Đi chợ 'bù lon' Long Xuyên
Nằm trên đường Nguyễn Văn Sừng và Nguyễn Đình Chiểu (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), chợ 'bù lon' mang nét độc đáo rất riêng. Chợ chỉ bán đồ tạp nhạp sắt đã qua sử dụng, còn người đi chợ đa phần là đàn ông!
Đầu đường Nguyễn Văn Sừng – Lê Minh Nguơn xuất hiện nhiều sạp hàng xôm tụ. Những mặt hàng này mang mùi dầu nhớt và màu sắc cũ kỹ đặc trưng.
“Chợ” kéo dài qua đường Nguyễn Đình Chiểu, tổng cộng hơn 10 hộ dân kinh doanh mặt hàng này, với số lượng hàng hóa đa dạng, phong phú. Theo một số người bán, chợ hình thành hơn 30 năm nay. Ban đầu, chỉ một vài người bày ra bán. Dần dần, mọi người tập trung về thành “chợ”, mua bán xôm tụ.
Nhiều phụ nữ phụ trách sạp hàng tưởng chừng chỉ dành riêng cho nam giới. Họ rành từng mặt hàng, từng công dụng của chúng, không thua gì những thợ cơ khí lành nghề.
Đến với khu chợ, rất dễ lạc vào thế giới phụ tùng máy móc, với hàng ngàn món lẳn mẳn. Chúng được rã từ máy móc không còn sử dụng (máy hàn, máy cắt, máy xới…), đồ phế liệu. Tất cả do một khu chợ tương tự ở TP. Hồ Chí Minh thu gom, vận chuyển về An Giang.
Chỉ riêng ốc vít, đã ê hề nhiều loại, nhiều kích cỡ thế này
Loại ốc kích thước lớn được để riêng, số lượng nhiều không thua kém “đàn em”
Giá mỗi món đồ chừng vài ngàn đến vài chục ngàn đồng. Không có giá cả cố định, chỉ là “thuận mua, vừa bán”, nhưng chắc chắn rẻ hơn đồ mới. Hoặc những mặt hàng hiếm, khó tìm ở cửa hàng bán đồ mới, đôi khi lại được bày bán ở chợ này.
Điển hình cho sự phong phú về kích thước của mặt hàng lò xo máy. Chúng được bố trí san sát bên nhau, đủ kích cỡ, tha hồ chọn lựa.
Trước đây, chợ sung túc lắm. Dần dần, chợ thu hẹp lại, người còn bám trụ kinh doanh cũng bán cầm chừng. Chợ bày bán từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều, lượng khách không chừng không đỗi.
Ông Kiệt (56 tuổi) ngồi ở khu chợ hơn 10 năm. Đa phần, khách mua vài món đồ lặt vặt, còn mua số lượng lớn thì họ chọn mua ở tiệm mới cho tiện. “Không có vốn, tôi chọn mua bán đồ cũ. Nắng mưa gì cũng ngồi cả ngày ở chợ để tìm khách ...” - ông Kiệt chia sẻ.
Từng được đào tạo nghề rã phụ tùng máy móc, nhưng lớn tuổi rồi, ông chuyển sang kinh doanh mặt hàng này. Đến giờ, ông chưa từng có ý định đổi nghề nào khác. Với ông Kiệt, nghề mang lại thu nhập không cao, nhưng đủ sống, làm được bao nhiêu, xoay trở bấy nhiêu. Tranh thủ trưa vắng, ông nghỉ tạm trên chiếc ghế nhỏ, dưỡng sức chờ khách mua hàng.
Những thùng to này dùng để cất hàng hóa sau khi “tan chợ”. Thi thoảng, vẫn xuất hiện tình trạng kẻ gian cạy khóa thùng hàng, nên người bán càng đề cao cảnh giác, bảo quản tài sản kỹ hơn.
Khách đến mua hàng đa phần là nam giới, tìm hỏi những món vật dụng hàng ngày, đang cần thay mới.
Một vị khách tìm mua 2 con bù-lon, lựa mãi chỉ tìm được 1 thứ. Ông chia sẻ, bản thân là khách quen của khu chợ này. Đồ cũ ở đây vừa nhiều loại, vừa bền.
Để chắc ăn, mọi người thường đem theo món hàng cần mua, hoặc vật dụng cần thay thế phụ tùng, để chọn lựa chính xác.
Ông Sơn (47 tuổi) “tiếp quản” sạp hàng của cha mẹ nhiều năm nay. Ông kể, chợ sụt giảm khách do nhiều nguyên nhân. Chủ yếu là do điều kiện kinh tế khá hơn, người dân ít “lượn lờ” chợ đồ cũ nữa, mà chọn mua mới luôn. Mặt khác, nhà máy sản xuất phụ tùng thay thế đa dạng mặt hàng hơn, chất lượng không thua kém hàng gốc trong máy móc.
Không gian mua bán và bàn tay của những người bán ở chợ ốc vít luôn lấm lem dầu nhớt, chạm vào đâu cũng để lại dấu vết. Nhưng họ vẫn gắn bó với nghề đặc biệt này, chọn cách sống vui buồn cùng nghề, và vui buồn cùng nhau…
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/di-cho-bu-lon-long-xuyen-a346831.html