Đi chạy để thêm yêu Tổ quốc

Từ một người chạy vài trăm mét không thở được, chị Trang trở thành runner có sở thích đặt chân đến khắp 5 châu chạy bộ và gắn bó với Tiền Phong Marathon qua 5 mùa giải.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang (sinh năm 1971), từng có 12 năm làm việc tại Đại sứ quán Anh, hiện là Giám đốc tài chính của một tổ chức phi chính phủ. Trước đây, chị Trang chạy bộ vài trăm mét thấy khó thở. Đây là hiện tượng thường thấy của những người ít vận động khi mới bắt đầu tập chạy bộ. Lối đi từ nhà đến hồ Tây chỉ có 2km thôi nhưng chị phải cần dừng nghỉ đến gần chục lần.

“Tôi hay đi công tác nước ngoài thời gian trước đây. Những chuyến đi này thường chỉ gói gọn trong công việc. Hết nhiệm vụ được giao, tôi chỉ ở loanh quanh trong khách sạn nghỉ ngơi chứ không ra ngoài, đi đây đi đó khám phá”, chị Trang mở đầu câu chuyện.

“Năm 2019, tôi bắt đầu tập luyện chăm chỉ hơn khi chạy được khoảng 1.000 km. Tôi tham gia giải chạy đầu tiên ở Long Biên”.

Chị Thu Trang tại Tiền Phong Marathon 2025. Ảnh: NVCC.

Chị Thu Trang tại Tiền Phong Marathon 2025. Ảnh: NVCC.

Trong 2 năm đầu, chị Trang đã phải vượt qua rào cản tâm lý từ gia đình bởi chị chạy bộ quá nhiều trong con mắt những người chưa hiểu về chạy bộ. Thói quen sinh hoạt hàng ngày của chị thay đổi 180 độ. “Chồng tôi vốn quen vợ với hình ảnh chỉn chu nên thấy tôi chạy nhiều cũng không bằng lòng. Anh ấy còn dọa ‘chạy cho lắm vào rồi hỏng hết đầu gối’. Đến bây giờ khi thấy bạn bè và đồng nghiệp cũng chạy bộ thì cái nhìn của chồng tôi đã thay đổi”, chị Trang vui vẻ giãi bày.

Cho đến nay chị Trang đã tham gia 19 giải chạy quốc tế (18 cuộc chạy marathon, 1 cuộc chạy half marathon tại Ấn Độ) ở 5 châu lục và 5 giải Tiền Phong Marathon. Chỉ riêng trong năm 2023, chị đi chạy ở 10 quốc gia thuộc 4 châu lục. Điều đặc biệt ở các giải chạy ở nước ngoài, chị Trang đều mang lá cờ Việt Nam theo người trong khi chạy giải. “Tôi thích khoảnh khắc cầm cờ khi về đích, rất nhiều cảm xúc”, chị Trang tâm sự. “Khi ra khỏi biên giới Việt Nam, tôi mới thấm thía và cảm nhận sự tự hào về đất nước, quê hương mình”.

Ở Thụy Sĩ, chị Trang đã từng cầm cờ chạy trên suốt 1 km quãng đường cuối. Khán giả hai bên đường hô to cổ vũ “Trang, go go”. Sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả khiến chị nổi gai ốc rần rần, quên đi sự mệt mỏi để chạy băng băng về đích.

“Các giải chạy quốc tế được tổ chức bài bản, túi racekit của họ rất gọn gàng, chỉ có chiếc bib. Các thứ khác vận động viên phải mua. Racekit ở Việt Nam có nhiều đồ lãng phí vì nhiều người không có nhu cầu sử dụng. Nếu đơn giản hóa được là tốt nhất. Thay vì làm hoành tráng, các giải chạy Việt Nam nên tập trung vào điều cốt lõi, đó là chạy bộ. Túi racekit của Tiền Phong Marathon năm nay gọn nhẹ rất vừa ý tôi. Chiếc áo lấy cảm hứng từ màu áo xanh bộ đội và chiếc mũ tai bèo là hai món đồ thú vị đối với bất cứ runner nào khi chạy trên vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử như Quảng Trị”, chị Trang nhận xét.

Sau mỗi lần hoàn thành half marathon, chị lại tự nguyện chuyển khoản tiền nhỏ 500.000đ vào quỹ phẫu thuật Nụ cười, giúp các em bé bị dị tật hở môi hàm ếch. Ảnh: NVCC.

Sau mỗi lần hoàn thành half marathon, chị lại tự nguyện chuyển khoản tiền nhỏ 500.000đ vào quỹ phẫu thuật Nụ cười, giúp các em bé bị dị tật hở môi hàm ếch. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về trải nghiệm chạy bộ của mình ở “vùng đất lửa”, chị Trang cho biết: “Quảng Trị là tỉnh thứ 34 ở Việt Nam mà tôi đặt chân đến để chạy giải. Người dân Quảng Trị rất dễ mến, họ cổ vũ nhiệt tình dọc hai bên đường đua. Được chạy vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, non sông liền một dải ở Quảng Trị là điều may mắn đối với tôi và hơn 7000 vận động viên”.

Trên “vùng đất lửa”, chị Trang mất gần 3 giờ đồng hồ để hoàn thành cuộc chạy half marathon thứ 38 trong sự nghiệp nhưng thành tích đối với chị không quan trọng bằng những trải nghiệm “mắt thấy tai nghe” mà chị tiếp nhận được khi chạy trên cung đường lịch sử. Đi chạy để thấy giá trị của hòa bình độc lập tự do, để thêm yêu cuộc sống, để yêu Tổ quốc, quê hương mình.

Nguyễn Đạt

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/di-chay-de-them-yeu-to-quoc-post1729986.tpo