Đi chợ, hẹn hò và… lúc 0 giờ
Nửa đêm, khi mọi người đã yên giấc sau một ngày làm việc thì vẫn có không ít người chọn thời điểm này để đi chợ, hẹn hò, ăn uống…
Nửa đêm… đi chợ
“Ting… ting…”, tiếng chuông cửa báo có khách vang lên, bà Hoàng Thị Mơ (60 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TPHCM) dắt cô cháu gái 5 tuổi vào siêu thị lựa ít mì gói, hộp sữa cho vào giỏ. Nũng nịu xin mua thêm bịch bim bim, đứa trẻ mừng rơn khi được bà đồng ý.
Lý do bà Hà chọn đi chợ đêm thay vì ban ngày để tránh tiếp xúc với nhiều người do sợ COVID-19. “Đêm khuya, siêu thị vắng người, mình sẽ hạn chế được nguy cơ lây nhiễm” - bà Hà nói - “Tôi chuyển qua đi chợ lúc nửa đêm hơn tháng nay rồi, từ khi thành phố hết giãn cách, siêu thị mở bán trở lại là gia đình tôi chọn đi chợ đêm. Tưởng đêm chỉ có mình đi chợ, không ngờ có nhiều người cũng chọn cách mua sắm như mình”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau 22h, chỉ có một số cửa hàng tiện lợi mở cửa, thực phẩm không đa dạng nhưng luôn có khách. Mặc nguyên bộ đồ công trình trên người, anh Đào Văn Phụng (30 tuổi, quê An Giang) tấp vào siêu thị mini (Lý Chính Thắng, Q.3, TPHCM) chọn nào bánh bao, sữa, ly cà phê nóng hổi, thơm phức. Nhấp ngụm cà phê cho tỉnh, anh Phụng bộc bạch: “Tôi là công nhân đào đường, thời gian làm việc thường từ đêm đến mờ sáng. Chuẩn bị vào ca, tôi tranh thủ đi chợ cho hôm sau; bởi sau buổi làm, người toàn bùn đất, không dám vào cửa hàng mua sắm”. 2 năm qua, anh Phụng đều chọn đi chợ lúc 0h như thế.
Chị Lý Minh Trang (26 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) cũng chọn cách mua sắm tầm 23h, khi mọi người đã ngon giấc. Cô gái trẻ tiết lộ, do sợ đám đông, sợ bệnh COVID-19 nên chọn thời điểm ít người để mua sắm. “Bảo vệ sức khỏe cho mình cũng là giữ an toàn cho nhiều người khác. Đi chợ lúc đêm khuya cũng có cái thú riêng, không xô bồ, chờ đợi xếp hàng như ban ngày” - Trang nói.
Nướng chiếc bánh nóng giòn cho khách lúc 3h sáng, Nguyễn Thị Kiều Nhi (nhân viên một cửa hàng tiện lợi trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TPHCM) chia sẻ: “Trước đây, khách đến siêu thị ban đêm thường là công nhân, người làm việc ban đêm nhưng thời gian gần đây, nhiều gia đình trẻ đưa con đi mua sắm lúc đêm muộn. Đặc biệt ngày cuối tuần, có bố mẹ còn đưa con đến ăn uống, cà phê lúc 4-5h sáng”.
Rủ nhau “nhấm nháp” giờ thiêng
“Đi cà phê… ma” là cách gọi vui của nhiều bạn trẻ Sài thành khi rủ nhau đi lúc 0h. Tưởng chỉ có một vài người lớn tuổi, khó ngủ nên mới đi cà phê giờ này, không ngờ, quán vẫn rậm rịch người trẻ ngồi dọc vỉa hè.
Quán cà phê Vợt nằm trong con hẻm nhỏ đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận, TPHCM) có tuổi đời hơn 50 năm. Ngần ấy thời gian, quán chưa một lần đóng cửa. Bà Ba (chủ quán) nay đã hơn 60 tuổi cùng các con thay phiên nhau bán cả ngày đêm. Đây là một trong những quán cà phê hiếm hoi còn giữ cách pha cà phê đậm phong vị Sài Gòn xưa. “Ban đầu, người pha phải dùng nước sôi để rửa sạch vợt rồi cho vào trong một lượng cà phê xay nhuyễn nhất định. Sau đó, chỉ cần nhúng chiếc vợt vào siêu nước đang sôi, lấy muỗng khuấy đều vài lần rồi đậy nắp siêu lại, để trong khoảng 5-10 phút cho cà phê thấm dần, làm như vậy hương vị cà phê sẽ đậm đà và thơm ngon hơn” - bà Ba vui vẻ nói.
Lướt nhẹ ngón tay trên cây ghi-ta gỗ, Đặng Anh Hào (sinh viên trường ĐH Kiến trúc TPHCM) trần tình, anh hay ngồi cà phê lúc 1-2h sáng để tận hưởng cảm giác lành lạnh, man mác đầu ngày; những ý tưởng về đề án mới dần thành hình.
Cũng như Hào, nhiều bạn trẻ chọn thời điểm nửa đêm đi cà phê như một thói quen. Từng nhóm bạn trẻ ngồi dọc theo hai bên lề đường. Có người đến đây để hàn huyên bạn bè, có người đến để đọc một tờ báo, lại có người đến để tìm về khoảng không thanh bình và hoài niệm về một Sài Gòn xưa. “Đến đây, mình được gặp những người Sài Gòn đúng chất, thân thiện, dễ gần. Nhìn cách mọi người nói chuyện vui vẻ với nhau bên ly cà phê cảm giác thật gần gũi. Cà phê vợt làm mình hiểu và thêm yêu cuộc sống bình dị, giản đơn, không nhất thiết lúc nào cũng phải xô bồ kiếm tiền...” - Mỹ Hạnh, bạn trẻ thường xuyên đi cà phê “nửa đêm về sáng” tâm sự.
Những quán ăn khuya có tiếng tại TPHCM như cháo đêm góc Hàng Xanh (Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh), xôi Nhà xác (Trần Phú, Q.5), cơm tấm đêm (Nguyễn Trãi, Q.5)… luôn tấp nập khách. Anh Bình (chủ quán cơm tấm ở Q.5) bộc bạch: “Nhiều người buôn thúng bán bưng, hoặc công nhân làm việc đêm khuya thường hay đến quán ăn uống, nghỉ ngơi lấy sức. Gần 10 năm qua, tôi chưa biết giấc ngủ đêm là gì vì bận bán hàng từ 16h đến 4h sáng hôm sau. Thức đêm riết cũng quen. Thấy nhiều người lao động đến quán được no nê, có sức làm việc tôi thấy vui”.
Nhà nghỉ “0 đồng”
Rảo qua nhiều cửa hàng tiện lợi, quán ăn lúc đêm khuya, chúng tôi cảm nhận được nơi đây không chỉ kinh doanh mà còn giúp nhiều người xa lạ mau chóng vượt qua đêm dài.
Ông Nguyễn Văn Thành (54 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ) là khách quen của một cửa hàng 24/24 trên đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức, TPHCM) kể, mỗi lần mệt, ông lại tấp vào quán, mua chai nước và chợp mắt đôi chút cho tỉnh táo. Ông bồi hồi: “Tôi chạy xe cả ngày lẫn đêm, mệt lúc nào lại vào siêu thị quen nghỉ nhờ. Nhân viên quen mặt nên tạo điều kiện, đôi khi còn mời cà phê miễn phí”.
Quán ăn khuya còn là nơi để người làm ca, sinh viên trắng đêm học bài, người lỡ đường vào tắm rửa, trú đêm hay đơn giản là những cặp tình nhân hẹn hò muộn. Song quán đón nhiều nhất vẫn là những lao công, quán ăn đêm chính là chỗ họ nghỉ ngơi, ăn khuya sau những ngày dài mệt nhọc. Giá cả ở các hàng ăn này thường cực mềm, từ 15.000-20.000 đồng/phần, có bảng niêm yết rõ ràng; mục đích nhằm để ai vào quán cũng yên tâm không lo giá cả, dù tiền nhiều hay ít vẫn bảo đảm ấm bụng.
Sợ nhất cướp đêm
Theo nhiều người kinh doanh về đêm, điều họ lo nhất chính là cướp đêm. Nguyễn Thị M. (từng làm nhân viên tại cửa hàng tiện lợi ở Q.8, TPHCM) kể, nhiều thanh niên đi cả tốp vào cửa hàng lựa rất nhiều thực phẩm nhưng không trả tiền. Lúc đó cửa hàng chỉ có 2 nữ nhân viên và bác bảo vệ lớn tuổi. “Chúng tôi đành bất lực để họ lấy hàng, rồi bỏ tiền túi đền sản phẩm bị cướp. Chúng tôi cũng không dám làm to chuyện vì sợ mất uy tín cửa hàng, sợ mất khách. Sau lần đó sợ quá, tôi xin nghỉ không dám làm ca đêm nữa” - M. nói.
“Đêm khuya thanh vắng, có bị cướp cũng không biết kêu ai. Qua mỗi đêm bán buôn bình yên là thấy mừng” - chị Linh (bán cơm tấm đêm khu vực Q.1, TPHCM) trải lòng.
Mới đây, TAND TPHCM đã tuyên án 8 bị cáo trong băng cướp nhí cướp 11 cửa hàng tiện lợi gây chấn động ở thành phố với mức ngồi tù từ 2-8 năm.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/di-cho-hen-ho-va-luc-0-gio-1677770.tpo