Đi chợ thời 4.0
Mua hàng không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ từ thành phố tới vùng nông thôn, từ trung tâm thương mại, siêu thị đến chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, hình thức này còn góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của tỉnh, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch.
Mua gì cũng “quét mã QR”
Vài năm nay, số lần đi rút tiền mặt tại cây ATM của chị Thành Nhân, ở Phường 5, TP. Đông Hà đếm trên đầu ngón tay. “Ở khu chợ, từ bà bán hành đến chị bán thịt đều nhận chuyển khoản, quét mã”, chị Nhân nói. Trước đây, thường sau khi nhận lương, hai vợ chồng chị sẽ giữ một phần trong tài khoản để đóng học phí cho con, trả tiền điện nước, còn lại rút tiền mặt để chi tiêu bởi đa phần các quán ăn sáng, tiểu thương bán hàng ở chợ nghe đến chuyển khoản đều lắc đầu. “Nhưng bây giờ thì khác, mua món đồ chỉ có giá vài nghìn đồng tiểu thương cũng nhận chuyển khoản nên tôi không cần giữ nhiều tiền mặt, đỡ lo bị rơi hoặc mất cắp, nhầm lẫn”, chị Nhân chia sẻ.
Những ngày cuối năm, dạo quanh các trục đường chính của TP. Đông Hà như Hùng Vương, Lê Quý Đôn, Trần Hưng Đạo, chúng tôi nhận thấy số lượng người dân đến rút tiền ở các máy ATM khá thưa thớt so với những năm trước.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, ở phường Đông Lương, TP. Đông Hà đang rút tiền ở trụ ATM trên đường Trần Hưng Đạo cho biết: Trước đây, những ngày cuối năm, từ sáng sớm tôi đã đến cây ATM để rút tiền mặt về chi tiêu cá nhân hoặc mua sắm tết. Nhiều lúc phải xếp hàng giờ đợi đến lượt, chưa kể lúc cây ATM hết tiền hoặc gặp sự cố.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tôi chuyển sang dùng các ứng dụng internet banking và ví điện tử Momo, mọi thứ trở nên thuận tiện, giảm rủi ro. “Tôi vẫn ra ATM rút tiền, nhưng giờ thỉnh thoảng mới rút chứ không thường xuyên như ngày trước.
Tôi chỉ dùng tiền mặt để ăn vặt, mừng tuổi cho người lớn, trẻ em trong những ngày tết... Từ khi dùng ví điện tử để thanh toán, tôi không phải chờ đợi, xô đẩy, chen lấn ở các cây ATM, đi chợ cũng đỡ lo bị móc túi, nhất là thời điểm cuối năm chợ, siêu thị, cửa hàng luôn đông người”, chị Hà cho biết.
Đầu năm 2022, chợ Đông Hà triển khai mô hình “Chợ công nghệ - chợ 4.0”. Với ưu thế nhanh chóng, thuận lợi, chính xác của việc thanh toán không dùng tiền mặt qua các ứng dụng internet banking, mô hình nhận được sự ủng hộ của tiểu thương ở chợ cũng như người tiêu dùng. Đến nay, hầu hết các hộ kinh doanh ở chợ đều chấp nhận hình thức thanh toán không tiền mặt qua internet banking hoặc mã QR do các ngân hàng cung cấp.
Buôn bán hàng điện dân dụng, điện tử tại chợ Đông Hà hơn 10 năm nay, chị Trần Minh Châu, tiểu thương kinh doanh tại lô quầy số 50-51, chợ Đông Hà chia sẻ: “Vì hầu hết các khoản thanh toán đều qua các ứng dụng ngân hàng số nên mọi người ngại mang theo nhiều tiền mặt.
Chỉ cần một chiếc điện thoại, có tài khoản ngân hàng là có thể thanh toán nhanh chóng, tiện lợi. Để thuận lợi cho khách, tôi cũng chuẩn bị 2 mã quét QR của 2 tài khoản ngân hàng khác nhau. Bản thân tôi lấy hàng cũng không còn lo vấn đề chuyển tiền hàng cho các đơn vị phân phối, cứ chuyển khoản là xong”.
Việc triển khai và nhân rộng mô hình chợ 4.0 đã hình thành thói quen tiêu dùng và góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu Đề án chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu đến với người dân từ những giao dịch nhỏ đến giao dịch có giá trị lớn trong đời sống hằng ngày.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 bởi hình thức này mang lại nhiều tiện ích rõ rệt cả cho người dân và nền kinh tế. Khi thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho ngành tài chính, chống thất thu thuế cho Nhà nước từ những giao dịch chui hoặc không minh bạch.
Đối với người dân, việc thanh toán này mang đến sự tiện lợi khi mua sắm như: tiết kiệm thời gian, công sức của bên trả tiền và bên thu tiền, giảm bớt thời gian đợi chờ tới lượt thanh toán... Từ những thay đổi trong cách tiêu dùng của người dân, các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh cũng nhanh chóng thích ứng, cài đặt và sử dụng ứng dụng thanh toán và không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã triển khai dịch vụ trực tuyến, máy ATM đa chức năng... với các thao tác đơn giản giúp người dân có thêm điều kiện sử dụng dịch vụ ngân hàng số dễ dàng và thuận tiện hơn.
Các ứng dụng, dịch vụ về thanh toán không dùng tiền mặt, như mã QR, mobile banking, ví điện tử... xuất hiện nhiều hơn không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như thanh toán hóa đơn, thương mại điện tử, mua vé xem phim, vé máy bay, đặt tour du lịch... Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 119 máy ATM (trong đó có 13 máy ATM đa chức năng, tăng 3 máy so với 2023); 916 máy POS, doanh số thanh toán qua POS đạt 855,51 tỉ đồng. Mạng lưới QR Code phủ sóng toàn bộ các huyện, thị xã, thành phố với hơn 45.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code được đặt tại các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... giúp người dân thanh toán thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả.
Theo số liệu thống kê, các chỉ số liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt như lượng giao dịch, giá trị thanh toán, cơ sở hạ tầng... có sự tăng trưởng mạnh. Hiện tại, phương thức thanh toán này được Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng triển khai mạnh mẽ hơn.
Có thể thấy, thanh toán không dùng tiền mặt dần trở thành xu hướng tiêu dùng mới của nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Thanh toán không dùng tiền mặt cũng là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế số. Để tạo thuận lợi cho khách hàng trong thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng, cơ sở kinh doanh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện.
Cụ thể, khuyến mãi đối với thanh toán qua QR Code, giảm phí dịch vụ, miễn phí giao hàng tận nhà, liên tục cập nhật công nghệ mới để đem lại trải nghiệm tốt hơn trên ứng dụng thanh toán trực tuyến.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu của xã hội số, góp phần thúc đẩy các chỉ tiêu của chuyển đổi số quốc gia. Để thúc đẩy hoạt động này, trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ quan, ban, ngành mà cần sự chung tay của mọi người dân.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/di-cho-thoi-4-0-190797.htm