Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn

Qua 55 năm, thời gian càng lùi xa, những tư tưởng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc càng trở nên sáng rõ, ngày càng khẳng định sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn, ánh sáng soi đường cho sự nghiệp cách mạng, nguồn động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam tiếp tục phấn đấu tiến lên giành những thắng lợi mới.

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kết tinh từ trí tuệ kiệt xuất của một lãnh tụ thiên tài cùng tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn cao đẹp của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng” suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân và nhân loại, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử, tài sản vô giá của Đảng và Nhân dân ta, ghi tạc vào lịch sử như một “kiệt tác bất hủ”; một “Bảo vật Quốc gia” gắn liền với tên tuổi của Người. Di chúc là những lời căn dặn tâm huyết; mọi tâm nguyện cuộc đời, Bác đều gửi gắm trong Di chúc. Mặc dù Người rất khiêm nhường, coi Di chúc là một bức thư, với “mấy lời để lại” cho đồng bào, đồng chí cả nước trước khi đi xa, nhưng Người đã phải trăn trở, suy nghĩ rất nhiều khi đặt bút viết, chỉnh sửa kỹ càng từng câu, từng chữ.

Nội dung bản Di chúc được Người trù tính thấu đáo, vừa cụ thể, vừa bao quát toàn bộ công việc từ việc riêng, cho đến những việc trọng đại của quốc gia, dân tộc, Nhân dân.

Gói gọn trong hơn một nghìn chữ, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Đó là những lời căn dặn đầy tâm huyết về khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước; về xây dựng một Đảng trong sạch vững mạnh; về chiến lược lược con người; về kế hoạch xây dựng lại đất nước sau chiến tranh; về tình đoàn kết quốc tế...của một Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, luôn cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Mỗi câu, mỗi chữ, mỗi điều Người viết và để lại trong Di chúc đều là chỉ dẫn vô giá, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, để đất nước ta được phồn vinh, Nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc.

Bao trùm lên toàn bộ nội dung Di chúc là hai chữ “Đảng” và “Dân” -mối quan tâm sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời của Người. Mở đầu Di chúc Người nói về Đảng, nhấn mạnh lý tưởng của Đảng và những vấn đề có tính nguyên tắc đối với một đảng cách mạng: Đoàn kết nội bộ, thực hành dân chủ rộng rãi; thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Để Đảng ta trở thành một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn vấn đề đoàn kết phải đặt lên hàng đầu: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người chỉ rõ: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.

Thực hiện Di chúc của Bác, cùng với cả nước, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Đất Tổ đã nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ảnh: Tú Anh

Thực hiện Di chúc của Bác, cùng với cả nước, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Đất Tổ đã nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ảnh: Tú Anh

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất xem trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vì đây là những người trực tiếp vận động, tuyên truyền, lãnh đạo quần chúng thực hiện chủ trưởng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là một trong những nội dung mang tính chiến lược trong mọi thời kỳ cách mạng.

Trong Di chúc, Người căn dặn không chỉ đào tạo cán bộ cho nhiệm vụ trước mắt mà còn phải đào tạo đội ngũ kế cận cho tương lai: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết . Cán bộ, đảng viên phải hội đủ yếu tố đức và tài, vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về sự hy sinh cao cả vì đất nước, vì Nhân dân như Bác đã viết trong Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Trong di sản tư tưởng của Người nói chung, Di chúc nói riêng, luôn toát lên tư tưởng nhân văn, vì con người, do con người, trước hết và cơ bản là vì dân, do dân, theo quan điểm “Dân là gốc”.

Theo Bác, Nhân dân lao động nước ta: “đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh”, vì vậy: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”...

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành cương lĩnh hành động, mệnh lệnh thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân ta. 5 lời thề trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969 mãi như một lời nhắc nhở, lời hứa của Đảng ta đối với những tâm nguyện của Người trước lúc đi xa.

Thực hiện Di chúc của Bác, 55 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã thực hiện nghiêm 5 lời thề: Nén đau thương biến thành sức mạnh, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa Nam - Bắc sum họp một nhà; Kiên trì lý tưởng mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; Giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình; Làm tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân; Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện học tập, làm theo đạo đức trong sáng mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 4 chữ “cần - kiệm - liêm - chính”.

Trong suốt thời gian qua, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, luôn xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và then chốt. Trong các kỳ đại hội của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, bổ sung nội dung xây dựng Đảng vào Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định phương hướng công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ là: “Tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước...”.

Hàng loạt các giải pháp hữu hiệu, cụ thể, thiết thực đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả từ Ban Chấp hành Trung ương đến các chi bộ cơ sở đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều chi bộ, đảng bộ và cán bộ, đảng viên được nâng cao. Đặc biệt, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện đã thiết thực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố, tăng cường.

Thực hiện di nguyện của Người, qua gần bốn thập niên thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước đã được những thành tựu to lớn và ý nghĩa lịch sử. Việc thực hiện dân chủ trong Đảng và trong xã hội có bước chuyển biến tích cực, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy...

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa.

Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đời sống Nhân dân hết sức khó khăn, thiếu lương thực triền miên, khoảng 3/4 dân số sống ở mức nghèo khổ, đến nay, Việt Nam đã vươn lên phát triển mạnh mẽ vớ tốc độ tăng trưởng tương đối cao, trung bình khoảng gần 7% mỗi năm.

Ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008, từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng. Văn hóa, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống và chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển. Vị thế của Việt Nam đã và đang ngày càng được khẳng định, nâng cao trên trường quốc tế...

Những thành tựu đáng tự hào mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua là minh chứng rõ ràng, khẳng định sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của bản Di chúc. Với trí tuệ, tầm nhìn vượt thời gian của vị lãnh tụ thiên tài, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ vẫn mãi là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nước ta, là nguồn động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam tiếp tục phấn đấu tiến lên xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng như tâm nguyện của Người lúc sinh thời.

Vũ Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-suc-song-manh-liet-va-gia-tri-truong-ton-218031.htm