Di chỉ khảo cổ ấn tượng ở Hoàng Su Phì

BHG - Năm 2015, sau một số phát hiện di chỉ đồ đá do giáo viên và học sinh Trường THCS Vinh Quang (Hoàng Su Phì), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam và huyện Hoàng Su Phì tiến hành các cuộc điền dã khảo sát di chỉ khảo cổ học tại các xã trên địa bàn huyện. Kết quả đã phát hiện nhiều di chỉ đồ đá và đồ đồng ở hầu hết các xã được khảo sát.

Rìu đồng Đông Sơn được phát hiện tại thôn Nắm Nan, xã Bản Nhùng.

Rìu đồng Đông Sơn được phát hiện tại thôn Nắm Nan, xã Bản Nhùng.

Đợt khảo sát đầu tiên được tiến hành tại thôn Cán Chỉ Dền, xã Tụ Nhân và thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang. Qua đó phát hiện được 13 hiện vật đồ đá mới gồm 6 rìu mài có vai, 6 rìu mài tứ giác và 1 công cụ cắt. Tại thôn Pắc Và, xã Tân Tiến phát hiện được 15 công cụ ghè đẽo gồm rìa ngang, rìa dọc, 1/4 cuội và công cụ mảnh. Tiếp tục đợt khảo sát thứ hai tại các xã Nam Sơn, Bản Nhùng, Hồ Thầu, Nậm Khòa, Nàng Đôn, Thông Nguyên, Thèn Chu Phìn đã phát hiện được 22 công cụ đá gồm 7 rìu mài có vai, 3 hòn nghiền và chày, 4 rìu mài vai lệch và 9 rìu mài tứ giác. Riêng tại thôn Văng Sai, xã Nàng Đôn và thôn Pắc Và, xã Tân Tiến phát hiện được hơn 20 hiện vật ghè đẽo. Đặc biệt, tại thôn Nắm Nan, xã Bản Nhùng và thôn Hô Sán, xã Hồ Thầu phát hiện được 3 rìu đồng. Ngoài ra, theo báo cáo của người dân, tại khu vực phát hiện được rìu đồng thôn Nắm Nan và thôn Thiêng Rầy, xã Bản Nhùng trước đây cũng phát hiện được 3 mũi lao bằng đồng, tuy nhiên đến nay đã bị thất lạc. Tháng 10.2022, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì tiếp tục phát hiện một chiếc cuốc đá có kích thước 15,5cm x 7cm x 3,5cm do cụ Hoàng Ngọc Lâm, cư trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Vinh Quang lưu giữ.

Các hiện vật đồ đá được phát hiện ở Hoàng Su Phì.

Các hiện vật đồ đá được phát hiện ở Hoàng Su Phì.

Từ những di vật phát hiện được sau các đợt khảo sát, Tiến sĩ Nguyễn Trường Đông, Phó Trưởng phòng Phòng Khảo cổ học Tiền sử, Viện Khảo cổ học cho rằng: Các rìu mài tứ giác và rìu mài có vai phát hiện tại huyện Hoàng Su Phì thuộc thời kỳ đá mới có niên đại cách ngày nay từ 3.000 - 4.000 năm. Các công cụ ghè đẽo thuộc thời kỳ đá cũ có niên đại cách ngày nay từ 10.000 - 30.000 năm. Điều đó khẳng định nơi đây có mặt của người cổ thuộc ít nhất 3 giai đoạn là giai đoạn sớm: Con người chỉ sử dụng công cụ ghè đẽo; giai đoạn hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí: Con người sử dụng rìu mài và chày nghiền; giai đoạn Kim khí với sự có mặt của con người giai đoạn Đông Sơn và đồ đồng nói chung.

Có thể nói, việc phát hiện các di chỉ khảo cổ học tại huyện Hoàng Su Phì là một trong những phát hiện quan trọng bởi Hoàng Su Phì là huyện nằm ở phía Tây của tỉnh, có địa hình hiểm trở với hai đỉnh núi cao là Tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi, là nơi bắt nguồn của sông Chảy và sông Bạc. Trong các công cụ đồ đá mới được phát hiện tại thôn Lê Hồng Phong, xã Nam Sơn có 3 chiếc rìu tứ giác có hình dáng giống với rìu Phùng Nguyên, một số rìu mài phát hiện tại xã Thèn Chu Phìn có hình dáng gần giống với rìu Lò Gạch. Điều đó chứng tỏ thời tiền sử đã có nhiều nhóm người sinh sống tại khu vực này. Đặc biệt là việc phát hiện rìu tứ giác Phùng Nguyên tại thôn Lê Hồng Phong, công cụ nghiền tại thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên và các hiện vật đồ đồng Đông Sơn đã cho thấy sự xuất hiện của người Việt cổ tại đây.

Từ kết quả trên cho thấy, mặc dù tại huyện Hoàng Su Phì từ trước đến nay các cuộc điền dã khảo sát khảo cổ học chủ yếu được tiến hành với quy mô nhỏ, song tại hầu hết các địa điểm khảo sát đều phát hiện được nhiều dấu vết di vật khảo cổ học như rìu mài, công cụ nghiền, cắt, công cụ ghè đẽo, đồ đồng với nhiều hình dáng, cách thức và trình độ chế tác khác nhau đã chứng tỏ đây là những địa điểm khảo cổ học quan trọng, góp phần vào việc nghiên cứu thời tiền sử ở huyện Hoàng Su Phì nói riêng và Hà Giang nói chung. Đặc biệt điều đó cũng minh chứng rằng huyện Hoàng Su Phì là một trong những địa bàn có sự đa dạng về thành phần người tiền sử, trong đó có sự xuất hiện của người Việt cổ, đồng nghĩa với việc khẳng định vững chắc chủ quyền của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại khu vực này từ thời cổ đại.

Bài, ảnh: Trần Trí Nhân (Hoàng Su Phì)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202301/di-chi-khao-co-an-tuong-o-hoang-su-phi-bf909ac/