiểu, để thương, để tái tạo và lan tỏa giá trị miền đất Huế.
Giải quyết thách thức để phát triển
Ông Trần Minh Tân, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển Du lịch (Sở Du lịch) cho rằng, Huế có lợi thế để tạo ra sự khác biệt. Ở một góc độ nào đó, du lịch chậm như một sản phẩm đặc trưng, trái ngược với du lịch đại chúng, các hoạt động nhộn nhịp, sôi động. Điều này cũng phù hợp với những hoạt động du lịch nghỉ dưỡng mà khách ưa chuộng. Đáng tiếc là việc khai thác các sản phẩm du lịch chậm vẫn đang còn ít.
Theo ông Phương, Huế có nhiều lợi thế để du lịch chậm phát triển, tăng thời gian lưu trú của khách, nhưng không phải không có thách thức. Du lịch chậm vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, phần nào do một số rào cản như hạ tầng kết nối, môi trường sinh thái và sự tham gia chủ động của cộng đồng địa phương trong việc gìn giữ và chia sẻ văn hóa.
Chẳng hạn, các điểm đến xa như làng cổ Phước Tích hay các làng chài ven phá Tam Giang - Cầu Hai, các làng biển, nếu có phương tiện công cộng phục vụ du lịch như xe buýt kết nối với trung tâm phố, bến thuyền Tòa Khâm, thì vừa thuận tiện vừa tiết kiệm chi phí cho du khách. Từ đó, khuyến khích họ ghé thăm các làng cổ, di sản sống, trải nghiệm và chi tiêu tại chỗ. Hay, môi trường sinh thái - một yếu tố thiết yếu trong trải nghiệm du lịch chậm, du khách đặc biệt trân trọng vẻ đẹp nguyên bản và đắm chìm trong kết nối thiên nhiên. Dù Huế đang làm rất tốt đề án Ngày Chủ nhật xanh, nhưng thực tế, có những du khách rất thích các làng chài và vùng đầm phá, nhưng họ cũng còn bày tỏ lo ngại về rác thải.
Ông Phương cũng cho rằng, với du lịch chậm, cần du khách ở lại lâu hơn, thoải mái hơn, và kết nối nhiều hơn với thiên nhiên cũng như đời sống nhân văn của Huế. Để làm được điều đó, cần tập trung vào các giải pháp khắc phục những thách thức, không chỉ về hạ tầng mà còn từ chính nhận thức, định kiến cố hữu của du khách về Huế, chẳng hạn như: “Xứ mưa buồn”, “thời tiết khắc nghiệt”, “không có gì chơi”, hay quan niệm rằng Huế chỉ có các di tích hoặc “đi nửa ngày là hết”. “Chúng ta không cần nhiều, nhưng cần trải nghiệm được chọn lọc, ‘đóng gói’ ổn định bền vững, để các đối tác lữ hành yên tâm giới thiệu cho du khách”, ông Phương chia sẻ.
Du lịch Huế cần được định vị rõ hơn với những giá trị cốt lõi, tương ứng với nhu cầu đa dạng của từng thị trường mục tiêu và được truyền thông bằng câu chuyện, hình ảnh đa phương tiện một cách chuyên nghiệp, bền bỉ, sáng tạo. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giao thông an toàn và bền vững, đặc biệt là phát triển mạng lưới tuyến đường thân thiện với xe đạp - từ nội đô đến các làng ven đô, liên thôn. Điều này không chỉ mang lại sự tiện lợi cho du khách mà còn góp phần củng cố hình ảnh một Huế “xanh - sạch - sáng”, gần gũi và thân thiện với môi trường.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/du-lich/di-cham-cam-sau-156015.html